Trả lời trên trang tin của Báo Bóng Đá ngày hôm qua, ông Nguyễn Trọng Hỷ, Chủ tịch VFF, cho biết: “Khi không còn làm chủ tịch VFF nữa, tôi muốn giới thiệu anh Kiên cho chức vụ này”. Tuy nhiên, ông Nguyễn Đức Kiên, Chủ tịch CLB Hà Nội ACB đã từ chối. ‘Bầu Kiên’ chia sẻ: “Tôi không có thời gian làm Chủ tịch VFF như anh Hỷ đề nghị nhưng nếu 10-15 năm nữa, khi nghỉ hưu, tôi có thời gian sẽ suy nghĩ nghiêm túc nếu được đề nghị như thế”.
Chiều nay, báo Pháp Luật TP.HCM đã tổ chức hội thảo “Doanh nghiệp làm bóng đá và hướng đi cho bóng đá Việt Nam” với sự tham dự của bầu Kiên (ông Nguyễn Đức Kiên, Hà Nội ACB), bầu Đức (ông Đoàn Nguyên Đức, Hoàng Anh Gia Lai), bầu Thắng (Võ Quốc Thắng, Đồng Tâm Long An), ông Lê Tiến Anh (Khatoco Khánh Hòa), ông Lê Hùng Dũng (Phó Chủ tịch VFF, Chủ tịch HĐQT Eximbank - nhà tài trợ chính của V-League)…
Ông Nguyễn Đức Kiên (Hà Nội ACB):
Bầu Kiên: "Tôi mong cải tổ V-League như thế nào để tốt hơn thôi".
Tôi đến đây cùng anh Thắng, anh Đức… để nói về tương lai bóng đá Việt Nam. Làm sao để cổ động viên trở lại sân cỏ, làm sao bóng đá Việt Nam vươn ra khu vực. Tôi không nói gì thêm, trả lời gì thêm, vì những cần nói đã nói rồi. Tôi chỉ nói về tâm tư, trăn trở về tương lai. Tôi mong cải tổ V-League như thế nào để tốt hơn thôi. Nếu anh chị nhà báo nào có câu hỏi rõ ràng, tôi sẽ trả lời thẳng thắn.
Ông Đoàn Nguyên Đức (HAGL):
Tôi là người vào với bóng đá sớm, muốn xây dựng bóng đá Việt Nam ngày một phát triển hơn. Có một thời dân Đà Nẵng bất chấp trời mưa tầm tã, rồng rắn xếp hàng mua vé vào sân xem đá bóng. Giờ thì khác một trời một vực. Tôi thấy rất buồn.
Cách đây 5 năm, ai cũng khẳng định V-League số 1 Đông Nam Á, nhưng bây giờ nhìn lại thua Thái Lan. CLB tôi đầu tư 30 tỷ/năm nhưng được gì, đó là lỗi của VFF, của chủ tịch, tổng thư ký VFF… Các doanh nghiệp đầu tư rất nhiều mà sao vẫn vậy? Liên đoàn có nhìn nhận vấn đề và khắc phục hay không?
Bầu Đức: "Các ông chủ bỏ tiền ra làm bóng đá mà không được bầu ra Ban chấp hành Liên đoàn Bóng đá Việt Nam".
Tôi đánh giá nguyên nhân V-League đi xuống là do trưởng ban tổ chức giải. Còn Hòa Phát Hà Nội bỏ là do trọng tài. Ai cũng biết trọng tài sai nhưng không ai xử lý. Anh Long (Hòa Phát) bức xúc là hoàn toàn đúng.
Một ông chủ tịch bỏ ra 60, 70 chục tỷ làm bóng đá, mà chúng tôi vẫn rất sợ trọng tài. Bóng đá Việt Nam có thành công hay không là do cổ động viên, báo chí và các ông chủ làm bóng đá. VFF có mạnh dạn thay đổi hay không, chứ đổ lỗi cho báo chí là không đúng. Không có sao người ta nói?
Phải cải tổ ngay trưởng ban tổ chức giải, cải tổ trọng tài… không thể cho nghỉ hai trận rồi thổi lại. Trên nữa là sửa chữa quy chế, quy định của giải… vì đã lỗi thời. Phải có biện pháp chế tài cực kỳ mạnh.
Chúng tôi 14 người chơi bóng đá mà các ông ấy (VFF) điều hành. Các công chủ bỏ tiền ra làm bóng đá mà không được bầu ra Ban chấp hành Liên đoàn Bóng đá Việt Nam. Chúng tôi chơi thì phải do chúng tôi quyết định chứ. Tôi làm đến giờ chưa hề có giấy mời từ VFF dự tổng kết.
Nếu không cải tổ thì chắc chắn không ai chơi nữa. Bản thân tôi mà không chơi thì thử hỏi ai chơi nữa.
Cầu thủ yêu sách đủ trò, không treo thưởng cao không đá. Có tiền đạo tôi nuôi từ nhỏ đòi 3 tỷ, thống nhất ở lại rồi, thế mà Bình Dương trả 8 tỷ, anh ta đi. Tôi cho đi luôn, rất phi lý. Tôi kiên quyết chuyện này, không tranh bằng mọi giá. Bình Dương hay Hà Nội T&T không thể nhiều tiền hơn tôi được nhưng tại sao tôi không tranh? Vì như thế là hỗn loạn. Cầu thủ muốn đi không chịu đá, tại sao chúng ta không có chế tài?
Bạo lực sân cỏ tràn lan. Cầu thủ không đá banh, phóng vào đá chân gãy làm đôi luôn.
Chuyện cầu thủ đình công không đá, tại sao trọng tài không xử lý đi? Do trọng tài dung dưỡng tạo ra tiền lệ. Sao đá với SLNA, Hải Phòng là sợ không dám đá? Hãy xử thẳng hết đi!
Việc trọng tài làm bậy, quản lý lâu rồi, VFF biết hết tại sao không xử đi? Treo còi họ một, hai trận rồi cũng xong. Cứ treo còi, không có thì thuê. Thậm chí trọng tài nữ bắt bóng đá nam còn hay hơn, thú vị hơn.
Chỗ Anh Hỷ (chủ tịch VFF Nguyễn Trọng Hỷ - GDVN), anh Tuấn (tổng thư ký VFF Trần Quốc Tuấn - GDVN) phải mạnh dạn, nếu không thì không thể thay đổi gì được. Dù điều hành bóng đá không chỉ có bóng đá nam mà còn bóng đá nữ, bóng đá trẻ… nhưng trước hết phải thay đổi từ bóng đá nam, rồi tới các loại khác.
Ông Võ Quốc Thắng (ĐT Long An):
Những gì anh Kiên, anh Đức nói tôi đều đồng tình. Nếu không coi trận chung kết Tiger Cup năm 1998, có lẽ tôi đã không làm bóng đá. Trận đấu đó chúng ta thua bởi cái lưng của cầu thủ Singapore (cầu thủ Sasi Kumar của Singapore - GDVN).
Những người tổ chức giải thì phải làm gương. ĐT Long An thi đấu với Đà Nẵng, ban tổ chức ép buộc trọng tài Hòa không công nhận bàn thắng. Sau này, anh Hòa phải bỏ nghề. Tại sao lại xảy ra những tình huống như vậy?
Bầu Thắng: "Cũng có những trọng tài tốt, nhưng mà có những trọng tài mà… xin lỗi, tôi không thể nói ra".
Tôi nhẩm tính thử có CLB bỏ cả 100 tỷ một mùa. Tôi có anh bạn cũng làm bóng đá ở Thái Lan, mỗi năm họ chỉ cần bỏ ra 1 đến 1,5 triệu USD, còn ở Việt Nam có khi bỏ 3 đến 4 triệu USD, nhưng bây giờ bóng đá Việt Nam thua Thái Lan. Tại vì sao, VFF phải xem lại cuộc chơi chứ? Bóng đá chưa sinh lợi mà tôi thấy hiện nay sao sao ấy. Chúng ta phải xác định làm sao để bóng đá để tương lai phải ngang hàng các nước châu Á chứ.
Kế đến là hiện nay, chúng ta đãi ngộ trọng tài chưa tương xứng. Ai cũng có thể vào. Thật sự tôi thấy nhiều trọng tài rất tốt. Nhưng có những trọng tài mà… xin lỗi, tôi không thể nói ra. Chúng ta đổ hết cho trọng tài là không hay, có trọng tài rất có tâm với nghề nhưng có trọng tài thì không thể dung dưỡng. Chúng tôi làm bóng đá, nếu cần mỗi CLB hàng năm bỏ chừng 500 triệu vào trả cho trọng tài, không có vấn đề gì cả. Thậm chí mỗi trận 50 triệu cũng được nhưng trọng tài phải bắt công tâm, bắt thật tốt.
Bóng đá là phải trong sạch. Nhưng tôi thấy CLB nào càng trong sạch càng bị ép. Tôi từng dạy dỗ cầu thủ phải là bóng đá sạch để phục vụ khán giả. Anh Đoàn Nguyên Đức từng gởi Việt Thắng cho tôi. Tôi nói với Thắng, đời người có hậu, chơi tốt đi đừng có này nọ. Nếu không đá vì nghề nghiệp, đời em không trả thì đời con em phải trả. Khán giả có hàng trăm nghìn con mắt, làm sao qua mặt được.
Thứ nữa, quy chế, điều lệ chúng ta tạo ra thì chúng ta có thể sửa. 28 CLB có thể ngồi lại cùng VFF. Nhưng những người làm bóng đá phải lắng nghe chúng tôi chứ. Không thể bức xúc mà bỏ bóng đá. Tôi nghĩ tâm huyết của tôi, anh Đức, anh kiên, anh Dũng vẫn còn. Để giải tỏa những bức xúc đó thì chúng ta cần phải thay đổi. Chúng ta góp ý để sửa và phát triển. Đi công tác Nhật, Trung Quốc, ngồi vào bàn là tôi dành chút phút hỏi thăm về bóng đá.
Nhiều người nói tôi keo không chi tiền này nọ là không đúng. Tôi có cách làm bóng đá riêng của mình. Tôi nuôi bóng đá chứ bóng đá chưa nuôi chúng tôi.
Tôi quan tâm, hiểu biết bóng đá lắm chứ. Có trận về tôi coi băng đến hai lần, thuộc hết cách chơi từng cầu thủ. Thậm chí đội khách thay người tôi còn dự đoán được sẽ thay cầu thủ nào. Tôi quan niệm hiểu bóng đá mới làm bóng đá được.
Ông Lê Hùng Dũng (Phó Chủ tịch VFF, Chủ tịch HĐQT Eximbank - nhà tài trợ chính của V-League):
Lắng nghe ý kiến của anh Kiên và anh Thắng, tôi cũng ghi chép rất cẩn thận. Tôi xin hứa trong phạm vi có thể, tôi sẽ trả lời hết những bức xúc của các anh ở đây. Nếu không thể tôi sẽ đưa về bàn thảo lại.
Theo tôi, các vấn đề này chúng ta đều có thể ngồi lại giải quyết, không khó khăn tới nỗi không thể giải quyết được.
Tôi đồng tình với anh Đức là vấn đề nổi cộm hiện nay là giá trị của cầu thủ đã vượt xa mặt bằng xã hội và vượt xa giá trị sử dụng của các câu lạc bộ. Theo tôi đây cũng là điều đáng báo động. Ví dụ anh này 3 tỷ thôi, anh kia trả gấp hai, ba lần để lấy cầu thủ, tạo ra môi trường đua tranh của các ông bầu, dẫn tới cái giá trị không thật của các cầu thủ và phát sinh vấn đề về giáo dục, đào tạo cầu thủ.
Trách nhiệm này là do ai? Các anh hãy tự trả lời. Không thể là VFF, VFF chỉ cố gắng tạo ra sân chơi bình đẳng. Làm sao để bình đẳng thì chút chúng ta sẽ bàn. Tôi không cấm định giá cầu thủ. Đó là quyền của các ông chủ câu lạc bộ. VFF cũng có trách nhiệm nhưng quyền và tiền của các ông chủ thì chúng tôi không thể quản lý.
Ông Lê Hùng Dũng.
Câu hỏi tôi đặt ra là trách nhiệm do ai. Không thể có quy định, chế tài vì đó là thỏa thuận giữa hai đối tác với nhau. Chúng tôi không thể can thiệp.
Nhiều người hỏi tôi đánh giá như thế nào về đội tuyển và tương lai bóng đá. Tôi cho rằng 7 năm nữa, lứa cầu thủ mới lên chúng ta cũng đủ.
Vấn đề thứ hai: Thói quen của các ông chủ của chúng ta là thưởng lớn. Bây giờ không thưởng là không đá. Lương cao. Cầu thủ bây giờ đá ổn định hay không chưa biết nhưng rất nhạy về điểm và thưởng. Điều này có nên ra chế tài hay không? Tôi cảm thấy không ổn.
Vấn đề thứ ba: Cầu thủ ngoại hiện nay đã tràn ngập. Tôi có trao đổi với anh Tuấn (tổng thư ký VFF Trần Quốc Tuấn - GDVN), anh Tuấn cũng đi rất nhiều nước châu Á và người ta tập trung vào các giải dài hạn hơn các giải một năm một đôi lần.
Các ông bầu có tính đến đầu tư dài hạn cho đội trẻ hay đi mua? Nếu đi mua nhiều quá thì sẽ không ổn và tôi cũng tán đồng việc hạn chế cầu thủ ngoại. Về lâu dài, các ông bầu nên đầu tư lâu dài cho các cầu thủ trẻ và trước các trận đấu chính thức nên có trận đấu cho các cầu thủ trẻ.
Các anh nói có nhiều điểm tôi không đồng tình lắm nhưng đây là quan điểm tự do mỗi người. Các anh nói bóng đá hiện nay kém hơn trước nhưng muốn vươn xa hơn, chúng ta phải bỏ qua những vấn đề lặt vặt như bây giờ.
Vấn đề trọng tài: Hạn chế của trọng tài là đã để xảy ra những chuyện đáng tiếc, trình độ nghiệp vụ không theo kịp nhịp độ trận đấu quá nhanh. Trên thế giới cũng có rất nhiều.
Nếu là sai sót về nghiệp vụ thì chúng ta không thể bác bỏ được, chúng ta có thể thông cảm. Nhưng nếu dùng quyền lực để gây nhiễu loạn kết quả, nâng đội này, ém đội kia là không thể chấp nhận. Như hai ông trọng tài đó (trọng tài Nguyễn Văn Quyết và trọng tài Trần Công Trọng - GDVN), tôi cho rằng sẽ phải xử lý.
Bên cạnh việc nghiêm khắc như vậy, tôi cũng đồng ý là chế độ cho trọng tài cũng phải xem lại. Tôi cũng quan liêu, duyệt kinh phí nhưng không theo dõi được phân bổ. Ví dụ duyệt taxi từ sân bay về Hà Nội 90.000 đồng, trong khi năm nay chi phí đã lên tới 250.000 đồng. Vậy thì trọng tài biết ăn vào đâu? Chỉ có ăn vào đội bóng thôi. Tôi xin đề nghị phải xem lại chế độ cho các trọng tài để họ yên tâm sống. Khi họ đã được đãi ngộ thì họ phải làm việc đàng hoàng, nếu có sai sót sẽ bị trừng phạt đích đáng.
Giải pháp thứ ba là mỗi sân đấu có 4 camera, 2 ở đầu sân và 2 ở trung tâm. Tôi nghĩ với biện pháp như vậy và sự quyết liệt của ban điều hành, các bất cập có thể được hạn chế. Tôi xin đảm bảo VFF sẽ hết sức để bảo vệ sự bình đẳng cho các mùa giải chừng nào tôi còn ở đây.
Có những chuyện về cải tiến điều hành tôi đã nói rồi. Tôi có yêu cầu sáng thứ hai họp giao ban trực tuyến ở TP. HCM và Hà Nội với ban trọng tài, ban quản trị, nếu có nghi vấn là phải giải quyết ngay. Hiện nay, tôi nắm vị trí phó chủ tịch và nhà tài trợ. Nếu Eximbank tiếp tục tài trợ thì chúng tôi sẽ có điều khoản như nếu có vấn đề thì trừ thẳng vào tài trợ 500 triệu chẳng hạn.
Tôi cũng nói với các câu lạc bộ, các ông chủ rằng ai chỉ đạo, ai mua chuộc các trọng tài? Là VFF? Tôi đề nghị bên cạnh việc yêu cầu VFF nhận trách nhiệm và cải tổ các bộ phận yếu kém, các ông chủ cũng cần xem lại vai trò của mình trong việc đẩy giá cầu thủ và gây ra các bất cập. Tôi đề nghị 14 ông bầu ngồi cam kết với nhau rằng 14 đội đều sẽ chơi sạch. Nếu các anh chơi sạch thì nền bóng đá mới bay cao, đi xa được.
Ông Nguyễn Đức Kiên (Hà Nội ACB):
Tôi xin lắng lại từ Hội nghị tổng kết. Tôi gọi cho anh Hỷ nói nội dung cần gì để làm cho bóng đá tốt hơn. Nhưng tôi không hiểu sao VTV phát lại nội dung anh Lân Trung (ông Nguyễn Lân Trung, phó chủ tịch VFF - GDVN) nói lại nội dung của tôi rất khác. Tôi khẳng định tôi, anh Đức, anh Thắng… chưa nói gì với nhau qua điện thoại nhưng tôi tin các anh ủng hộ tôi.
Ông Nguyễn Đức Kiên say sưa thảo luận.
Tôi chờ anh Hỷ ăn cơm xong, tôi nói thẳng, đề nghị thay ban tổ chức giải vì không làm tròn nhiệm vụ, giải về đích không an toàn. Thứ hai, phải cơ cấu lại hội đồng trọng tài. Tôi giới thiệu anh Tấn (ông Đoàn Phú Tấn - GDVN) làm hội đồng trọng tài, anh Viễn (ông Phạm Ngọc Viễn, phó chủ tịch VFF - GDVN) làm trưởng ban tổ chức giải. Nhưng khi anh Lân Trung đại diện người phát ngôn VFF trên VTV về những gì tôi nói, tôi rất thất vọng. Chính vì vậy cả tuần nay tôi không nói gì cả. VFF là một tổ chức xã hội, ghế trong VFF là của các câu lạc bộ, chúng tôi ý thức là thành viên nên nếu ban chấp hành không làm được thì chúng tôi có thể yêu cầu thay đổi người.
Tôi nói với anh Đức, trong 14 câu lạc bộ, mỗi nơi khác nhau, mỗi đội tính cách khác nhau, nhưng tôi tin rằng ngồi lại thì sẽ có tiếng nói chung.
Tôi không thể hiểu nổi tại sao trước mỗi trận [các ông bầu] đem cọc tiền tỷ đến kêu đá tốt để thưởng. Phải ghi rõ trong điều lệ không cho phép dùng tiền kích thích trận đấu. Câu lạc bộ tôi quy định hẳn hoi, đá thắng sân khách, sân nhà thưởng thế nào… ngay từ đầu mùa. Các đội bóng tư nhân, VFF đều có thể kiểm soát tài chính câu lạc bộ nhưng tại sao VFF không làm? Liên đoàn Bóng đá châu Âu có quy chế kiểm soát tài chính câu lạc bộ đó thôi.
Là thành viên VFF, chúng tôi có quyền thay thế người trong ban chấp hành chứ. Tôi nói thật là tôi không có thời gian làm Chủ tịch VFF như anh Hỷ đề nghị. Rất cảm ơn anh Hỷ vì hiện tại tôi rất bận. Nhưng nếu 10-15 năm nữa khi nghỉ hưu, tôi có thời gian sẽ suy nghĩ nghiêm túc nếu được đề nghị như thế.
Vậy tôi ý kiến thay đổi VFF thì thay những gì? Đó là thay đổi:
- Thay trưởng ban tổ chức giải, chọn người có năng lực làm. Tôi đề nghị anh Phạm Ngọc Viễn làm trưởng ban tổ chức giải vì anh ấy có chuyên môn, năng lực.
- Anh Đoàn Phú Tấn làm Chủ tịch Hội đồng trọng tài. Vì anh là người am hiểu giới trọng tài và nắm luật chắc chắn. Tất nhiên đấy là ý kiến của tôi. Đại diện các câu lạc bộ khác cũng có thể đề xuất, rồi cùng bỏ phiếu bầu người để cuộc chơi này minh bạch và thẳng thắn hơn.
- Tách ra thành hai ban tổ chức giải V-League và hạng Nhất riêng. Vì một người làm trưởng ban tổ chức giải mà gộp lại như thế là không đủ thời gian theo dõi hết diễn biến.
Tôi nghĩ thay đổi về ban tổ chức giải đấu. Trưởng ban tổ chức phải là người của các câu lạc bộ đưa ra, vì chúng tôi là những người tham gia cuộc chơi. VFF có thể chọn từ 3 đến 5 người có chuyên môn để giám sát giải. Chẳng hạn như anh Nguyễn Văn Vinh, anh Trần Văn Phúc… làm ban này, có thể tạm gọi là Ban đạo đức chẳng hạn. Các anh ấy đi sân theo dõi và xử thẳng tay, chỉ một hai lần là câu lạc bộ ngán, cầu thủ sợ ngay.
Tôi nói thật rất nhiều lãnh đạo ACB không đồng ý làm bóng đá. Tôi thuyết phục làm vì cuộc chơi chung. Tôi làm nhưng nói thật dành rất ít thời gian cho bóng đá. Thời gian qua tại sao tôi phải ra mặt, vì có người bỏ làm bóng đá rồi, tôi rất sợ sẽ có người bỏ nữa, nên phải nói.
Tôi không đồng ý cách nói là Hòa Phát Hà Nội bỏ bóng đá là do ảnh hưởng kinh doanh. Anh Long ý thức rất rõ nếu bỏ giữa chừng, giải có về đích không, anh ấy cắn răng làm hết mấy vòng đấu cuối để giải về đích rồi nghỉ. Hay như người ta nói tôi nhận Hòa Phát là vì đất. Không đúng, tôi nhận đội bóng nhưng phải chia nửa đất trung tâm bóng đá của tôi xin từ thành phố Hà Nội cho Hòa Phát.
Hòa Phát bỏ, bây giờ tôi không nhận thì ai nhận, ai làm? Cuộc chơi này với bóng đá Hà Nội thế nào? Tôi từng là người lính, từng mê Thể Công nhưng bây giờ Thể Công mất rồi. Chúng tôi làm bóng đá là vì mong bóng đá Việt Nam phát triển, mong đến lúc nào đó có những đội bóng Thủ đô đấu với nhau thật hay để phục vụ khán giả Hà Nội.
Tôi, anh Đức, anh Thắng sẵn sàng đầu tư nhiều tiền hơn cho bóng đá. Chứ môi trường bóng đá như thế này, kêu gọi chúng tôi đầu tư nữa là vô lý. Tôi nghĩ VFF phải thay đổi, nếu không thì cuộc chơi này không phát triển được.
Ông Lê Tiến Anh (Khatoco Khánh Hòa):
Thực ra cũng không có gì bức xúc cả. Anh Thắng, anh Đức, các anh ở đây đều biết. Doanh nghiệp làm bóng đá mà bỏ bóng đá là thôi. Năm 2001, tôi bỏ bóng đá sau trận Sông Lam Nghệ An, năm 2005 tôi mới quay lại.
Theo quan điểm của tôi, các anh phê phán trọng tài và ban tổ chức, tôi ủng hộ nhưng quan điểm của tôi mấu chốt là lỗi sai nằm ở cả hệ thống. Nếu chúng ta chỉ chăm chăm vào cái sai từng bộ phận thì không ổn.
Ông Lê Tiến Anh.
Theo tôi cái minh bạch của các anh chưa đủ. Tại sao có cầu thủ xuất sắc mà không có còi vàng xuất sắc, cờ vàng xuất sắc trong tháng? Tại sao các anh không công khai sự giám sát đối với các trọng tài và trận đấu. Mỗi lần đặt ra vấn đề, anh Đức nói đúng, nếu nói kiện thì chúng tôi có thể kiện rất nhiều. Nhưng kiện thì được gì? Khi không công bố thì chúng tôi biết làm sao được?
Không phải những chuyện có lợi cho tôi thì tôi nhớ mà ví dụ trận Khánh Hòa - Hà Nội T&T. Trọng tài chính và trọng tài biên trao đổi rất thẳng thắn. Các giám sát trận đấu, giám sát trọng tài có những quyết định can đảm, quyết liệt phải được đề cao. Việc thưởng nọ kia thì chẳng biết bao nhiêu cho đủ.
Tại sao tôi nói sai hệ thống? Rõ ràng doanh nghiệp đang làm bóng đá, chính vì vậy nên trả lại các quyền quyết định cho các doanh nghiệp vì sự phát triển chung của bóng đá. Cái gì các anh cũng đổ cho VFF, nhưng khi bầu VFF các anh cũng cơ cấu rồi. Phòng nào ban nào cũng đã cơ cấu. Các doanh nghiệp rõ ràng thiếu sự quan tâm đến những người mình đã đề cử. Nếu như VFF triệu tập và nghe ý kiến của các bộ phận thì sẽ có rất nhiều.
Tôi đồng ý với anh Kiên và anh Đức. Không thể đổ lỗi cho doanh nghiệp. Chúng tôi làm doanh nghiệp cũng cùng với VFF. Không thể nói việc phá giá thưởng cao là do các ông chủ. Nếu các anh quy định về hệ thống đào tạo, cơ sở vật chất v.v… chứ không phải đào tạo trẻ cho có tên thương hiệu rồi khi đá lại đi mượn chỗ nọ chỗ kia. Nếu các anh quy định thời gian chơi như 5 năm chẳng hạn. Mỗi năm đào tạo được 5 cầu thủ đã là rất thành công rồi. Còn lại toàn nuôi không hoặc bỏ đi. Nhưng 5 cầu thủ đó cũng chỉ đá được khoảng 2 năm tới U21 lại lên chuyên nghiệp. Vậy lãng phí này do đâu?
Tôi nghĩ trong tình hình hiện nay Liên đoàn cũng nên có đại hội bất thường. Công ty tôi có 24 công ty con, khi có vấn đề về quản lý cũng đại hội bất thường. Sự điều chỉnh là để phù hợp với thời cuộc.
Cái thay đổi này cần phải có sự nhìn nhận trong cả hệ thống chứ không phải chỉ cá nhân.
Ông Lê Hùng Dũng:
Quy định mới của FIFA thì Chủ tịch Hội đồng trọng tài phải là Ủy viên Ban chấp hành VFF. Bây giờ chỉ còn hai người, một là anh Dương Vũ Lâm (TP.HCM), hai là anh Nam Hùng (Tiền Giang) là chưa có kiêm nhiệm những ban bệ khác của VFF. Thế nhưng anh Nam Hùng không có chuyên môn trọng tài, trong khi anh Vũ Lâm lo cho hai đội bóng của TP.HCM. Đây là vấn đề khó mà hiện Ban chấp hành Liên đoàn Bóng đá Việt Nam phân vân. Thế nên vấn đề này có lẽ xin AFC, FIFA thư thả lại đến năm 2013 để VFF có thời gian chuẩn bị người.
Ông Nguyễn Đức Kiên:
Chúng tôi không cố tình xúc phạm bất kỳ ai trong Liên đoàn. Chúng tôi chỉ cho rằng bây giờ đây là lúc có sự thay đổi.
Bầu Đức và bầu Thắng.
Tôi không tin anh Dũng (phó chủ tịch VFF Nguyễn Lân Dũng - GDVN) không triệu tập được 14 ông bầu ở V-League. Chưa bao giờ có ông chủ tịch nào nhận được sự trân trọng của Liên đoàn.
Ông Lê Hùng Dũng:
Tôi có kinh nghiệm, mỗi khi gặp nhau thì mọi người nói rất hăng, nhưng khi mời họp thì không ai đi. Có lần mời hầu như các anh không ai dự.
Ông Đoàn Nguyên Đức:
Chính tôi đi họp nhiều lần mà tôi không thèm đi nữa.
Ông Lê Hùng Dũng:
Với cái lối suy nghĩ “những người ngồi đó là những thằng ngu, ngồi mát ăn bát vàng…” thì không thể giải quyết được gì, cũng hơi cực đoan và có thiếu sót. Chúng ta nên hết sức bình tĩnh ngồi lại với nhau và tìm ra giải pháp.
Ông Võ Quốc Thắng:
Nãy giờ nghe các anh nói, tôi thấy Liên đoàn hãy dành thêm cho tôi một suất (ĐT Long An đã rớt hạng). Nếu chúng ta đoàn kết từ báo đài, từ các câu lạc bộ, từ Liên đoàn tới người hâm mộ thì sẽ tìm ra cách cải tổ VFF.
Có người nhắn tin cho tôi “chia buồn em Thắng rớt hạng trong vinh quang", điều này chứng tỏ xã hội biết vấn đề của bóng đá Việt Nam.
Ông Nguyễn Đức Kiên:
Tôi rất lo cho tương lai của bóng đá Việt Nam chứ không lo lắng cho một ai trên Liên đoàn. Hiếm ai máu bóng đá như anh Dũng (ông Lê Hùng Dũng). Nếu để tranh luận bóng đá, tôi và anh Dũng còn nảy lửa hơn nhiều. Chính anh Dũng rủ tôi làm bóng đá chứ ai. Nhưng chúng ta đã làm bóng đá thì đừng hời hợt. Làm như vậy xã hội sẽ coi thường. Tôi không muốn điều đó.
VFF có thể triệu tập đại hội bất thường. Tôi sẵn sàng bỏ thời gian ngồi viết một bản đề cương thảo luận để trao đổi, không như ngồi đây trao đổi như thế này. Nếu Liên đoàn không có đề cương, tôi sẵn sàng viết và mời tất cả ngồi thảo luận. Tôi bức xúc có người bảo tôi không đọc quy chế. Sai, tôi đọc không sót một chữ. Đọc để hiểu và biết, để không bị nghe phát biểu sai. Tôi nói mạnh như vậy là vì mong thay đổi để giải tốt lên. Không hề dọa bỏ hay tổ chức giải khác.
Tôi tin rằng nếu chúng ta đoàn kết, thì năm ba năm nữa bóng đá Việt Nam sẽ chắc chắn đi lên. Chúng ta phải làm sao để kéo niềm tin của người hâm mộ. Tôi tin rằng tôi sẽ cùng với các anh ở đây sẽ lấy lại niềm tin của người hâm mộ.
Nên đưa những người nào thực tâm có thể đóng góp cho bóng đá vào Ban chấp hành Liên đoàn. Đừng có cơ cấu quá.
Ông Đoàn Nguyên Đức:
Sau buổi hôm nay, anh Dũng nên trao đổi lại, bàn thảo lại các nội dung cần thiết. Bản thân tôi rất lo bóng đá tiếp tục đi xuống. Tôi xây nguyên học viện bóng đá và khách sạn năm sao, chứng tỏ tôi rất yêu bóng đá. Tôi sẵn sàng làm mọi việc để bóng đá Việt Nam tốt lên.
Tôi đề nghị anh Dũng trước tiên nên xử lý ban tổ chức giải và trọng tài.
Ông Lê Hùng Dũng:
Tôi sẽ báo cáo lại với anh Hỷ, sẽ sớm có cuộc họp với sự tham gia của các câu lạc bộ V-League để tìm ra hướng đi mới cho bóng đá Việt Nam.
Mùa sau, trưởng ban tổ chức giải chắc chắn sẽ có sự thay đổi. Chủ tịch Hội đồng trọng tài chắc chắn sẽ có thay đổi.
Báo chí và người hâm mộ sẽ là người giám sát xem có thay đổi so với mùa trước không. Làm sao để người hâm mộ và các ông chủ tiếp tục ủng hộ bóng đá.
Ông Võ Quốc Thắng:
Nhiều lúc chúng tôi buồn và thất vọng vì các bạn báo chí không hiểu. Chúng tôi làm bóng đá vì mục đích chung của bóng đá Việt Nam. Chúng tôi hứa sẽ làm hết sức mình vì bóng đá Việt Nam. Và tôi tin không xa bóng đá Việt Nam sẽ theo kịp Hàn Quốc và Nhật Bản.
Ông Lê Hùng Dũng:
Cho tôi nói phần cuối, chúng ta đã trao đổi với nhau những nội dung hết sức cởi mở, công khai và cấp bách. Tôi xin nói với các anh ở đây và các bạn báo chí rằng chừng nào tôi còn ngồi ở vị trí này, tôi sẽ làm hết sức mình để nền bóng đá phát triển sớm nhất.
Tôi sẽ cố gắng để sớm triệu tập cuộc họp có mặt của đầy đủ 14 câu lạc bộ chuyên nghiệp, 14 câu lạc bộ hạng nhất và các bộ phận quản lý. Về tổ chức và về trọng tài, tôi xin hứa chắc chắn sẽ có thay đổi để tạo sân chơi bình đẳng, chắc chắn đầy sức thuyết phục. Cái gì không đúng, chúng tôi sẽ tiếp thu các góp ý để sửa chữa. Tôi tin bóng đá mùa tới sẽ tốt rất nhiều, và khán giả sẽ quay trở lại. Tôi tin như vậy.
Ông Lê Hùng Dũng: "Trước đây, BTC có mời các ông bầu họp tổng kết cuối năm nhưng không có ông bầu nào tham dự. Có lẽ vì vậy mà BTC không mời nữa".
Ông Đoàn Nguyên Đức phản bác: “Tôi xin lỗi, tôi đi nhiều lần rồi nhưng đi làm ông “nghị gật” thì đi làm gì? Tôi nói thật, nếu góp ý vì bóng đá Việt Nam thì cho dù ở Anh, Mỹ tôi sẵn sàng mua vé bay về dự”. |