Trong lịch sử phim truyền hình Trung Quốc, hiếm có bộ phim nào có sức hút vượt thời gian như Tây Du Ký phiên bản 1986. Mới đây, "cha đẻ" của Tây Du Ký 1986 - đạo diễn Dương Khiết đã tiết lộ thêm một số câu chuyện hậu trường thú vị về hai nhân vật Đường Tăng và Tôn Ngộ Không trong cuốn tự chuyện mới xuất bản mang tên 81 Kiếp nạn của tôi.
Năm 1981, bà Dương Khiết khi đó 52 tuổi nhận nhiệm vụ làm phim được chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Ngô Thừa Ân. Kể từ đó cuộc sống của bà có nhiều thay đổi lớn.
Khó khăn lớn nhất của Dương Khiết trong buổi đầu nhận dự án này là việc tìm diễn viên chính, trong đó nổi bật là câu chuyện tuyển người vào vai Đường Tăng.
"Tính ra, Tây Du Ký đâu phải chỉ có ba Đường Tăng. Ngoài 3 diễn viên trưởng thành cần phải kể tới tiểu hòa thượng tụng kinh niệm Phật trong chùa và tiểu hòa thượng đổi củi lấy cá rồi phóng sinh ở ao, thêm nữa là một Đường Tăng kháu khỉnh bị mẹ bỏ trôi theo dòng nước" - Dương Khiết hóm hỉnh chia sẻ.
Nữ đạo diễn tiết lộ, Đường Tăng nhỏ nhất mới chỉ 5 tháng tuổi do bé gái Hồ Văn Sảnh thủ vai. Đó là một em bé vô cùng đáng yêu, bụ bẫm và rất đặc biệt. Trong quá trình quay phim, khi được diễn viên đóng vai phương trượng đón từ dưới chậu gỗ trôi bồng bềnh trên sông lên, em bé này chẳng hề sợ hãi mà còn nhoẻn miệng cười.
Những khán giả từng nghiền phim Tây Du ký hẳn biết rõ diễn viên Đường Tăng đã 3 lần thay thế, lần lượt là Uông Việt, Từ Thiếu Hoa và Trì Trọng Thụy.
Người đầu tiên là Uông Việt, được chọn từ Học Viện Điện Ảnh. "Tôi cho cậu ấy đến chùa Pháp Nguyên ở Bắc kinh để trải nghiệm cuộc sống hòa thượng. Uông Việt rất nghiêm túc còn cạo trọc đầu, cả ngày bận y phục Đường Tăng. Nhưng chỉ được 10 ngày cậu ta đã bỏ về.
Phó đạo diễn Chu rất không hài lòng với cậu ta nói cậu ta không thể chịu khổ, muốn đổi người khác.
Uông Việt tủi thân chạy đến nói với tôi: Nhiều muỗi quá cháu chịu không nổi, không những đốt toàn thân mà cả cái đầu trọc chúng cũng không tha. Các hòa thượng dạy không được đánh muỗi, nếu không sẽ phạm vào sát giới”.
Uông Việt chỉ đóng các tập “Họa khởi Quan Âm Viện”, “Thâu ngật nhân sâm quả”, “Ba lần đánh bạch cốt tinh”, rồi vội vã chia tay đoàn làm phim vì phải tham gia một dự án điện ảnh.
Rồi Từ Thiếu Hoa xuất hiện. Ban đầu anh vốn dĩ đóng vai Tiểu Bạch Long nhưng trông khuôn mặt tròn trịa hiền lành rất hợp với vai Đường Tăng nên Dương Khiết đã chọn anh. Tiếc rằng sau này Từ Thiếu Hoa mải mê theo đuổi sự nghiệp học hành nên cũng không gắn bó hết cả bộ phim.
Người thứ ba là Trì Trọng Thụy. Một lần tình cờ trên đường, Dương Khiết đã bị ấn tượng bởi phong thái nho nhã ôn hòa của Trì Trọng Thụy. Bằng con mắt của một đạo diễn tinh tế, bà chọn ngay ông vào vai Đường Tăng. Quả thật Trì Trọng Thụy đã không phụ lòng bà. Ông đã có đóng góp to lớn vào thành công của bộ phim kinh điển này.
Trước khi khởi quay, Dương Khiết tìm đến nhà nghiên cứu Phật Học, nhà thư pháp nổi tiếng Trung Quốc - Triệu Phác Sơ, xin ông viết phụ đề cho tập đầu tiên. Nhưng người này đã lịch sự từ chối.
Ông cho rằng Ngô Thừa Ân đã làm xấu hình tượng Đường Tăng và bày tỏ hy vọng đoàn làm phim sẽ đứng trên lập trường khách quan để xây dựng hình ảnh các nhân vật.
“Đường Tăng, Đường Huyền Trang là kỳ nhân có thật trong lịch sử. Ông có cống hiến to lớn cho Phật Giáo. Nhưng Ngô Thừa Ân vì muốn đề cao Tôn Ngộ Không mà biến Đường Tăng thành con người yếu đuối, không phân biệt được yêu ma, động tí là rơi nước mắt còn mấy lần đọc niệm chú đuổi Ngộ Không đi nên bọn trẻ đứa nào cũng không thích Đường Tăng.
Đến cả tôi lúc bé khi đọc Tây Du Ký cũng không thích nhân vật này.Vì thế tôi dày công nghiên cứu nguyên tác để tìm cách thể hiện tốt nhất nhân vật lịch sử này” - Dương Khiết quyết định thêm vào nội dung nguyên tác nhằm khắc họa một Đường Tăng đầy ý chí và kiên cường.
“Tôi cố ý sắp xếp cảnh quay Đường Tăng và Nữ vương xinh đẹp của Nữ Nhi Quốc liếc mắt nhìn nhau. Cảm xúc đó là chuyện thường tình của một con người, nhưng Đường Tăng đã kịp thời kìm nén sự dao động, kiên quyết đến Tây Thiên. Đó chính là cái vĩ đại của ông ấy”. - nữ đạo diễn chia sẻ.
Bên cạnh đó, việc tìm người đóng Tôn Ngộ Không cũng khiến Dương Khiết đau đầu suy tính. Đầu tiên bà tìm đến nghệ nhân kinh kịch Lý Vạn Xuân (người từng được mệnh danh là Bắc Hầu Vương) nhưng không thu được kết quả. Rồi bất ngờ, bà nhớ tới Nam Hầu Vương - Lục Linh Đồng chuyên về nghệ thuật diễn xuất các loài khỉ.
Bà gọi điện thoại cho Lục Linh Đồng và được ông nhiệt liệt hoan nghênh đến thăm lớp học của ông để lựa chọn diễn viên thích hợp.
Tháng 2 năm 1982, Dương Khiết đến nhà Lục Linh Đồng ở Triết Giang. Tại đây ông đã biểu diễn vài động tác khiến bà rất tâm đắc. Tuy nhiên, “Nếu ông trẻ hơn 30 tuổi thì vai diễn này đúng là của ông rồi” bà tiếc nuối.
Lục Linh Đồng liền chỉ sang cậu thanh niên bên cạnh : “Nó là con trai tôi…”. Tuy nhiên, Dương Khiết đã đánh lảng sang chuyện khác. Ngày hôm sau khi Dương Khiết đến thăm lớp học, Nam Hầu Vương lại tiến cử con trai mình – Lục Tiểu Linh Đồng. Nữ đạo diễn yêu cầu Lục Tiểu Linh Đồng diễn thử và tỏ vẻ hoài nghi vì anh ta không có được thần thái như cha mình.
Nào ngờ, người không “lọt mắt xanh” của bà khi đó lại chính là Tôn Ngộ Không gây ấn tượng sâu sắc nhất với khán giả sau này.
“Nhớ lại lúc đó, thật khâm phục khả năng biết nhìn xa trông rộng của Lục Linh Đồng. Chẳng thế mà con trai của ông ấy sau này mới thành công, trở thành Đại Mỹ Hầu Vương Tề Thiên Đại Thánh – ngôi sao nổi tiếng không chỉ riêng ở Trung Quốc mà khắp thế giới”.