Ông đã cùng ĐT Anh lên ngôi vô địch thế giới, đã từng được hoàng gia Anh phong tặng tước hiệu Hiệp sỹ, nhưng trên hết, ông là một trong những vị đại sứ đích thực của bóng đá thế giới.
Cầu thủ xuất chúng
“Sir Bobby”, người Anh gọi ông như vậy, hiện đang là một trong 4 người giữ kỷ lục hơn 100 lần khoác áo ĐT xứ sở sương mù. Ba người còn lại là thủ môn Peter Shilton, Billy Wright và Bobby Moore. Trong khi Shilton, Wright và Moore là những cầu thủ chơi ở vị trí phòng ngự, nơi mà các cầu thủ có thể chơi với một phong độ cao trong một thời gian khá dài, thì Bobby Charlton lại là một tiền đạo lùi. Ở vị trí này, rất ít người có thể đạt được một phong độ ấn tượng và tạo được sự tin tưởng lâu như vậy. Số lượng khoác áo ĐTQG của ông đã nói lên điều đó.
Charlton là một trong những cầu thủ có một nền thể lực dồi dào với tốc độ kinh hoàng trong khi không có được một chiều cao lý tưởng. Ông chỉ cao 1m73 (khá thấp so với các cầu thủ châu Âu). Tuy nhiên, đó không phải là điểm yếu của Bobby Charlton, khi ông đã có 49 bàn thắng trong 106 lần khoác áo ĐTQG, nhiều hơn tiền đạo Gary Lineker đúng một bàn. Đó vẫn là một kỷ lục của bóng đá Anh cho đến thời điểm này. Từ khi ông từ giã ĐT Anh vào năm 1970, vẫn chưa có một cầu thủ nào có thể phá vỡ được kỷ lục này.
Sự nghiệp vinh quang ở cấp CLB
Chính Joe Armstrong, người phụ trách tuyển trạch của Manchester khi đó đã phát hiện ra tài năng của Bobby Charlton khi quan sát ông thi đấu cho độI bóng East Northumberland Schoolboys. Sau khi bàn bạc với HLV Matt Busby, Armstrong đã đưa tài năng lớn của bóng đá Anh sau này về với sân Old Trafford vào năm 1953. Sau một thời gian thử việc ở CLB thành Manchester, Bobby Charlton chính thức ký hợp đồng thi đấu chuyên nghiệp cho đội bóng này khi ông 17 tuổi. Vào tháng 10 năm 1956, ông kỷ niệm sinh nhật lần thứ 19 của mình bằng việc ghi 2 bàn trong lần đầu tiên được ra sân, khi đó MU đối đầu với Charlton Athletic.
Mùa giải năm đó, MU đăng quang ngôi vô địch giải bóng đá Anh, và Charlton có màn trình diễn không tồi khi ghi tổng cộng 10 bàn thắng trong 14 lần được ra sân. Không chỉ có thế, đội chủ sân Old Trafford còn lọt vào trận chung kết cúp FA và bán kết cúp C1. Tất cả các cầu thủ đều rất hào hững với những thành quả đạt được, cũng như vô cùng háo hức chờ đến lúc được chinh phục những chiếc cúp tiếp theo. Tuy nhiên, tai hoạ đã xảy ra vớI thế hệ được gọi là “Busby Babes”. Chiếc máy bay chở đội bóng gồm toàn những cầu thủ trụ cột đã gặp tai nạn trên đường băng Munich. Đó là ngày 6 tháng 2 năm 1958. 8 cầu thủ xuất sắc của MU đã mãi mãi không bao giờ còn được tung hoành trên sân cỏ nữa. Bobby Charlton đã may mắn thoát chết trong vụ tai nạn kinh hoàng đó, lúc đó ông 20 tuổi.
Từ “đống tro tàn” đó, HLV Busby đã xây dựng lại đội bóng mà nền tảng là “người sống sót” Charlton. Và với sự “hồi sinh” đó, vinh quang đã quay trở lại với đội bóng với biệt danh “Quỷ đỏ” vào năm 1963 với vị trí cao nhất ở cúp FA. Tiếp theo đó là những lần đăng quang ở giải bóng đá Anh vào các năm 1965 và 1967. Chưa dừng lại ở đó. Đúng 1 thập kỷ sau khi chia tay vĩnh viễn các đồng đội ở Munich, Charlton, thủ môn Billy Foulkes và “MU mới” đã dâng tặng những người đã khuất chiếc cúp vô địch châu Âu năm 1968, sau khi hạ gục Benfica 4-1 trong trận chung kết diễn ra ở Wembley. Bobby Charlton là người hùng của trận đấu với cú đúp vào lưới đội bóng đến từ Bồ Đào Nha.
Khởi đầu trong màu áo ĐTQG
Mặc dù đặt dấu ấn với vị trí tiền đạo cánh trái, nhưng trận đấu đầu tiên của Charlton trong màu áo ĐT Anh, ông lại đá ở vị trí tiền vệ phòng ngự. Và cũng như lần ra mắt ở Manchester, lần ra mắt này của Charlton rất hoàn hảo. Ông ghi một bàn trong chiến thắng huỷ diệt 4-0 trước độI chủ nhà Scotland ở Hampden Park (sân nhà của CLB Celtic). “Tôi vẫn còn nghe thấy âm thanh khi quả bóng chạm vào mành lưới của Scotland khi đó,” Sir Bobby hồi tưởng lại. “Sau đó, tất cả những gì mà tôi cũng như mọi người nghe thấy là sự im lặng rất lâu.”
Với màn ra mắt quá ấn tượng đó, không ai ngạc nhiên khi Bobby Charlton được triệu tập vào ĐTQG tham dự World Cup năm 1958 ở Thuỵ Điển. Tuy nhiên, ông và các đồng đội đã có một kỳ World Cup đáng quên, khi phải chia tay đất nước vùng Scandinavi ngay sau vòng 1. Họ đã bị thất bại trong trận play-off với ĐT Liên Xô với huyền thoại Lev Yashin trong khung gỗ. Ở giải đấu năm đó, Bobby Charlton đã không được trọng dụng vì HLV Walter Winterbottom cho rằng ông vẫn còn bị ảnh hưởng về vụ tai nạn ở Munich cách đó không lâu.
Bốn năm sau đó, Bobby Charlton trở thành một trong những cầu thủ quan trọng nhất của “Tam sư” ở Chile. Bàn thắng đầu tiên của Charlton ở đấu trường quốc tế là bàn thắng nâng tỷ số lên 2-0, khi ĐT Anh giành thắng lợi trước Argentina với tỷ số chung cuộc 3-1. Trận thắng đó đưa ĐT Anh vào vòng tứ kết, nhưng họ đã không may khi… đụng Brazil ở vòng đấu này. “Những chú sư tử” kiêu hùng đã không thể thắng được đội bóng của đất nước Samba, đội sau đó lên ngôi vô địch.
Huy hoàng
Năm 1966 là một năm mà không một người yêu mến bóng đá Anh nào có thể quên được. ĐT Anh đã giành chức vô địch trên sân nhà với sự toả sáng của tài năng 28 tuổi, Bobby Charlton. Cùng với các đồng đội và người anh trai Jack Charlton (đá hậu vệ), ông đã đem về chiếc cúp Jules Rimet cho quê hương của môn bóng đá sau khi đánh bại ĐT Đức trong trận chung kết. Lúc đó, ĐT Anh đã có một sự khởi đầu không như ý, khi bị Uruguay cầm hoà với tỷ số 0-0 ngay ở trận đầu ra quân. Chiến dịch đoạt cúp của họ cần phải có một “cú hích”, và Charlton chính là người tạo ra điều đó.
Hai bàn thắng của Bobby Charlton trong trận bán kết với Bồ Đào Nha đã đưa “những chú sư tử Anh” lọt vào trận chung kết ở Wembley năm đó. Có thể nói đó là một trận chung kết rất thú vị trong lịch sử các kỳ World Cup. Hai huyền thoai, một của Anh, một của Đức… bám chặt lấy nhau trong phần lớn thời gian của trận đấu. Siêu tiền đạo của ĐT Anh, Bobby Charlton “đọ sức” với siêu hậu vệ của ĐT Đức, Beckenbauer. Khi Charlton tấn công, Beckenbauer phòng ngự, khi Beckenbauer băng lên, Charlton lùi về… bắt chặt. Tỷ số cuối cùng là 4-2, và Beckenbauer là người chiến bại. Sau này, khi nhận xét về trận thua đó, “Hoàng đế” đã nói: “ĐT Anh giành thắng lợi trước ĐT Đức là vì Bobby Charlton chơi hay hơn tôi một chút.”
Kết cục có hậu
Mặc dù không thành công trong việc bảo vệ chiếc cúp vô địch ở Mexico 4 năm sau đó, hay không thuận lợi trong sự nghiệp huấn luyện viên, nhưng với những gì đã đạt được trong quãng thời gian làm cầu thủ, Bobby Charlton đã trở thành một trong những tượng đài lớn nhất của bóng đá Anh nói riêng và thế giới nói chung. Quả bóng vàng châu Âu năm 1966 là một danh hiệu xứng đáng dành cho một tài năng cũng như nhân cách lớn. Hiện nay ông đang là đại sứ của bóng đá trên khắp toàn cầu, chủ tịch danh dự của CLB Manchester United, nơi gắn liền vớI tên tuổI của ông. Lúc sinh thời, HLV Matt Busby đã từng nói: “Cậu ấy (Charlton) gần như đã đạt đến mức hoàn hảo mà một cầu thủ bóng đá luôn mơ ước.”