PHIM NHẠC » Bật mí điện ảnh

Bực bội vì đồng nghiệp thích... kể công

Thứ ba, 19/04/2011 10:27

Chẳng qua chỉ là một câu nói đỡ khi sếp hỏi đến nhưng không có mặt Thư ở đó, thế mà Lan ra sức kể công suốt cả buổi chiều không hết.

Kể công vô tư Công sở là môi trường tụ họp nhiều thành phần, nhiều tính cách với những mối quan hệ đa chiều. Mối quan hệ thân thiết hay những bất hòa với đồng nghiệp khó tính là điều khó tránh. Người ta nói nhiều đến những kẻ mách lẻo, những đồng nghiệp xấu tính "đâm sau lưng" người khác nhưng có lẽ ít ai nhắc đến những đồng nghiệp thích kể công.

Kiểu đồng nghiệp thích kể công hiện đang nhan nhản ở các công ty - (Ảnh minh họa)

Thế nhưng, kiểu đồng nghiệp thích kể công này lại có mặt nhan nhản ở nhiều công ty bởi họ quan niệm rằng, phải nói ra, phải tâng cái công của mình lên thì mọi người xung quanh mới biết. Đôi khi, cũng cần có sự đánh giá cụ thể công lao của mình, đóng góp cho công ty nhưng kể công vì những chuyện lặt vặt thì chỉ khiến đồng nghiệp thêm bực bội. Cái thói thích kể công từ lâu đã ăn vào máu của Lan, đồng nghiệp cùng phòng vẫn nói đùa với nhau như thế. Tính Lan tốt, "ruột để ngoài da", mỗi tội hay thích tâng bốc công lao của bản thân dù nhiều khi chẳng có gì đáng kể. Chẳng qua chỉ là một câu nói đỡ khi sếp hỏi đến nhưng không có mặt Thư ở đó, thế mà Lan ra sức kể công suốt cả buổi chiều không hết. Nào là "may mà có tôi nói đỡ nhé, bà ra ngoài trong giờ làm việc mà không xin phép, không bị phạt là may đấy", nào là "bà phải thấy có đồng nghiệp nhanh mồm nhanh miệng, chịu khó đỡ đạn cho anh em như tôi là quý hóa lắm đấy nhé". Ngồi chưa kịp ấm chỗ, Lan lại mở lời kể lể "Lúc nãy sếp ra, vẻ mặt cũng cau có, nhất là khi bà vắng mặt không lý do, tôi phải nói đi nói lại mãi, cơ mặt sếp mới giãn ra được"... Thế là cả buổi chiều hôm đó, Thư chẳng thể nào tập trung vào công việc được vì cứ một lát là Lan lại xa xả kể công bên tai. Dù Thư đã không ngớt lời cảm ơn, thậm chí còn hứa sẽ mời cô bữa trưa ngày mai bất kể món gì cô muốn, nhưng Lan vẫn liên mồm kể lể. Biết tính Lan "ruột ngựa", chẳng có ý đòi công đòi cán gì nhưng dù sao, cái kiểu kể công như Lan dù vô tư đến mấy cũng khiến đồng nghiệp khó chịu. Và để lấy ơn Cái kiểu như Lan khiến người khác bực bội một chút nhưng rồi ngày hôm sau lại đâu vào đấy, mọi người vẫn vui vẻ với nhau, chẳng còn ấm ức nữa. Bởi đồng nghiệp đều hiểu rằng, sự kể công chỉ là thói quen vui mồm vui miệng, lấy chuyện làm quà một lát của Lan chứ tuyệt nhiên cô không có ý gì khác. Thế nhưng, với những thành phần kể công để muốn người khác biết ơn mình, coi mình là "bồ tát cứu thế" mới thực sự khiến đồng nghiệp muốn phát điên.  

Nhiều người thậm chí còn tâng công của mình lên để lấy ơn từ đồng nghiệp - (Ảnh minh họa)

Nếu để ý, chắc chắn, không khó khăn gì để điểm mặt những "anh tài" thích kể công, thậm chí tâng công lao của mình lên để đồng nghiệp biết ơn. Hơi một tý là anh giúp em cái này, chị nói đỡ cho cô việc kia... nhưng thực tế chẳng có gì gọi là giúp đỡ ở đây cả. Một thời gian dài, Phương cứ nghĩ nhân sự giúp đỡ mình nhiều lắm. Mới vào công ty, công việc còn nhiều bỡ ngỡ nhưng Phương cũng cố gắng hòa nhập và hoàn thành tốt những việc được giao. Hợp đồng chính thức được ký sau 2 tháng thử việc, nhân sự bảo với Phương "ban giám đốc có ý thử thách em thêm một tháng nữa như những nhân viên khác vì em vẫn còn non trong kinh nghiệm xử lý công việc. Nhưng chị đã nói đỡ cho em, xin cho em được ký hợp đồng chính thức luôn. Mức lương giám đốc đưa ra không được thế này đâu, chị phải đấu tranh mãi để nâng lên cho cô thêm 1 triệu đấy. Cũng đi làm thuê cả, chị cũng muốn giúp cô ổn định sớm, thu nhập cải thiện thêm phần nào tốt phần đó". Công việc hằng ngày suôn sẻ thì không sao nhưng nếu có chút vấn đề, lúc nào chị ấy cũng có câu "chị nói đỡ cho cô cả đấy". Vì thế, Phương vẫn nhìn chị như một ân nhân, thậm chí còn thấy mình may mắn vì bỗng nhiên nhân sự công ty lại quan tâm và coi cô "như em gái" theo lời chị nhân sự thường nói. Ngày lễ tết hay đi đâu về, Phương cũng không quên quà cáp cho nhân sự, con cái chị ốm hoặc gia đình có việc gì, Phương cũng xông xáo giúp đỡ. Cô coi chị là chỗ thân thiết cho đến một lần đi gặp đối tác cùng trưởng phòng, Phương mới vỡ lẽ khi nghe trưởng phòng nói "ban giám đốc đánh giá cao khả năng của em nên quyết định ký hợp đồng chính thức sớm hơn mọi người khác". Ngạc nhiên, Phương hỏi thêm "thế mức lương của em là do nhân sự đề nghị phải không ạ", trưởng phòng mới cười bảo "Mức lương là quy định chung theo thang lương, bảng lương của công ty. Vị trí của em quy định như vậy, cứ chiếu theo mà làm hợp đồng thôi". Nói chuyện nhiều hơn, Phương mới biết thêm lắm chuyện. Té ra, lâu nay cái sự "chị đỡ cho cô" kia chỉ là cách nói để Phương phải biết ơn chị nhân sự mà thôi. Mọi việc đều là do sự nỗ lực cống hiến và năng lực của Phương mà có. Tình trạng đồng nghiệp cùng cơ quan kể công như thế không phải là hiếm. Tất nhiên, với những người đi làm lâu năm, họ thừa sức để hiểu mưu đồ ẩn giấu sau những câu nói mang tính kể công đó. Nhưng những nhân viên mới bước vào con đường sự nghiệp, nhiều khi, họ chưa đủ tinh tế để nhận ra và cứ coi như mình may mắn vì có ân nhân giúp đỡ kịp thời.

Bưu điện Việt Nam