PHIM NHẠC » Bật mí điện ảnh

Các CLB Đông Âu tại Champions League: Vượt lên chính mình

Thứ sáu, 15/04/2011 11:12

Thất bại của Shakhtar Donetsk trước Barca là điều được tiên liệu từ trước.

Giới hạn của vinh quang CSKA Moscow năm 2005, Zenit St.Peterburg năm 2008 và mới đây nhất là Shakhtar Donetsk năm 2009, sự thống trị của các đội bóng Đông Âu tại cup UEFA (nay là Europa League) được đánh giá như cuộc hồi sinh vĩ đại của quyền lực một thời. Bước ra đấu trường lớn Champions League, các đội bóng Đông Âu đều được kì vọng sẽ làm nên một điều gì đó. Nhưng dường như, Champion League là một sân chơi quá tầm, nơi các đội bóng Đông Âu đã tụt lại quá xa so với phần còn lại.

Shakhtar Donetsk với chức vô địch Europa League năm 2009. Ảnh: Internet.

Zenit St. Peterburg, Sparktar Moscow, Dinamo Kiev… các đội bóng thường xuyên góp mặt tại vòng bảng Champions League và cũng thường xuyên an phận lót đường trước sức mạnh của các đối thủ đến từ Anh, Tây Ban Nha hay Italia. Lợi thế duy nhất của các đội bóng Đông Âu ở vòng bảng là điều kiện thời tiết khắc nghiệt. Các đội bóng Đông Âu có thể dễ dàng cầm chân mọi đối thủ khi thi đấu trên mặt sân tuyết và cái lạnh thường dưới 0 độ. Trên sân nhà, đội bóng Nga Rubin Kazan đã từng hạ gục cả “gã khổng lồ” Barca. Tuy nhiên, khi phải hành quân xa nhà, họ thường cóng trước sức ép của đối phương và chấp nhận thất bại. Vượt qua được AS Roma để tiến vào đến tứ kết Champions League đã là thành công ngoài mong đợi của Shakhtar Donetsk. Tuy nhiên, không thể phủ nhận, AS Roma thời điểm ấy, khủng hoảng về mọi mặt và hoàn toàn mất phương hướng. Trước Barca, Shakhtar đã hoàn toàn bộc lộ bộ mặt non nớt kinh nghiệm và thất bại nhanh chóng. Tứ kết Champions League mùa bóng trước cũng chứng kiến thất bại của CSKA Moskva trước một Inter bản lĩnh và kinh nghiệm của Mourinho. Các đội bóng Đông Âu luôn chỉ dừng lại ở mức độ bất ngờ thú vị, hiếm khi gây ra được khó khăn thực sự cho các đại gia. Champions League khắc nghiệt và tàn khốc không có chỗ cho những giấc mơ lãng mạn và bay bổng kiểu Shakhtar hay CSKA. Ngày mai tươi sáng Công bằng mà nói, sự tiến bộ của các đội bóng Đông Âu rất đáng được ghi nhận. Những biến động to lớn về chính trị trong thập niên 90 của thế kỉ trước đã kéo theo sự khủng hoảng toàn diện cho bóng đá Đông Âu cả trên cấp độ ĐTQG và CLB. Tuy nhiên, một khi ổn định dần về chính trị, quyền lực một thời của bóng đá châu Âu đang dần được hồi sinh. Nền tảng khéo léo của các cầu thủ Đông Âu kết hợp với chất kỹ thuật và độ quái của lực lượng “lính đánh thuê” hùng hậu đến từ Nam Mỹ đã mang lại diện mạo mới cho các CLB Đông Âu. CSKA Moskva chinh phục chiếc cup UEFA 2005 với bộ đôi Brasil Vágner Love - Daniel Carvalho. Thành công của Shakhtar mùa này cũng được xây dựng quanh bộ ba Douglas Costa – Willian – Luiz Adriano.

CSKA Moscow đã để thua Inter Milan cả hai lượt mùa giải năm ngoái. Ảnh: Internet.

Vẫn còn một khoảng cách mênh mông giữa các đội bóng Đông Âu và Bara, Real hay MU... những đại gia của bóng đá châu Âu. Tuy nhiên, với nguồn lực tài chính mạnh mẽ, các đội bóng Đông Âu vẫn không ngừng nuôi hi vọng tái hiện lại thời kì vàng son của những năm 80. Lịch thi đấu của giải vô địch quốc gia các nước Đông Âu vẫn có sự chênh lệch với phần còn lại của châu Âu. Diều này ảnh hưởng đến sự tập trung cũng như khả năng phân phối sức cũng như điểm rơi phong độ của các đội bóng khi thi đấu ở đấu trường châu Âu. Dự kiến, từ mùa 2011 – 2012, Nga sẽ đi tiên phong thay đổi lịch thi đấu để phù hợp với các quốc gia châu Âu khác. Ngoài ra, chảy máu tài năng cũng là một nguy cơ mà các đội bóng Đông Âu phải đối mặt khi mà Costa, Willian (Shakhtar), Dzagoev (CSKA)… liên tục bị các đại gia từ Anh, Italia chèo kéo. Dù phải dừng bước tại tứ kết nhưng thành công của Shakhtar sẽ trở thành động lực cho các đội bóng Đông Âu khác. Không còn an phận lót đường, Champions League sẽ hứng chịu một làn sóng mới từ các đội bóng Đông Âu. Khi mà “người bạn lớn” của bóng đá Đông Âu, Platini còn yên vị trên chiếc ghế chủ tịch UEFA, vầng hào quang của những Sparktar Moscow hay Dinamo Kiev thuở nào sẽ có cơ hội được tái hiện.  

Tinthethao