PHIM NHẠC » Bật mí điện ảnh

“Cảm hứng hoàn hảo”: Quá dở lại thành... cháy vé?

Thứ bảy, 12/11/2011 10:35

Khởi đầu với hàng loạt đánh giá kém chất lượng từ phía truyền thông, ngay cả khán giả cũng đã không mấy mặn mà với Cảm hứng hoàn hảo từ trước khi công chiếu.Nhưng có người vẫn tặc lưỡi “phim Việt lúc nào mà chả cháy vé”

Dở đúng như… mong đợi Ngay từ những tiết lộ ban đầu về nội dung film, nhà sản xuất đã vấp phải làn sóng chỉ trích mạnh mẽ vì kiểu đặt vấn đề quái gở của mình. Tình tiết bộ phim tập trung khai thác cuộc chiến giành lại giới tính cho người em trai đồng tính của 3 cô chị trẻ trung, xinh đẹp và rất gợi tình. Dĩ nhiên, điện ảnh có quyền hư cấu, lắm khi nó còn truyền tải những câu chuyện hoàn toàn xa lạ với đời thực, nhưng với một đề tài mang tính thời sự xã hội chứa đựng những giá trị tư tưởng  về gia đình (như đạo diễn từng muốn đề cao) thì Cảm hứng hoàn hảo sẽ làm người xem phải tụt hứng trầm trọng.

Cả bộ phim là quá trình chạy loanh quanh, rối rắm của 3 cô nàng chân dài, chỉ biết hi sinh tất cả… thân thể của mình vì cậu em trai quý tử. Tư duy của họ nói riêng và cả đạo diễn nói chung dường như chỉ biết mặc định: gặp người đồng tính thì phải biết nhiệt tình lột đồ cứu giúp họ (?). Thật sự người xem không thể hiểu lối suy nghĩ này xuất phát từ đâu, và nó tiêu biểu cho điều gì, một gia đình yêu thương nhau là phải biết lăng xả, hi sinh trần trụi bất chấp luân thường đạo lý? Nếu mô hình này được đề cao làm gương cho khán giả thì ắt hẳn xã hội sẽ loạn. Nội dung thì đã lổn nhổn sạn, còn chất lượng lên hình của tác phẩm điện ảnh này quả thật cũng rất đáng nhức mắt. Mặc dù thừa mứa biệt thự, hồ bơi, vũ trường, khách sạn, xe hơi nhưng để người ta cảm được “cái đẹp” ở đó, thì tất cả còn chẳng bằng chiếc ghe rách nát của thằng Cười trong Hot boy nổi loạn. Cảm hứng hoàn hảo khiến người ta phải liên tưởng đến 39 độ yêu năm nào, khi trông nó chẳng khác gì một bộ phim truyền hình được ép non lên hàng điện ảnh.

Với một câu chuyện “ngộ nghĩnh” quả thật là rất “hoàn hảo” khi đạo diễn trang bị cho nó một dàn diễn viên với cách khắc hoạ nhân vật hồn nhiên đến mức người xem phải phì cười bất đắc dĩ. Dường như ngay cả chính họ cũng không thể hiểu được nhân vật của mình đang làm gì, do đâu và vì lẽ gì trong suốt cả câu chuyện, khiến sự kết nối cứ vòng vo, lung tung chẳng theo một trật tự, logic nào, còn khán giả thì cứ phải đi hết từ cái miễn cưỡng này sang đến cái miễn cưỡng khác. Cả bộ phim như một chương trình tạp kỹ tưng tửng về những người độc thân vui vẻ, ngô ngố, quái dị cả về suy nghĩ lẫn hành động. Phim Việt: Dở vẫn sẽ cháy vé? Có lẽ đây là một ưu điểm lý tưởng mà chỉ có những bộ phim giải trí Việt Nam làm được. Nhìn lại quá khứ ta sẽ thấy hàng loạt “chứng nhân lịch sử” như: Trai nhảy, Phát tài, Khi yêu đừng quay đầu lại, Công chúa teen và ngũ hổ tướng, Lệnh xoá sổ… Độ dở và nhảm của các bộ phim này cho đến nay vẫn còn được người đời mang ra bàn tán, mỗi khi có một sản phẩm “cùng thể loại” công chiếu, ấy vậy mà chúng lại đều thuộc hàng ăn khách.

Lẽ hiển nhiên một bộ phim tồi sẽ luôn tiết kiệm được cơ sở vật chất, lẫn tư duy chất xám so với một bộ phim hay, vậy thì cớ gì nhà sản xuất lại không đi đường tắt? Chiêu trò từ trước cho đến nay quanh đi quẩn lại vẫn chỉ là sex, sốc và hài. Làm nội dung có chiều sâu thì khó, chứ việc cởi trần ra trước mắt khán giả thì nào có khó gì, thêm nữa là chúng ta cũng có đầy ắp những diễn viên chịu khó hi sinh tấm thân của mình “vì nghệ thuật”. Dù sở hữu một nội dung nhạt thếch nhưng chúng cũng đủ sức lôi kéo một lượng khán giả khả quan đến rạp vì họ vẫn có thể cười, và "ngắm" nhiều thứ trong môi trường máy lạnh. Chẳng hạn như với Khi yêu đừng quay đầu lại, một câu chuyện kinh dị khiến người xem phải bức xúc không ngừng vì tính thâm thuý của nó, nhưng rốt cuộc thì Ngân Khánh và Thanh Thức vẫn “ăn nên làm ra” nhờ chiêu bài cảnh nóng. Hoặc như Lệnh xoá sổ, với kiểu xã hội đen ngớ ngẩn "độc đáo", tưởng chừng như đã yểu mệnh dưới cái mác “phim hành động” thì cuối cùng nó lại cháy vé vì có thể khiến khán giả cười “ngoài ý muốn đạo diễn”. Điển hình là pha phóng phi tiêu của Phi Thanh Vân, hay hàng mớ lời thoại “dơ tay lên, úp mặt vô cột”, có thể là quá thiếu muối so với một bộ phim hành động, nhưng nếu xét ở mảng tấu hài thì nó lại trên cả tuyệt vời, khi khiến cả rạp phải cười rần, và thế là cháy vé thôi.

Quay trở lại trường hợp Cảm hứng hoàn hảo đang khiến người xem phải tụt hứng não nề, hiện trên mạng người ta vẫn kháo nhau: “Bỏ có mấy chục ngàn ngồi xem 3 em chân dài show (khoe) hàng tứ tung kể cũng không phí, còn lại cái nội dung thì thôi khỏi nhớ đến làm gì cho hại não". Ngay từ lúc tung trailer, khán giả đã nghi ngờ về giá trị nghệ thuật mà bộ phim này mang đến,và lúc này khi phim đã ra rạp thì nghi ngờ đó càng được khẳng định chắc nịch là đúng hoàn toàn. Một bộ phim giải trí không cần phải uyên bác kiểu hàn lâm nhưng cũng không đồng nghĩa với việc nghèo nàn giá trị nghệ thuật đến mức khổ sở như thế. Chẳng hiểu đến bao giờ chúng ta mới hết cái kiểu làm phim hốt khách, gây sốc, khoe hàng rồi gán ghép vào cho nó một cái “thông điệp” thanh cao lửng lửng lơ lơ nào đó. Có lẽ quyền quyết định chỉ có thể nằm trong tay khán giả, khi mà các bộ phim nhếch nhác không còn có đất dụng võ với mốc doanh thu cứ đạt hết tỷ này đến tỷ kia.

2sao