PHIM NHẠC » Bật mí điện ảnh

Cảnh phim húp lòng đỏ trứng gà đêm tân hôn trong phim 'Vợ ba' có nghĩa gì?

Thứ ba, 21/05/2019 22:04

Là một bộ phim mang tính nghệ thuật với những hàm ý và triết lý đặc biệt được cài cắm vào vì vậy nhiều khán giả xem xong "Vợ ba" đều mang nét mặt khó hiểu ra rạp.

Sau khi nhận được vô vàn lời khen từ các Liên Hoan Phim Quốc Tế, Vợ Ba (tựa Anh: The Third Wife) chính thức đến với khán giả Việt Nam từ ngày 17/5. Tuy nhiên, nhận nhiều giải thưởng chưa chắc đã khiến phim "hay" với khán giả đại chúng. Giải thích đơn giản bởi vì phim vẫn mang màu sắc nghệ thuật, nghiêng về hình thức, diễn xuất nhiều bằng biểu cảm khuôn mặt và tâm lý nhân vật chứ không qua thoại. Và dĩ nhiên, điều này gây ra không ít khó hiểu cho khán giả tại rạp.

Tuy nhiên, phim là một tác phẩm nghệ thuật đáng xem dù có khó hiểu đến thế nào. Những triết lý ẩn dụ sâu xa về một Việt Nam xưa, những hàm ý độc đáo về thân phận người phụ nữ đã được khắc họa khá rõ nét. Đương nhiên, những hình ảnh nghệ thuật như thế không dễ để người xem có thể nắm bắt.

Xuyên suốt phim là những hình ảnh biểu tượng báo hiệu việc sinh nở của Mây. Đó cũng là những biểu tượng tính dục rất tinh tế về cơ thể phụ nữ được đan cài vào thiên nhiên.

Phim "Vợ ba" gây chú ý về các cảnh phòng the nóng bỏng.

Lòng đỏ trứng gà trong đêm tân hôn

Người Việt xưa không chỉ đơn thuần xem việc động phòng là việc quan hệ giữa nam và nữ mà là một nghi lễ. Trứng gà được sử dụng trong đêm tân hôn là trứng gà so (trứng gà đẻ lần đầu), đây là một loại thực phẩm được cho là tăng cường sức mạnh cho nam giới, và dễ thụ thai con trai.

Trứng gà đặt ở rốn, điểm trung tâm, nơi giao thoa kết nối và nuôi dưỡng thai nhi. Đêm động phòng đó đã biến thành một nghi lễ để cầu cho Mây sinh được một người con trai khỏe mạnh cho gia đình.

Theo quan điểm xưa, lòng đỏ trứng gà giúp đàn ông tăng cường sức mạnh cho nam giới, dễ thụ thai con trai.

Tấm vải trắng trải trên giường dính máu trong đêm tân hôn

Thời xưa, đêm tâm hôn được cho là một nghi lễ để "khám nghiệm trinh tiết". Nếu sáng hôm sau, tấm vải trắng trải trên giường dính máu có nghĩa là người con gái đó còn trinh. Trong phim, tấm vải trắng trải giường dính máu được treo lên 1 cành cây và công khai đặt ở sân nhà để cho biết rằng vợ ba đã vượt qua được "bài kiểm tra" trinh tiết qua sự kiểm chứng của vợ cả.

Hạt lựu

Trong đám cưới của vợ ba và ông chủ, bà giúp việc là bà Lao đã đem cho Mây một chén hạt lựu. Được biết theo quan niệm dân gian, hạt lựu là loại quả biểu tượng cho sự sinh sôi, nảy nở. Ăn hạt lựu có thể giúp cho thai nhi khỏe mạnh.

Bò đẻ con

Bò đẻ con là điềm báo trong thời gian tới gia đình sẽ có thêm thành viên mới. Mợ Hà đỡ đẻ cho chú bò tên “Dưa Chua” cũng là điềm báo cho việc mợ sẽ là người có kinh nghiệm nhất về chuyện sinh nở và đỡ đẻ cho Mây.

Người giúp việc là bà Lao làm gà

Chi tiết bà Lao làm gà, sau đó thọc tay vào bên trong con gà cũng là một ẩn ý chia sẻ về chuyện sinh nở.

Nước

Trong phim có rất nhiều cảnh quay liên quan đến nước. Hình ảnh nước từ dòng sông đưa Mây đến nhà ông Hùng, nước từ dòng sông đưa tang người vợ đã mất của con trai ông Hùng. Nước từ con suối ao sen, nước mưa, nước dùng sinh hoạt, hình ảnh nước khi Mây tưởng như mình sắp mất khi sinh con... Nước từ những con suối, ao sen, nước mưa, nước dùng trong sinh hoạt. Về cơ bản, nước tượng trưng cho dòng chảy bất biến của thời gian và cũng tượng trưng cho sự sinh nở trong nhiều tác phẩm trước đây.

Hang động

Ngoài nước, trong phim còn có một số cảnh quay hang động. Con thuyền đưa Mây đến nhà của ông Hùng phải đi qua một hang động, đây là một biểu tượng ẩn dụ về âm đạo của người nữ, con thuyền đi vào hang dự báo một bước chuyển lớn trong cuộc đời của cô gái trẻ là làm vợ, sinh con.

Ngoài ra, cảnh quay hang động tối mù mịt khi Mây sinh con là biểu tượng cho việc phụ nữ có thể cận kề với cái chết "cửa sinh cũng có thể là cửa tử". Và sau khi được, vợ cả giúp đỡ, hình ảnh cửa hang động xuất hiện báo hiệu cho việc Mây đã "mẹ tròn con vuông".

Con tằm

Xuyên suốt phim, hình ảnh con tằm được để xen kẽ. Nếu trong nhiều bộ phim khác, thời gian được thể hiện bằng ngày tháng năm, hay bằng thoại, thì với Vợ Ba, vòng đời của tằm là một cuốn lịch sống. Đan xen hình ảnh này, phim vừa gợi được dòng chảy thời gian từ khi Mây về làm vợ ba đến khi cô mang thai, làm mẹ.

Con tằm còn là hình ảnh ẩn dụ tinh tế cho hình ảnh người phụ nữ trong xã hội xưa. Cả vòng đời của mình, tằm chỉ biết ăn lá, nhả tơ tạo kén, rồi sau đó bị thẳng tay cho vào nồi để nấu, tạo thành sợi tơ tằm, kết thúc một vòng đời không lối thoát, cũng như phụ nữ ngày xưa chỉ biết lấy chồng, sinh con và làm vợ, không tiếng nói, an phận, chịu sự lệ thuộc của người đàn ông.

Con ngài

Con tằm đến độ trưởng thành chuyển từ màu trắng sáng sang màu vàng nhạt rồi vàng đậm (người ta gọi là tằm chín), sẽ nhả ra những sợi tơ rất mảnh, bao bọc quanh mình mỗi ngày một nhiều và dày lên thành kén. Lúc này tằm co lại và biến thành nhộng. Đến độ phát triển, nhộng sẽ mọc cánh, chân và râu, rồi cắn kén chui ra và biến thành con ngài gồm con đực và con cái.

Trong phim, có một số chi tiết về con ngài. Ban đầu, vợ ba là Mây chỉ nhìn thấy con ngài qua một cái bóng lướt và và tiếng đập cánh bí ẩn.

Lần tiếp theo, Mây nhìn thấy con ngài đậu trên mắt của người vợ đã mất của con trai ông Hùng sau khi treo cổ tự vẫn. Theo quan niệm tâm linh xưa, con ngài và bươm bướm đều được cho là hiện thân của người đã khuất.

Con ngài xuất hiện trong quan tài của cô gái xấu số thể hiện sự giải thoát cho một kiếp người sống trong đau khổ từng bị chồng hắt hủi, gia đình chối từ.

Vì điềm báo này, Mây đã phân vân ở cuối phim: liệu có nên chọn cho mình một con đường giải thoát? Liệu có nên giải thoát cho chính con gái của mình vì biết con không thể nào hành phúc thật sự trong xã hội này sau khi Mây đã chứng kiến quá nhiều điều xảy ra? Kết phim bỏ ngỏ cho chúng ta về quyết định của mây, cô đơn nhỏ bé giữa núi rừng hùng vĩ.

Thu Trang (TH Helino/ Theo Nld.com.vn)
Tin nổi bật
Tin cùng chuyên mục
Tin Video
Tin mới