Trong một năm qua, ông đã kiếm được thêm 20,5 tỷ USD, nhiều hơn so với 1.209 tỷ phú khác trên khắp thế giới.
Carlos Slim
Bill Gates đứng vị trí thứ 2, với tài sản 56 tỷ USD, tăng 3 tỷ USD so với năm ngoái. Tuy nhiên, nếu ông không dành 1/3 tài sản để làm từ thiện thì con số này có thể lên tới 90 tỷ USD và đứng đầu thế giới.
Warren Buffett vẫn đứng vững ở vị trí thứ 3 với tài sản 50 tỷ, cũng tăng 3 tỷ USD so năm 2010.
Tuy nhiên, công ty Berkshire Hathaway do tỷ phú Warren Buffett quản lý hiện được đánh giá cao hơn so với Microsoft của Bill Gates khi giá trị cổ phần của Microsoft đang đi lùi về mức giá của một thập kỉ trước còn cổ phiếu của Berkshire tăng gần gấp đôi trong cùng khoảng thời gian.
Số liệu mới nhất của Forbes còn cho thấy sự giàu có của các tỷ phú đã tăng 25% so với 2010, nâng tổng số tài sản của họ lên 4.500 tỷ USD, tài sản trung bình của mỗi tỷ phú là 3,7 tỷ USD.
Các thành phố có nhiều tỷ phú nhất là Moscow với 79 tỷ phú, theo sau là New York với 58 tỷ phú. Trung Quốc tăng gần gấp đôi số lượng tỷ phú, lên 115 người trong khi Nga và Braizil cũng tăng khoảng 70%, lần lượt là 110 và 30. Đây là lần đầu tiên số lượng các tỷ phú mới bên ngoài nước Mỹ lên tới hơn 100 người.
Ấn Độ chỉ có thêm 6 tỷ phú, tăng tổng số tỷ phú ở quốc gia này lên 55 nhưng “giá trị tài sản trung bình của họ là rất lớn 4,5 tỷ USD/người so với tài sản trung bình của tỷ phú Trung Quốc chỉ 2,5 tỷ USD/người” - giám đốc điều hành Forbes, ông Steve Forbes cho biết.
4 quốc gia mới nổi của nhóm BRIC (Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc) có thêm 214 tỷ phú mới, chiếm một nửa số người mới gia nhập danh sách tỷ phú trong năm vừa qua. Con số này gấp đôi so với năm 1997. Hầu hết trong số họ đều giàu lên nhờ chứng khoán.
Số nữ tỷ phú có tên trong danh sách này là 102 người, tăng so 13 người so với năm 2010, tương đương 8,4% trong tổng số 1.209 tỷ phú được Forbes vinh danh.
Dustin Moskovitz - người tham gia sáng lập Facbook cùng Mark Zuckerberg trở thành tỷ phú trẻ nhất thế giới với tài sản 2,7 tỷ USD ở tuổi 26. Tỷ phú lớn tuổi nhất là Walter Haefner người Thụy Sĩ. Ông năm nay 100 tuổi và sở hữu 4 tỷ USD.
Tỷ phú Canada, David Thomson, người sở hữu Thomson Reuters, tăng 3 bậc, lên vị trí 17 với 23 tỷ USD trong khi đối thủ của ông là Michael Bloomberg, thị trưởng thành phố New York và sở hữu hãng tin Bloomberg giảm 7 bậc, xuống vị trí 30 với tài sản 18,1 tỷ USD.
Carlos Slim Helú (sinh ngày 28/1/1940) là người Mexico gốc châu Á.
Carlos Slim Helu hiện chi phối toàn bộ hệ thống viễn thông của Mexico và được giới trẻ và các tầng lớp người dân coi là hình ảnh thần tượng của họ.
Slim có niềm đam mê buôn bán từ nhỏ. Bắt đầu từ việc mua bán, đổi chác bánh kẹo, socola và đồ chơi với các anh trai và bạn cùng lứa.
Năm 15 tuổi, khi vẫn còn ngồi trên ghế nhà trường Carlos Slim đã có 5.523 peso. Ông dành số tiền đó mua 44 cổ phiếu của Banamex, ngân hàng lớn nhất của Mexico lúc đó.
Năm 1990, Nhà nước Mexico quyết định tư nhân hóa công ty điện thoại và viễn thông quốc gia. Chẳng phải là một chuyên gia kỹ thuật - thậm chí ông còn không biết tiếng Anh và cũng chẳng xài được máy tính, nhưng Carlos Slim đã gom hết vốn liếng của mình để lao vào đấu thầu.
Với 1,7 tỷ USD, Carlos Slim đã mua gần như toàn bộ số cổ phiếu của tập đoàn này với giá 0,8 cent/cổ phiếu. Còn giờ, giá cổ phiếu của Telmex trên thị trường chứng khoán là 34 USD. Vào thời điểm hiện tại, giá trị cả tập đoàn được các công ty kiểm toán độc lập định giá là từ 10 - 12 tỷ USD.
Giàu có nhưng không hãnh tiến và khoe khoang, mà ngược lại, Carlos Slim sống giản dị. Phòng làm việc của ông được bố trí không khác gì của một nhân viên bình thường nhất. Một ngày ông làm việc tới 14 tiếng, thậm chí quên ăn mà chỉ hút xì gà.
Hãng điện thoại di động América Móvil của ông hiện có 124 triệu khách hàng, hoạt động tại hơn 12 nước Mỹ Latinh.
Ngoài ra, ông còn sở hữu hàng loạt công ty lớn như công ty xây dựng Ideal SAB, công ty dịch vụ dầu khí với những công trình lớn nhất Mexico.
Vương quốc Carlos Slim tại Mexico rộng đến mức công ty nước ngoài không thể làm ăn nếu phớt lờ Slim.