PHIM NHẠC » Bật mí điện ảnh

Châu Á - quê hương mới của Premiership

Thứ bảy, 20/08/2011 11:02

Châu Á là một thị trường tiềm năng. Nhưng có vẻ mối quan hệ giữa Premiership và châu Á đã đi xa hơn “cung” và “cầu”. Đó là một mối quan hệ cộng sinh.

Mùa Hè này, có tới 5 CLB Premiership sang châu Á du đấu. Đó là một con số kỷ lục. Arsenal, Liverpool và Chelsea sang châu Á bởi đây là điểm đến truyền thống; Blackburn sang châu Á vì có bà chủ người Ấn Độ đã đành; đến Aston Villa vốn có ông chủ Mỹ cũng sang đây du đấu. Đó chỉ là một trong những tín hiệu cơ bản nhất của việc Premiership giờ gắn kết với châu Á như thế nào. Mùa giải năm ngoái, họ có tới 2 CLB nằm trong tay các doanh nhân châu Á là Blackburn và Birmingham. Theo nguồn tin từ trang Wikileaks, ngay cả M.U cũng suýt rơi vào tay người Myanmar.

Các ông chủ Premiership cần thị trường béo bở châu Á để kiếm tiền. Ảnh: Internet

Hai ngày trước, các đại diện của M.U đã tiếp xúc với các quan chức của thị trường chứng khoán Singapore để lên kế hoạch niêm yết cổ phiếu của CLB lớn nhất hành tinh tại thị trường này. Một động thái có thể thu về cho các ông chủ của M.U 1 tỷ USD.

Và cuộc “cộng sinh” của giải đấu có doanh thu cao nhất hành tinh (và tham vọng kiếm tiền cũng nhiều nhất hành tinh) với thị trường chiếm 60% dân số toàn cầu đã đi xa thêm một bước nữa trong ngày hôm qua, khi Tony Fernandes, một trong những doanh nhân nổi tiếng nhất Đông Nam Á, chính thức trở thành ông chủ mới của QPR khi mua lại 66% cổ phần của CLB mới lên hạng này.

Việc “quốc tế hóa” một giải đấu không còn là chuyện quá xa lạ. Real Madrid hay Bayern Munich cũng hay du đấu châu Á. Ngay cả Lega Calcio, vốn có ít ông chủ nước ngoài cũng làm điều này với trận tranh Siêu Cúp Italia đá ở Trung Quốc. Nhưng Premiership đang thực hiện điều đó ở một cấp độ và tốc độ cao hơn rất nhiều. Bây giờ họ không chỉ thu lợi từ châu Á như với một khách hàng đơn thuần, mà gần như đẩy nền tảng của mình sang châu Á. Nghĩa là chấp nhận phụ thuộc vào thị trường tiềm năng này để đạt lợi ích tối đa.

Công việc kinh doanh của M.U phụ thuộc vào thị trường chứng khoán Singapore. Tương lai của QPR phụ thuộc vào thị trường hàng không giá rẻ Đông Nam Á. Tương lai của Blackburn phụ thuộc vào thị trường… gà Ấn Độ. Và tương lai của toàn bộ Premiership bị chi phối một phần không nhỏ bởi các CĐV châu Á.

Đó là một xu thế tất yếu. Không ai chủ động tạo ra cuộc “cộng sinh” này, mà cả hai phía tự hút lấy nhau theo những quy luật cơ bản nhất. Premiership là cỗ máy marketing tuyệt vời và các doanh nhân châu Á cần nó để tìm sự khẳng định. Châu Á là thị trường tuyệt vời và các ông chủ Premiership cần nó để kiếm thêm tiền. Nhưng bất kỳ vấn đề nào cũng có 2 mặt. Mọi chuyện không thể hoàn hảo theo một cách ngây thơ như thế. Việc dịch chuyển nền tảng của giải đấu từ nước Anh sang một thị trường xa lạ, khiến bóng đá bị chi phối hoàn toàn bởi những yếu tố kinh doanh, có thể khiến Premiership trả giá.

Hãy nhớ rằng thị trường Mỹ, sau hơn một thập kỷ khai thác, đã làm gì và lấy đi của Premiership những gì?

BongdaPlus