Ngay cả khi ở nhà, chị em cũng nên học cách "tự quyến rũ".
Giá cả tăng chóng mặt cộng thêm hai siêu thị to đùng mới khai trương khiến các chợ tự phát quanh khu vực thị xã Thủ Dầu Một (Bình Dương) đìu hiu hơn thường nhật. Tranh thủ khi chợ ế, chị Lan (bán cá) than với chị Thu (bán hoa tươi): “Hơn ba tháng nay, chồng chị không đụng tay đụng chân gì vào người chị hết em à, buồn gì đâu!”. Chị Thu tỏ ra thông cảm và bày chiêu: “Sao kỳ vậy? Em thấy anh ấy vẫn khỏe mạnh mà? Hay là chị thử… khều ảnh coi. Đàn ông ai lại từ chối chuyện đó!”. Chị Lan vẫn buồn buồn: “Chị thử rồi, khều rồi. Đầu hôm có, giữa đêm có nhưng ổng đều hất chị ra bảo để tui ngủ, mai còn đi làm…”. Câu chuyện tưởng như “nói nhỏ với nhau” này lại làm cho mấy chị xung quanh tụm lại úp mở bàn tán. Mỗi người góp một câu coi bộ rất xôm tụ. Chị bán rau e dè: “Hay chị bán cá cả ngày, về nhà không tắm rửa kỹ càng nên chồng chê mùi... cá !?”. Chị Hạnh bán trái cây trừng mắt: “Mùi cá gì chứ? Vợ chồng nó sống với nhau hơn chục năm nay. Có phải con Lan mới ra chợ ngày một ngày hai đâu mà chồng chê mùi này mùi nọ. Có chuyện gì đó đã xảy ra. Chứ như tao bán trái cây, mùi gì đâu? Toàn thơm tho thế này mà chồng vẫn chê. Điên vậy đó…”. Mọi ánh mắt dồn về chị Hạnh. Dường như không thể không kể câu chuyện đã trót thốt ra nên chị đành ngậm ngùi nói về mình. Lâu nay chồng chị Hạnh vẫn đi làm công nhân và đều đặn ra chợ phụ vợ mỗi khi không đi làm. Nghĩa là làm ca hai thì sáng ra anh phụ vợ dọn hàng. Tan ca một chưa vội về nhà, anh lại ra chợ đứng bán và cùng dọn hàng về nhà với vợ. Họ từng là một đôi vợ chồng tiểu thương được mọi người khen là biết thương yêu nhau. Thế nhưng, gần đây, không thấy chồng chị Hạnh ra chợ phụ vợ nữa. Ai cũng tưởng anh bận rộn hơn nhưng không ngờ anh chàng chê vợ và đi xây thêm một tổ ấm khác! Những ngày đầu, khi mới lâm vào cảnh bị chồng chê, chị Hạnh cũng tưởng rằng do anh bận rộn, mệt mỏi nên khuyên chồng cứ ở nhà sau khi tan ca ở công ty. Mọi việc cơm nước, con cái để chị lo. Không ngờ anh vắng nhà thường xuyên, nhiều đêm không về và khi chị dò hỏi thì anh chỉ ậm ờ: “Anh tăng ca, chuyển sang làm ca ba thì làm sao ở nhà ban đêm được?”. Thương chồng vất vả, chị Hạnh lại cần mẫn bồi bổ nhiều hơn cho chồng. Thế nhưng sau một thời gian, anh có vẻ phương phi, hồng hào hơn song vẫn giữ chứng bệnh “chê vợ”. Ghen tuông, giận hờn nên chị cố tình tìm cho ra nguyên nhân. Chị bỏ buổi chợ theo dõi chồng từ cổng công ty. Chị Hạnh muốn xỉu khi chồng không về nhà mà đến một khu nhà trọ dành cho công nhân. Một cô gái trẻ mơn mởn đang đón chồng chị ở phòng trọ y như chị đón chồng đi làm về của hơn chục năm trước. Ngỡ ngàng, chị Hạnh như chết trân và không nói được một lời nào. Chị dắt xe quay ra khỏi khu nhà trọ trong lúc anh chồng cũng kịp… nhột sau gáy và nhìn lui trông thấy vợ… Chuyện vỡ lở và chị Hạnh đành gạt nước mắt cho chồng mình đi theo người khác khi anh thừa nhận rằng lâu nay không còn “cảm xúc” nào khi gần vợ nữa. Tất cả những yêu thương, chăm sóc giờ anh ta dành cho một cô công nhân xa quê, làm chung công ty anh… Chị nào chị nấy khi nghe chuyện của chị Hạnh đều nhắc nhau đề cao cảnh giác. Trước mắt họ bảo chị Lan làm rõ trắng đen chuyện bị chồng… hất ra trong mấy tháng nay. Bà chị tôi thì than một câu chí lý: “Chị em tụi mình bám chợ ngày này sang ngày khác để nuôi chồng con. Cho đến khi gia đình tươm tất, đầy đủ một chút thì bị chồng chê già, chê xấu, chê không… thơm tho như mấy thứ hoa lạ. Chán mớ đời nhưng vẫn phải đề cao cảnh giác!”.