- Nhắc tới NSƯT Bùi Cường người ta nhớ ngay đến nhân vật Chí Phèo, gần 30 năm trôi qua, ông đã làm một nhân vật nổi tiếng trong văn học bước sang điện ảnh để rồi sống mãi. Có lẽ, với người làm nghệ thuật, cũng chỉ ao ước có được vai diễn để đời như thế?
Bộ phim đã tròn 30 năm, ngót nửa đời người, vậy mà thỉnh thoảng xem lại Làng Vũ Đại ngày ấy cảm xúc của tôi vẫn rất lạ lùng. Nhiều khi tôi cứ ngồi nghĩ thơ thẩn sao ngày ấy mình đóng được như thế, giờ chắc gì mình đã đóng được như vậy.
Ngày ấy tôi mới ra trường, bao nhiêu nhiệt huyết, tuổi trẻ, háo hức, say mê và tất cả những gì học được trong nhà trường đều muốn mang ra thể hiện, mỗi một ngày đi đóng phim là một ngày hội, hân hoan và vui sướng.
Nhìn cả đoàn làm phim, rồi dân làng, người qua đường tới chờ đợi xem hôm nay Thị Nở - Chí Phèo sẽ làm gì tôi thấy vui lắm. Rồi tôi nhận ra rằng nghệ thuật thật tuyệt vời, bao nhiêu năm trôi qua rồi mà vẫn còn tươi nguyên, cái máu nhiệt huyết của những ngày đóng Chí Phèo ấy nó vẫn cứ đầy ắp trong người.
Để nhân vật Chí Phèo còn sống tới ngày hôm nay, còn có chỗ đứng trong lòng công chúng tôi phải thầm cám ơn nhà văn Nam Cao, bác Phạm Văn Khoa là đạo diễn, chị Đức Lưu là bạn diễn và cả ê kip. Cũng nhờ nhân vật đó mà tôi được nhận giải nam diễn viên xuất sắc nhất của liên hoan phim lần thứ 6.
Đúng là cuộc đời làm nghệ thuật, còn gì vui sướng hơn là vai diễn của mình vẫn sống trong lòng khán giả theo năm tháng.
- Sau này ông còn tham gia những bộ phim nổi tiếng như Biệt động Sài Gòn, Không có đường chân trời… nhưng hình như không có vai diễn nào vượt qua được cái bóng của Chí Phèo? Không biết vai diễn này cho đã “cho” NSƯT Bùi Cường hay lấy mất đi những cơ hội nổi tiếng từ những vai diễn khác?
Trước hết phải nói là rất vui, vì nhân vật vẫn sống trong lòng những người yêu mến đến bây giờ, nhiều người vẫn nhận ra Chí Phèo của cách đây 30 năm. Nhưng đôi khi cũng chạnh lòng, vì mình đóng nhiều phim, mình trực tiếp đạo diễn cũng quá nhiều phim khá tốt và được nhiều giải thưởng, mà cứ nhắc tới Bùi Cường là người ta nhớ ngay tới Chí Phèo. Có thể nói nhân vật Chí Phèo đã đóng đinh vào cuộc đời làm nghệ thuật của mình.
Đến sau này, đầu những năm 90 tôi làm công tác đạo diễn, vài chục phim truyền hình, 3 phim nhựa cộng với một số phim thị trường thời mì ăn liền, có nhiều phim tốt, nhưng nhân vật Chí Phèo trở thành cái bóng quá lớn.
Đúng như bạn nói, sau Làng Vũ Đại ngày ấy có một bộ phim mà tôi đặc biệt thích đó là Không có đường chân trời. Bộ phim nói về một đồng chí bộ đội bị bỏ quên trong rừng, gặp bao nhiêu trắc trở, hiểm nguy, sau này còn lại một mình trong cơn sốt rét, anh đã tự bê những tảng đá để xây mộ cho mình. Bộ phim rất triết lý và thấm đẫm tư tưởng nhân văn.
Vai diễn này cùng với vai diễn Chí Phèo là một trong hai nhân vật đáng nhớ nhất trong sự nghiệp diễn xuất của tôi.
Đến giờ tôi vẫn nghĩ có lẽ mình đã được trời cho, vì từ vai diễn ấy mình mới có được một cái đế vững vàng bước chân vào nghiệp diễn, sau này làm được nhiều công việc khác liên quan đến nghệ thuật.
- Bước ra khỏi nhân vật Chí Phèo, ông có thấy khó khi thể hiện các nhân vật khác không?
Tôi là diễn viên được đào tạo chuyên nghiệp, và việc được hóa thân vào nhiều dạng vai khác nhau mới là niềm hạnh phúc của người nghệ sĩ, vấn đề là mình có đóng ra chất khác nhau ấy hay không mới là điều quan trọng.
Bước ra khỏi nhân vật Chí Phèo, tôi hóa thân rất ngọt vào nhiều dạng vai, từ một cầu thủ bóng đá trong phim Phút 89, anh bộ đội bị bỏ quên trong rừng ở Không có đường chân trời, rồi nhân vật phản diện trong bộ phim Ngược dòng, nhân vật gián điệp trong Mưa rơi trên thành phố…
- Chí Phèo là nhân vật điển hình cho sự tha hóa nhân cách của một con người bị tước đi quyền làm người lương thiện, trở thành quỷ dữ, ông có đắn đo nhiều khi nhận vai diễn này?
Trước hết phải nói rằng tôi là một diễn viên chuyên nghiệp, được đào tạo chuyên nghiệp, nên không có chuyện sẽ đắn đo rằng đó là nhân vật như thế nào về tính cách, về ngoại hình, là nhân vật chính diện hay phản diện, diễn biến tâm lý có khốc liệt hay không, mà quan trọng là nhân vật có đất diễn hay không.
Thế nên khi bác Phạm Văn Khoa hỏi tôi là bây giờ cần phải cắt tóc để đóng một vai thì Bùi Cường có đóng không? Tôi đã nói là kể cả cạo trọc tôi cũng sẵn sàng. Bởi người diễn viên phải mang cả con người của mình ra để hóa thân vào nhân vật, và ngay từ cái hình hài đầu tiên đã phải thuộc về nhân vật rồi.
Rất mừng là với sự đam mê, những cảm xúc chân thực khi hóa thân vào nhân vật nên mình đã thể hiện được nhân vật mà nhiều người đã yêu thích trong văn học. Vai diễn điện ảnh này làm sống động cho nhân vật văn học đã nổi tiếng trước đó hơn.
Tôi còn nhớ buổi chiếu chiêu đãi đầu tiên ở rạp Tháng tám, tôi có vé mời mà không tìm được chỗ để ngồi vì đông quá, phải ngồi ở đường đi giữa hai hàng ghế, cái cảm giác khi ấy là vui sướng và hạnh phúc.
- Đến bây giờ, kỉ niệm nào khiến ông nhớ nhất mỗi khi nhắc tới nhân vật Chí Phèo của 30 năm về trước?
Làng Vũ Đại ngày ấy là bộ phim rất nhân bản, rất con người, nhưng lại là phim có thể gọi là "đột phá sex" của Việt Nam.
Phải nói rằng mối tình Chí Phèo – Thị Nỡ giữa đêm trăng với tàu chuối giãy đành đạch ấy là một mối tình cực kì nhân văn và rất bản năng, rất con người, nếu thiếu mối tình ấy, sẽ không thể ra Chí Phèo và Thị Nở.
Tôi còn nhớ quá trình đi tìm người đóng thế cho nghệ sĩ Đức Lưu ở cảnh quay nhạy cảm ấy, vì chị Đức Lưu tuổi cũng nhiều rồi, nên cần một người đóng thế có bộ ngực còn trinh nguyên, căng tràn sức sống. Tổ đạo diễn và tổ họa sĩ đã tìm được một cô người mẫu ở Yết Kiêu để đóng thế cảnh này.
Đó là lần đầu tiên Chí Phèo biết đến đàn bà, nên tôi cứ đinh ninh rằng Chí Phèo nó sẽ hất cái yếm của Thị Nở ra mà ngắm nghía, mơn trớn rồi âu yếm, nhưng không ngờ ông quay phim bảo “Bùi Cường ơi! Chí Phèo nó không thưởng thức cái đẹp thế đâu, nó khác cơ”.
Tôi nghĩ cũng đúng, Chí Phèo đâu có biết thưởng thức như vậy, thế là ở cảnh quay sau tôi hất cái yếm ra là vồ ngay lấy ngấu nghiến khiến ông đạo diễn lại bắt dừng lại rồi nói “Bùi Cường ơi, máy của tôi còn chưa kịp nhìn thấy bộ ngực Thị Nở mà cậu đã vồ lấy rồi” khiến cả đoàn làm phim cười vang.
Đến lần này thì tôi bảo “Thôi có lẽ em nhờ anh, đến khi nào anh bảo vồ thì em vồ". Đó là một kỉ niệm rất vui và đáng nhớ trong quá trình quay Làng Vũ Đại ngày ấy.
- Vợ nghệ sĩ có ghen không khi xem phim thấy cảnh này?
Cái thời ấy thì cũng có chạnh lòng, mặc dù vợ tôi rất hiểu công việc của chồng làm. Thế nhưng hôm tôi đưa bà đi xem phim chiếu duyệt, đến đoạn đó mọi người cứ ồ lên, tôi quay sang thấy mặt bà lạnh tanh. Trên đường về bà có quay sang tôi nói “quả thật, bố nó là người có năng khiếu lắm”, không biết bà ấy nói năng khiếu ở điểm nào, nhưng có vẻ như cũng có ý động chạm tới đoạn đấy. (cười)
- Cái khó nhất khi hóa thân vào một nhân vật bị tha hóa đến cùng cực như Chí Phèo là gì, thưa ông?
Khi vào vai Chí Phèo, tôi mất mấy tháng trời suy nghĩ, có hai cái mình cần nghiên cứu kĩ về kĩ thuật biểu diễn, thứ nhất là cái say và thứ hai là tiếng cười của Chí Phèo.
Cái say của điện ảnh không giống cái say của sân khấu, không phải cứ dáng người lảo đảo, đi xiêu vẹo là say, mà quan trọng là phải tạo được cái thần cho mắt nó đờ ra, không được tinh nhanh, mình tập rất lâu sau đó mới đạt được. Mình thậm chí còn phải tập cả uống rượu đến khi say, để xem khi say như thế nào, nhưng cái cốt lõi quan trọng vẫn là kĩ xảo diễn xuất.
Cái thứ hai là tiếng cười của Chí Phèo, đây mới là cái khó nhất, vì chưa ai biết Chí Phèo cười như thế nào ngoài những dòng miêu tả của nhà văn. Khi đọc kịch bản thấy viết Chí Phèo cười hô hố, tôi đã cười thử hô hố nhưng không phải. Tôi suy nghĩ mãi, thử tất cả các điệu cười đều thấy không đúng.
Cuối cùng bất ngờ tôi tìm thấy hình tượng tiếng cười ấy trong con chó bị hóc xương, nó ói không ra mà nuốt không được, cứ ằng ặc, nghèn nghẹn ở cổ, thì tiếng cười của Chí Phèo cũng như thế.
- Được biết mặc dù đã nghĩ hưu nhưng NSƯT Bùi Cường vẫn miệt mài làm công tác đạo diễn cho nhiều bộ phim, và mới đây nhất là một bộ phim dài tập nói về đời sống giới trẻ?
Tôi vừa mới đóng máy phim Không thể gục ngã, bộ phim dài tập nói về thế hệ trẻ, những thế hệ cuối 8x, đầu 9x, họ sớm trở thành những doanh nhân thành đạt nhưng lại chủ quan và quên mất rằng thương trường là chiến trường.
- Khi đặt mình vào những thế hệ cuối 8x đầu 9x, với những suy nghĩ rất trẻ, rất mới và cởi mở hơn thế hệ của ông rất nhiều, ông có thấy khó?
Thực ra tôi vẫn đang sống cùng thế hệ trẻ nên rất hiểu họ, thế hệ của tôi 30 năm về trước là nghèo đói, bao cấp, lạc hậu, còn ngày hôm nay, họ khác rất nhiều.
Thế hệ trẻ bây giờ tiếp thu những thứ tiên tiến của thế giới, ham học và quyết liệt nhưng họ lại tự tin tới hơi thái quá và hơi chủ quan, thế nên để hoàn chỉnh được thế hệ trẻ thì không phải một sớm một chiều giúp họ được mà phải để họ tự thấy để vỡ ra.
- Sau cả một chặng đường lao động nghệ thuật miệt mài và nghiêm túc, với những vai diễn, những bộ phim để đời, nghệ sĩ muốn nhắn gửi điều gì đến những thế hệ trẻ ngày hôm nay, những người đang có ý định dấn thân vào con đường nghệ thuật nhiều chông gai?
Tôi thấy nghệ thuật bay bổng như bầu trời sáng tạo luôn rộng mở. May mắn cho người nào có năng khiếu để bước chân vào con đường ấy, nhưng phải say đắm với nó, phải yêu nó, phải đi với nó đến tận cùng và đôi khi phải gian truân vất vả với nó may ra mới có được chút gì đó. Và hãy nhớ rằng, nghệ thuật không có chỗ cho sự tính toán, hãy đến với nghệ thuật một cách vô tư và yêu nghề nhất.
- Xin cảm ơn NSƯT Bùi Cường.