PHIM NHẠC » Bật mí điện ảnh

Chỉ xin lỗi thôi, sao mà khó thế!

Thứ năm, 26/05/2011 10:58

Đàn ông khó nói lời xin lỗi như thế, tại sao không giữ cho mình… đừng bao giờ mắc lỗi?

Chị Ngọc Loan (bán hàng siêu thị, Q.1, TP.HCM) điện thoại đến tổng đài tư vấn tâm lý sau một tuần “có hình, không có tiếng” với chồng. Chị không đòi hỏi gì nhiều, chỉ cần chồng nói hai chữ “xin lỗi” nhưng chồng chị vẫn tỉnh bơ dù biết chị đang còn giận. Hỏi chuyện chuyên viên tư vấn mà Loan vẫn chưa hết ấm ức: “Đàn ông khó nói lời xin lỗi như thế, tại sao không giữ cho mình… đừng bao giờ mắc lỗi?”.   Cứng lưỡi   Sự việc chỉ đơn giản là hôm đó Loan bị sốt, phải nằm ở nhà nên nhờ chồng đi làm về mua cháo trắng lá dứa ăn cho “ấm bụng” buổi chiều. Loan chờ mãi đến 10g đêm chồng mới về đến nhà với… hai tay không. Giận run, Loan chờ chồng giải thích hoặc nói vài lời an ủi nhưng chỉ nhận được tiếng ngáy khò khò còn nồng mùi rượu.   Loan định sẽ ngủ riêng và “chiến tranh lạnh” cho đến khi chồng xin lỗi mới thôi, nhưng “kịch bản” đã không như  Loan… tưởng tượng. Nhiều lần Loan ngầm tạo cơ hội, vẫn không “cạy” được nửa lời xin lỗi từ chồng. Chỉ có điều, sau sự cố đó, chồng Loan có vẻ quan tâm, tự giác chia sẻ việc nội trợ với vợ nhiều hơn trước. Nhìn chồng lăng xăng phơi quần áo, lau nhà, nấu ăn thay vợ, Loan thầm mắng: “Kém thông minh thế? Tôi chỉ cần anh xin lỗi chứ đâu cần anh làm gì. Anh mồm miệng một chút có phải là đỡ chân tay không?”.   Nhớ lại hình ảnh chồng lúc mới quen, Loan càng thất vọng với ông chồng hiện tại. Hai năm trước, Loan bị một anh chàng vô ý quẹt xe, té xuống đường. Anh chàng xin lỗi rối rít, ân cần dìu Loan lên lề đường, lăng xăng chăm sóc vết thương. Thấy anh biết điều, Loan “bật đèn xanh”. Khi đã nên đôi, Loan cứ nghĩ chồng phải nâng niu, chiều chuộng mình hơn, đâu ngờ… Ông chồng luôn trong trạng thái “khó nói lời xin lỗi” khiến vợ hụt hẫng là lẽ đương nhiên, nhưng có những ông chồng “chịu” xin lỗi cũng chưa chắc đã làm vợ hài lòng.   Trong buổi sinh hoạt chuyên đề Làm sao xóa được lỗi lầm?, chị Kim Huyền (buôn bán, Q.10) đã nhận được sự đồng tình của nhiều chị em khi cho rằng: “Ngay cả khi xin lỗi, nhiều ông cũng “ăn gian” lắm. Các ông ít chịu thừa nhận cái sai, mà thường vòng vo, tránh né, tóm lại là rất thiếu thành khẩn. Còn người vợ thì luôn  muốn chồng thừa nhận đúng lỗi ấy để tránh… tái phạm, thế là phát sinh mâu thuẫn”.   Tháng trước, chị Huyền nhờ chồng đổi xe mới. Đến cửa hàng xe, chồng móc túi quần mới phát hiện “thôi rồi... bóp ơi”. Tối, chị Huyền đi làm về, háo hức muốn chiêm ngưỡng “con xe” thì chồng vò đầu bứt tóc thú thiệt: “Xin lỗi em, vậy là em không có xe mới để chạy!”. Vừa tiếc 25 triệu đồng, vừa dị ứng với kiểu xin lỗi nửa vời của chồng, chị Huyền lớn tiếng: “Anh không có cách xin lỗi nào cho dễ nghe hơn hả?”. Người chồng tiếp tục chống chế: “Tại kẹt xe quá!”…“Tại thằng bạn rủ vô quán “làm vài ly”… “Tại em không đổi ra tiền chẵn nên cái bóp bị cộm”, “Anh đã định bỏ tiền vô cặp rồi mà em cứ nói để trong bóp…”. Thế là chị Huyền đổ quạu, còn chồng chị thì chẳng hiểu vì sao mình đã xuống nước rồi mà vợ vẫn làm mình làm mẩy. Nói một cách đầy đủ, xin lỗi có nghĩa là “xin được tha thứ vì tôi đã biết lỗi”. Chung sống năm năm, chồng của chị Như Thu (quản lý một nhà hàng ở Q.Bình Thạnh, TP.HCM) luôn sẵn sàng nhận lỗi mỗi khi thấy vợ buồn, làm mặt lạnh, tỏ vẻ khó chịu với mình. Sau khi có vài lời năn nỉ ỉ ôi để vuốt giận cho vợ, chồng chị còn dỗ dành vợ cười để chứng tỏ vợ đã “đặc xá” cho mình. Thực ra, chị Thu hay có vẻ mặt hình sự, nhưng không kể tội chồng rõ ràng mà cứ nói bóng gió, cốt để chồng “có tật giật mình”, vì chuyện chồng chị lập phòng nhì, mê cá độ cũng chỉ là lời đồn, chị không có bằng chứng đích xác. Còn người chồng thì cứ xin lỗi leo lẻo chứ thật ra cũng không hiểu vợ đang giận gì hoặc muốn gì. Anh lại càng không biết (hay cố tình không biết) lỗi của mình là gì, bởi anh từng tuyên bố với mấy ông bạn nhậu: “Xin lỗi không mất gì, lại dẹp được cơn giận của vợ, mình được yên thân. Dại gì mà không… xin lỗi”. Về sau, khi tận mắt phát hiện chồng lừa dối mình, lấy tiền nuôi vợ bé và chơi bạc, chị Thu mới thấm thía với kiểu xin lỗi để “trả nợ quỷ thần” của chồng. Vì mình Ở góc độ tâm lý, đàn ông không dễ thốt nên lời xin lỗi vì khi nói ra điều đó, dù chưa biết mình sai đến mức độ nào, nhưng đã mặc nhiên thừa nhận mình đang rơi vào “thế yếu”. Mà phàm là đàn ông, hiếm có ai tự nguyện bị lép vế trước người khác, nhất là với vợ mình. Nhóm nghiên cứu của giáo sư Karina Schumann (Đại học Waterloo, Canada) phát hiện được một điều khá thú vị là phụ nữ thường nói xin lỗi nhiều hơn nam giới. Đó không phải là điều ngẫu nhiên mà do đàn ông có ngưỡng (giới hạn) cao hơn phụ nữ về những ứng xử xấu, làm người khác khó chịu. Đơn giản, đó là sự khác biệt giữa nam và nữ về quan niệm như thế nào là hành vi “chướng tai, gai mắt”, dẫn đến có những chuyện nữ giới thấy cần phải xin lỗi còn với nam giới thì không. Tuy nhiên, như vậy cũng không có nghĩa đàn ông luôn vô tình, và phụ nữ nhìn đâu cũng thấy “vi trùng”.   Trong chuyện của Loan, người chồng tuy không nói lời xin lỗi nhưng hành động khắc phục hậu quả cũng thiết thực và có giá trị không kém. Bằng cách tự giác làm việc nhà thay vợ, người chồng đã ngấm ngầm thừa nhận “anh sai, anh làm em buồn, mong em hết giận”. Vì lẽ đó, người vợ nên cộng tác và hỗ trợ để chồng thoải mái bộc lộ lời xin lỗi, cũng như vợ nên ghi nhận cả những hành động tương tự lời xin lỗi hơn là chăm chăm chờ đợi “giấy trắng, mực đen”. Xin lỗi nhiều khi là một từ rất khó nói đối với nhiều người, nhưng các nhà khoa học lại thấy đó là một trong những lợi ích thiết thực cho sức khỏe. Còn nhớ, sau scandal lăng nhăng tình ái, vận động viên golf số 1 thế giới Tiger Woods đã công khai xin lỗi vợ. Lúc đó, theo kết quả thăm dò nhanh của một công ty nghiên cứu thị trường ở Mỹ  thì 60% trong tổng số 1.090 người Mỹ được hỏi đều cho rằng Tiger Woods đã thành khẩn, đặc biệt, có đến 61% phụ nữ tỏ ra tin tưởng anh. Sự chấp nhận của đám đông đối với Tiger Woods chính vì anh đã không né tránh lỗi lầm của mình: “Những gì tôi làm không chấp nhận được. Tôi quá ích kỷ khi chỉ nghĩ cho bản thân mà không ngờ đã gây đau khổ cho người khác. Tôi tự đặt mình ra khỏi mọi khuôn khổ của một người bình thường và bước qua vùng cấm mà bất cứ cuộc hôn nhân nào cũng không cho phép”. Không ai trong đời tránh được chuyện phạm lỗi, và lỗi lầm dù lớn hay nhỏ đều có thể gây ít nhiều tổn thương cho người khác. Tuy nhiên, lời xin lỗi không đơn thuần là vì người khác mà trong đó còn có phần vì chính mình. Trong chuyên đề Làm sao xóa được lỗi lầm?, diễn viên Chi Bảo nhận định: “Thông thường, nhiều người chỉ xin lỗi cho qua chuyện chứ không chú trọng đến chuyện khắc phục hay sửa đổi. Điều này khiến đối phương không còn coi trọng lời xin lỗi và cho đó chỉ là “đầu môi chót lưỡi”. Thực ra, giữa vợ và chồng, cách xin lỗi tốt nhất là thừa nhận đúng lỗi lầm của mình, cùng bạn đời tìm giải pháp sửa lỗi. Như vậy, mình mới có cơ hội điều chỉnh để nâng cao giá trị bản thân và cải thiện mối quan hệ”. Ông bà xưa có câu “Tiên trách kỷ, hậu trách nhân”, phải chăng do thói quen không chịu xin lỗi của các ông chồng có phần trách nhiệm của các bà trong đó. Đầu tiên là các bà thường xí xóa cho qua những lỗi lầm nho nhỏ như  trễ giờ hẹn, quên  mua một món gì đó v.v., rồi  đến những lỗi lớn như nhậu nhẹt, bồ bịch... Đàn ông cũng như một đứa trẻ, khi được nuông chiều thường rất dễ hư… Vợ cũng như chồng, bao giờ cũng cần "dạy" nhau “từ thuở ban sơ mới về”, để đến vài năm sau, muốn lập lại “trật tự trị an” là điều không dễ. Chị Huyền chia sẻ kinh nghiệm: sau nhiều ngày chiến tranh lạnh với chồng, chị quyết định nói ra tất cả những mong muốn của mình với chồng. Chị dứt khoát: Em muốn nghe anh nhận lỗi. Không được đổ thừa vì bất cứ lý do gì. Nếu anh cứ như thế gia đình mình sẽ chẳng có nền nếp. Em làm sai em cũng sẽ không nhận lỗi và con mình sắp tới cũng thế. Cha mẹ phải làm gương. 

PNO