Chị H, kế toán trưởng một tổng công ty cho biết, hồi còn là sinh viên chị thường đặt ra “mục tiêu” cho người chồng tương lai của mình, và “tiêu chuẩn” đầu tiên và quan trọng nhất đó là phải “cao” hơn chị cả một cái đầu, hoặc chí ít cũng bằng chứ không bao giờ chấp nhận “thấp” hơn. Tuy nhiên, sau mấy năm trời vất vả “kiếm tìm” chị nhận thấy, có rất nhiều người “cao” hơn nhưng họ không có tình cảm với chị và ngược lại. Một số người “cao” hơn có tình cảm với chị và chị cũng có tình cảm với họ, nhưng tính tình, lối sống của hai người lại khác xa nhau, và không tìm thấy sự tương đồng… Vì vậy, mặc cho gia đình chị ngăn cản, chị vẫn quyết tâm thay đổi “mục tiêu” theo chị suốt quãng đời sinh viên và chấp nhận lấy một người chồng “thấp” hơn mình hẳn “một cái đầu”.
Anh chồng của chị chỉ tốt nghiệp hết cấp 3, mấy tháng đầu mới cưới chị H cho biết: Dù rất yêu anh và cảm nhận được rất rõ tình yêu anh dành cho chị là rất lớn, nhưng trong lòng chị vẫn rất buồn về trình độ chỉ học hết cấp 3 của chồng. Chị cũng không dám tâm sự với bạn bè, đồng nghiệp rằng chồng mình chỉ mới tốt nghiệp hết cấp 3, vì sợ rằng họ sẽ “xì xèo” và tỏ ý thương hại mình.
Càng buồn hơn khi mà với bằng cấp “có hạn” của chồng chị khiến mức thu nhập anh có được từ vị trí một công nhân tại một công ty liên doanh cũng chả dư dả gì, mọi gánh nặng kinh tế dồn tất cả trên đôi vai nhỏ bé của chị. Nhiều lần quá mệt mỏi, chị về khóc lóc với mẹ đẻ và trách “sao ngày xưa mẹ không ngăn cản con quyết liệt mà lại cho con lấy anh ấy để bây giờ con khổ”. Không biết có đoán được tâm sự của vợ mình không nhưng chồng chị luôn thể hiện là người đàn ông mẫu mực, hết lòng yêu thương vợ và sẵn sàng làm tất cả để vợ được hạnh phúc, đặc biệt, hiểu được thu nhập “có hạn” của mình và những vất vả lo lắng kiếm tiền của vợ nên anh cũng rất tiết kiệm và tránh xa với những thói hư tật xấu mà nhiều người đàn ông thành đạt vẫn mắc phải như rượu chè, cờ bạc, thậm chí cả thuốc lá. Hiểu được sự cố gắng và tình yêu thương của chồng dành cho mình, nên từ đó chị H cũng không bao giờ than vãn hay mang chồng mình ra so sánh với bất kỳ một người đàn ông nào nữa. Chị cho rằng, so sánh không thể làm thay đổi hiện tại mà đôi khi nó chỉ làm cho hạnh phúc gia đình thêm bế tắc và không có lối thoát, vì thế, thay vì so sánh chồng với một ai đó chị lại chuyển sang chia sẻ, động viên và khuyến khích chồng cố gắng. Chị cũng tạo mọi điều kiện để chồng có cơ hội tham gia các hoạt động xã hội tại nơi làm việc và tham gia học đại học tại chức để có cơ hội nhận được mức lương ổn định hơn. Chị chia sẻ, sau một thời gian chung sống chị H đã hiểu ra rằng, “cao” hay “thấp” không phải là vấn đề quan trọng mà điều quan trọng nhất đó là tình yêu của người chồng dành cho người vợ, cũng như sự cảm thông của người vợ dành cho người chồng có đủ lớn để vượt qua tất cả những khó khăn của cuộc sống?!