BBC cho biết hôm 30-3 tình hình của lực lượng nổi dậy hiện khá bi đát và họ không thể đấu nổi với hỏa lực và tính kỷ luật cao của quân đội chính phủ.
|
Lực lượng nổi dậy đã lại để mất thành phố dầu mỏ quan trọng - Ảnh: THX |
“Chúng tôi cần sự hỗ trợ, thông tin liên lạc, radio, chúng tôi cần vũ khí nữa”, thiếu tá Suleiman Mahmoud, phó tư lệnh quân nổi dậy, nói với BBC.
Trong khi còn nhiều nước phản đối việc trang bị vũ khí cho quân nổi dậy, Pháp và Mỹ cho biết họ đang cử các đoàn đại biểu tới Benghazi để gặp gỡ chính quyền lâm thời. AP dẫn nguồn tin riêng của họ khẳng định Cục tình báo trung ương Mỹ (CIA) đã cử những đội chuyên gia tới Libya.
Vai trò chính xác của những nhóm này còn chưa rõ, nhưng AP dẫn lời các chuyên gia tình báo cho rằng mục đích của họ là liên lạc với lực lượng nổi dậy, đánh giá sức mạnh và nhu cầu của họ trong cuộc chiến với chính phủ trong trường hợp Tổng thống Barack Obama quyết định trang bị vũ khí cho quân nổi dậy.
Nhà lãnh đạo Muamar Gadhafi ngày 29-3 đã gửi một bức thư đến hội nghị quốc tế về Libya tổ chức tại London, Anh, kêu gọi chấm dứt các cuộc tấn công "sai trái và man rợ" nhằm vào người dân nước này. Ông cho rằng việc giải quyết tình hình hiện nay tại Libya phải được chuyển giao cho Liên minh châu Phi (AU), đồng thời cam kết nước này sẽ chấp thuận các phán quyết của Ủy ban cấp cao AU.
Trung Quốc, Nga hối thúc ngừng bắn
Trong cuộc hội đàm với Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy đang ở thăm Bắc Kinh hôm qua, Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào nêu rõ "đối thoại và các biện pháp hòa bình khác là những giải pháp tối thượng cho các vấn đề ở Libya".
Theo ông, sử dụng vũ lực không giúp giải quyết được vấn đề mà trái lại, khiến tình hình thêm phức tạp. Nhà lãnh đạo Bắc Kinh nhấn mạnh nếu gây thảm họa cho người dân và dẫn tới một khủng hoảng nhân đạo, thì các hành động quân sự tại Libi đã đi ngược lại nghị quyết của Liên hợp quốc.
Ông nêu rõ nhiều nước và tổ chức khu vực đã đề xuất các giải pháp cho cuộc khủng hoảng tại Libya và Trung Quốc tin tưởng rằng các bên liên quan nên có các phản ứng tích cực.
Chủ tịch Hồ Cẩm Đào đã kêu gọi các bên liên quan ngừng bắn ngay lập tức, tìm kiếm các biện pháp hòa bình và tránh gây thêm thương vong cho dân thường, khôi phục lại ổn định tại quốc gia Bắc Phi này. Ông nêu rõ Bắc Kinh phản đối việc sử dụng quân sự trong các vấn đề quốc tế và độc lập, chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ của một quốc gia phải được tôn trọng.
Trong khi đó, Tổng thống Pháp cho biết Paris cũng mong muốn giải quyết cuộc khủng hoảng Libya thông qua các biện pháp chính trị và ngoại giao.
Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov ngày 30-3 đã lên tiếng yêu cầu các bên xung đột tại Libya ngừng bắn và nhanh chóng tổ chức đàm phán nhằm tìm giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột này.
Phát biểu tại cuộc họp báo chung ở Mátxcơva với người đồng cấp Áo Mikhael Schpindelegger đang ở thăm, Ngoại trưởng Lavrov cho rằng nhiệm vụ ưu tiên số một hiện nay là ngừng bắn và đàm phán nhằm tìm kiếm giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột ở Libi. Nga phản đối việc cung cấp vũ khí cho lực lượng chống đối chính phủ tại Libya và coi đó là hành động can thiệp không thể chấp nhận được. Ông cho rằng tương lai của Libya phải do người dân nước này tự quyết định.
Về phần mình, Ngoại trưởng Schpindelegger nhấn mạnh Áo có quan điểm giống Nga khi đánh giá về cuộc xung đột tại Libya. Áo ủng hộ Liên minh châu Phi và Liên đoàn các nước A-rập góp phần tích cực để tìm kiếm giải pháp chính trị cho tình hình Libya.
Ngoại trưởng Libya chạy sang Anh
Bộ trưởng ngoại giao Libya Moussa Koussa đã sang Anh và “không còn mong muốn” hợp tác với chế độ của Muammar Gaddfi nữa, BBC dẫn lời Văn phòng ngoại vụ Anh nói ngày 30-3.
Ông Koussa đã bay tới một sân bay gần thủ đô London vào ngày 30-3 và đã có cuộc nói chuyện nhiều tiếng đồng hồ với các quan chức Anh.
|
Ngoại trưởng Libya Moussa Koussa - Ảnh: Reuters |
BBC dẫn lời một người phát ngôn Văn phòng ngoại vụ Anh nói: “Chúng tôi xác nhận rằng Moussa Koussa đã đến sân bay Farnborough ngày 30-3 từ Tunisia. Ông đến đây hoàn toàn tự nguyện. Ông ấy cũng thông báo rằng ông ấy đã từ chức. Chúng tôi đang thảo luận với ông ấy và sẽ cung cấp thêm các chi tiết sau này"
Người phát ngôn nói thêm: "Moussa Koussa là một trong những nhân vật chủ chốt của chính quyền Gaddafi và vai trò của ông là đại diện cho chế độ trên bình diện quốc tế, điều mà ông không còn muốn làm nữa. Chúng tôi khuyến khích những ai ở cạnh ông Gaddafi bỏ ông ấy và theo đuổi một tương lai tốt đẹp hơn cho Libya cho phép chuyển đổi chính trị diễn ra và cải cách thực sự để đáp ứng nguyện vọng của người dân Libya”.
Một quan chức cấp cao của chính phủ Mỹ giấu tên nói với AFP: “Đây là một vụ đổi phe quan trọng và chỉ dấu cho thấy những người bên cạnh Gaddafi nghĩ rằng chế độ của ông ta sắp sụp đổ”.
Trước đó, Ngoại trưởng Anh William Hague thông báo năm nhà ngoại giao của Libya đã bị trục xuất khỏi nước này. Ông Hague báo cáo trước quốc hội Anh rằng năm nhà ngoại giao, bao gồm một tùy viên quân sự Libya, đã bị trục xuất vì “có thể là mối đe dọa” cho an ninh nước Anh.