Nhưng tình yêu không biến mất mà chuyển hóa thành một dạng khác, như một bờ vai để dựa khi bạn đau khổ.
Tình yêu “chuyển hóa”
Hôn nhân không tạo ra món quà chung thuỷ, những ngày vô tận của niềm vui và buổi tối lãng mạn, lung linh ánh nến cho hai người. Hôn nhân tạo ra hàng đống quần áo phải giặt, những đứa trẻ vòi sữa giữa đêm khuya, những lo lắng triền miên về tiền bạc, sức khoẻ… Ngay sau đám cưới lãng mạn, nhiều người phải đối mặt ngay với rắc rối, cãi vã triền miên. Những điều này có thể làm rạn nứt hôn nhân. Nhưng sau 10-15 năm gắn bó, nhiều cặp vợ chồng mới hiểu, những khó khăn, vất vả đó khiến họ gắn bó và yêu thương nhau hơn. Chị Lê Thị Hoà (Nguyễn Chí Thanh, Ba Đình, Hà Nội) lấy chồng hơn chị 15 tuổi, nhà nghèo, mẹ mất sớm. Hai anh chị đã vượt qua sự ngăn cấm của gia đình để lấy nhau. Nhưng khi chung sống chị sớm thất vọng khi phải sống trong một ngôi nhà chật chội với cả bố chồng, anh chị chồng. “Hơn một năm sau khi sinh con, tôi thất nghiệp ở nhà, công việc của chồng phập phù, vợ chồng cãi nhau thường xuyên, tôi đã không ít lần nghĩ đến chuyện ly hôn”- chị Hoà mệt mỏi nói. Nhưng rồi con chị Hoà ốm nặng. Bệnh viện chẩn đoán cháu có u não. Chị chỉ biết ngồi ôm con khóc. Anh Minh- chồng chị tất tưởi ngược xuôi vay tiền, tìm thầy, tìm thuốc. Lúc đó bố chồng lại cảm đột ngột rồi mất. Nhìn chồng chạy ra chạy vào bệnh viện với vòng tang trắng trên đầu, chị Hoà thương chồng hơn bao giờ hết: “Ngày trước mọi người cho rằng tôi dại dột nhưng hình như tôi đã có một niềm tin đặc biệt vào anh ấy mà chính tôi cũng không hiểu hết!”. Con trai bị u lành. Chồng chị ngã quỵ. Những ngày anh nằm trên giường bệnh, không lúc nào chị rời mắt khỏi anh, ngay cả khi ngủ. Chị chỉ phập phồng lo sợ anh sẽ biến mất! Tạo niềm vui cho hôn nhân
“Sự gắn bó, yêu thương đùm bọc lẫn nhau không tự nhiên mà có. Cho dù yêu nhau thế nào khi đối diện với khó khăn chồng chất, nhiều người không đủ sức lực và kiên trì để cùng nhau đi hết cuộc đời. Chính vì vậy, mỗi cặp uyên ương nên cho mình một cách riêng để có thêm thời gian bên nhau, để chia sẻ cùng nhau những khoảng thời gian tốt đẹp hai người đã có và làm sao hai vợ chồng có thể cùng nhau vượt qua cơn khủng hoảng…”- chuyên gia tâm lý Trịnh Trung Hòa nói. Hai vợ chồng chị Mai (Từ Liêm, Hà Nội) cưới nhau đã được gần 20 năm nhưng khoảng thời gian giáp mặt nhau chẳng được nhiều. Anh làm ca đêm, trở về nhà lúc 8 giờ thì chị đã đi làm. Lúc đầu chị cảm thấy trống trải, chán ngán khi đêm đêm đối diện với 4 bức tường. Chị có nhiều điều để nói với chồng nhưng chẳng biết bắt đầu từ đâu và vì vậy mỗi khi rỗi rãi chị lại lấy giấy bút ra viết: “Tôi viết đơn giản vài từ về buổi tối đã qua đi như thế nào khi hai vợ chồng mỗi người một nơi. Sau nhiều năm tôi kể cho anh ấy biết những đứa trẻ học ở trường như thế nào, nghịch ngợm trong bồn tắm ra sao, rằng tôi nhớ anh ấy biết bao… Các thứ nhỏ bé ấy thực sự có ý nghĩa rất nhiều. Trong suốt 19 năm, tôi chỉ quên ghi giấy có hai lần và chồng tôi đã đi tìm nó ở khắp nơi…Và thi thoảng anh ấy cũng đáp lời tôi”. Những lúc buồn khổ nhất, chỉ cần đặt tay lên những tờ giấy “nhân chứng” ấy chị Mai lại cảm thấy lòng mình ấm áp và mạnh mẽ lên rất nhiều. Biết cách tạo nên niềm vui cho nhau và cho chính mình bằng những điều tưởng như nhỏ bé chính là cách bạn làm giàu có thêm cuộc hôn nhân của mình, để sớm hiểu được món quà mà hôn nhân đem lại.