“Bóng ma” nợ nần
“Bóng ma” nợ nần đang ám ảnh làng phim Việt khi nhiều đại gia làng phim như Phước Sang, Chánh Tín cũng đều lao đao vì tài chính. Bỏ qua việc họ “vô duyên” với nghiệp kinh doanh thì câu chuyện Dòng máu anh hùng của Nguyễn Chánh Tín được đánh giá cao về chuyên môn nhưng lại thất bại về doanh thu không khỏi khiến những người “yêu nghệ” xót xa. Vấn đề hầu bao cũng khiến cho nhiều dự án phim bị “treo”, nhiều nhà làm phim bất lực vì thiếu tiền. Năm qua, doanh thu phim Việt nhìn chung vẫn khá bi đát khi nhiều bộ phim được coi là “bom tấn” của màn ảnh Việt như Lửa phật, Đường đua... được cho là lỗ nặng.
Câu nói “Cơm áo không đùa với khách thơ” ngày càng đúng với làng phim trong hiện thực thời kinh tế thị trường. Thiếu đi tính đột phá thì ngành làm phim không thể phát triển lên một tầm cao mới, nhưng nhà sản xuất cần tính toán kỹ lưỡng nếu không muốn nợ đầm đìa.
Làm phim không phải là sản xuất một mặt hàng tiêu dùng mà nó là một sản phẩm văn hóa cao cấp. Nhất là ở loại hình điện ảnh thì nghệ thuật gắn bó mật thiết với sự phát triển của công nghệ. Để làm nên một bộ phim, nhà sản xuất cần kinh phí lớn hơn rất nhiều so với việc làm ra một sản phẩm nghệ thuật khác.
Ngoài việc cân nhắc đến yếu tố nghệ thuật hay thị hiếu khán giả, nhà làm phim còn phải “thực dụng hóa”. Muốn lời lãi, hãng phim phải xây dựng một tổng dự toán chi tiết đến từng buổi bồi dưỡng quay cảnh đêm, thậm chí là từng cốc cà phê tiếp khách của đạo diễn. Nếu không cân đối giữa nghệ thuật và sự thực dụng sẽ khó mà thành công. Đạo diễn Trung Quốc Trương Nghệ Mưu khi chuyển từ việc làm phim thương mại sang nghệ thuật đã nói: “Tôi thấy bản thân mình phải tỉnh, dù làm bất kỳ thể loại phim gì cũng phải thật tỉnh táo.”
Dự trù rủi ro
Chẳng nhà làm phim nào không từng có khát vọng sẽ làm nên một tác phẩm để đời. Không mạnh tay đầu tư thì không có đột phá, không có người dám dấn thân thì không có những bước tiến tiếp theo, điện ảnh Việt sẽ cứ mãi nhạt nhòa, khó vươn ra biển lớn. Sự mạnh bạo của Nguyễn Chánh Tín với Dòng máu anh hùng đã thực sự tạo một cú hích, làm nức lòng những người yêu điện ảnh, được so sánh với tầm khu vực và mở đường cho phim võ thuật chuyên nghiệp với một loạt những bộ phim. Nhưng Chánh Tín đã đặt cược quá lớn với bài toán kinh tế khi số vốn đầu tư 8,3 tỷ đồng cho bộ phim hoàn toàn là tiền do thế chấp căn nhà duy nhất để vay ngân hàng Phương Nam cộng với niềm hy vọng việc công chiếu ở nước ngoài sẽ kiếm được phần lớn doanh thu. Cần 4,8 tỷ đồng ở thị trường ngoại để bù lỗ trong khi trong nước thu về được 7 tỷ, chia cho các rạp mất 3,5 tỷ đồng. Đau đớn thay cho Chánh Tín, bộ phim lại bị ăn cắp bản quyền, sao chép ở nước ngoài dẫn đến thất thu.
Cũng giống như kinh doanh, các nhà làm phim cần tính đến chiến lược rủi ro, nhất là làm bom tấn. Không điều gì có thể đảm bảo 100% thành công, nhất là trong ngành giải trí. Trên thế giới không thiếu những bộ phim của các đạo diễn nổi tiếng bị lỗ thảm hại khi đầu tư đến hàng trăm triệu cho chi phí sản xuất nhưng chỉ thu về được vài triệu. Điển hình như Stealth, Speed Racer, The Adventures of Pluto Nash, Cutthroat Island...
Thách thức về mặt tài chính không chỉ là lực cản đối với các hãng phim tư nhân mà ngay cả hãng phim nhà nước. Trong khi các hãng phim tư nhân làm phim như đánh bạc thì những người làm phim nhà nước luôn trong tình trạng giật áo vá vai, ngồi trông “cá gỗ” đợi ngày tiền về.
Từ khi thay đổi cơ chế thành đấu thầu thay vì tài trợ 100% kinh phí làm phim, áp lực đè nặng lên vai những người làm điện ảnh nhà nước. Nhiều khi dự án phim đã được duyệt, ngày nộp phim cũng được ấn định mà tiền thì chưa được chi. Cả với những bộ phim được Nhà nước đặt hàng cũng không được cấp kinh phí đầy đủ, buộc một số hãng giải quyết bằng cách kêu gọi thêm các đối tác, một số phải cắt bớt các yêu cầu nghệ thuật. Chẳng hạn như phim Những đứa con của làng được giao cho Công ty TNHH MTV Nam Phương dự kiến cần 9 tỷ đồng, chỉ được cấp 6 tỷ đồng. Trong khi dự án phim Sống cùng lịch sử được dự toán mất khoảng 30 tỷ đồng nhưng vì kinh tế khó khăn nên Nhà nước chỉ duyệt 21 tỷ đồng. Chưa kể thủ tục đầu tư kinh phí khá rườm rà khiến những nhà làm phim không khỏi mệt mỏi. Nhiều hãng phim rơi vào bi kịch “đời thừa” khi phải đi làm phim truyền hình hay “đánh thuê” để nuôi quân.
Muốn làm phim ra tấm ra món thì phải có nhiều tiền. Tiền nhiều thì không thể có, tiền ít thì làm phim thế nào? Câu hỏi đó khiến cho nhiều hãng phim đau đầu, bế tắc. Tuy nhiên, điện ảnh Việt 2013 cũng xuất hiện những điểm sáng Mỹ nhân kế đạt mốc doanh thu 52 tỷ đồng, Nhà có 5 nàng tiên thu về hơn 35 tỷ đồng... Chúng ta vẫn có quyền hy vọng những tác phẩm được đầu tư xứng đáng có thể chinh phục khán giả và mang lại lợi nhuận tốt cho nhà làm phim.