PHIM NHẠC » Bật mí điện ảnh

Con anh, con em

Thứ ba, 19/04/2011 09:44

Con riêng của mỗi người thường là nguyên nhân chính của nhiều cuộc ly dị trong cuộc hôn nhân lần sau của những gia đình hỗn hợp.

Việc cứu vãn hôn nhân của họ khi đã khủng hoảng là vấn đề khó nhất mà các nhà tâm lý hôn nhân phải đối mặt. Nhiều gia đình kiểu này không tồn tại nổi 5 năm. Tuy nhiên, cũng có những đôi đã vượt qua được mọi bất hòa, tạo ra một gia đình đầm ấm. Bí quyết của họ là gì? Đừng coi con quan trọng hơn chồng Chị Lan Anh, 42 tuổi, giáo viên tiểu học chia sẻ chuyện nhà mình: "Đây là cuộc hôn nhân lần thứ hai của cả hai chúng tôi. Mỗi người có hai con riêng, hầu hết đã qua tuổi vị thành niên, trừ một đứa con tôi còn nhỏ. Chúng tôi triền miên bất đồng ý kiến về con cái, kể cả những chuyện đơn giản nhất như dọn vệ sinh, làm những việc vặt trong gia đình, những điều nghiêm cấm bọn trẻ, vân vân. Phiền muộn lớn nhất của tôi là sau khi đã là một gia đình, các con tôi đã điều chỉnh nhiều thói quen cho thích hợp trong khi các con của chồng tôi cứ mỗi lần chúng đến là làm đảo lộn hết cả, dù phần lớn thời gian chúng sống với mẹ ở nơi khác. Chồng tôi luôn chê bai các con tôi là không phù hợp với những “luật lệ gia đình” của anh ấy - những “luật lệ” do anh ấy đặt ra. Trong khi tôi cố gắng uốn nắn con mà không để chúng bị căng thẳng thì anh ấy cứ mắng mỏ thẳng thừng. Đến nỗi người này luôn nghĩ người kia không công bằng và bất cứ chuyện gì, dù nhỏ cũng khiến cả hai ngờ vực. Tôi bắt đầu tự hỏi cuộc hôn nhân này liệu có nên tồn tại nữa không?”. Nói chung những cuộc hôn nhân trong những gia đình hỗn hợp thường không thành công, khả năng ly hôn rất lớn, dù cả hai  đã có nhiều kinh nghiệm từ cuộc hôn nhân lần đầu. Thông thường, những thành viên trong một gia đình gắn bó với nhau trên hai cơ sở: huyết thống và lựa chọn, nhưng con riêng của hai người nằm ngoài cả hai cơ sở đó. Con của người này với người kia không có quan hệ huyết thống, cũng không được lựa chọn nhau mà do cha và mẹ lựa chọn. Cho nên, mâu thuẫn phát sinh là điều dễ hiểu. Và, khi mâu thuẫn này nảy sinh, nó thu hút hết tâm trí của cả hai vợ chồng. Người nào cũng chỉ lo con mình bị thiệt thòi. Chưa kể cả hai đều như muốn cố gắng đền bù cho con cái những chấn thương tâm lý sau khi chúng phải trải qua một cuộc ly hôn của cha mẹ. Hậu quả là vợ chồng không quan tâm đến nhau nữa mà chỉ quan tâm tới con. Khi hai người mới lấy nhau mà mối quan tâm đến con cái được đặt lên hàng đầu, còn sự quan tâm đến nhau lại đặt xuống hàng thứ yếu thì có nghĩa là mục tiêu ban đầu của hôn nhân đã bị chệch hướng, vì hai người kết hôn đâu phải vì con, mà chính vì nhu cầu được yêu thương, chăm sóc nhau và điều đó cần phải được đặt đúng vị trí của nó.

Minh họa: NOP

Cần thỏa thuận cùng nhau Từ kinh nghiệm tư vấn, các chuyên viên cho rằng, điều quan trọng nhất mà các gia đình hỗn hợp cần làm đầu tiên là phải thỏa thuận với nhau nhiều điều khoản về con cái, về tổ chức cuộc sống chung cho hai gia đình.  Để cứu vãn cuộc hôn nhân đã đi vào bế tắc, cả hai cần phải dọn cho mình một tâm thế sẵn sàng bàn bạc trao đổi với nhau, không làm bất cứ điều gì mà không có thỏa thuận giữa mình và người bạn đời của mình. Không người nào khiển trách hoặc kỷ luật bất kỳ đứa con nào khi chưa có một thỏa thuận giữa hai người về quyết định ấy. Trư­ớc hết, có thể người này không hài lòng với con của người kia về điều gì đó, nhưng đừng vội mắng nhiếc hay khép bọn trẻ vào kỷ luật, vì chúng thường làm cái mà chúng thích. Vợ chồng cần bàn bạc để đi đến thiết lập những nguyên tắc dạy con. Dần dần, cả hai sẽ thống nhất với nhau khép bọn trẻ vào kỷ luật theo cách mà cả hai đều cảm thấy cần thiết thì cuộc hôn nhân sẽ êm đẹp. Những cuộc trao đổi chỉ có kết quả khi nó diễn ra trong bầu không khí thân mật và chỉ có hai người. Nếu thấy sắp đi vào ngõ cụt, do một người đưa ra những nhận xét gay gắt, hãy tạm dừng một thời gian và trở lại vấn đề vào dịp khác, nhưng nhất thiết phải có một cuộc bàn bạc đi đến thống nhất bằng cách này hay bằng cách khác. Từ những ý kiến khác nhau, cố chọn ra giải pháp dung hòa, được cả hai chấp nhận. Nếu đối phương đưa ra một kế hoạch mà bạn không thích, đừng phản đối quyết liệt ngay, sẽ có cơ hội nói một cách từ tốn. Nếu không làm như vậy, cứ mỗi người theo ý riêng của mình bất kể người kia có thích hay không thì cả hai sẽ chỉ làm cho nhau ngày càng trở nên khó chịu, mệt mỏi, tình yêu sẽ lụi tàn và ly hôn là điều khó tránh khỏi.

Ảnh mang tính minh họa - Ảnh: P.Huy

Đi tìm giải pháp Chị Tâm, 43 tuổi, nhân viên kế toán lại rơi vào một hoàn cảnh khác. Chị kể:  “Chúng tôi kết hôn được hai năm rưỡi. Tôi có hai con 12 và 14 tuổi. Anh ấy cũng có hai đứa, 17 và 19 tuổi. Hai con tôi rất ngoan như­ng chồng tôi luôn không bằng lòng, dù chúng chỉ quên tắt một ngọn đèn hay làm một việc vặt không đúng ý anh ấy. Trong khi con anh ấy, đứa con trai từng bị công an bắt giam, con gái đã phải nạo thai khi còn tuổi vị thành niên, anh ấy lại coi như không có gì quan trọng. Anh ấy không nhìn thấy những khía cạnh tốt của con tôi, lúc nào cũng sẵn sàng chỉ ra cái mà chúng sai. Vì vậy, các con tôi không ưa anh ấy và các con anh ấy cũng chẳng yêu quý gì tôi. Cuộc sống chung vì thế trở nên ngột ngạt, dù tôi luôn đặt mục tiêu củng cố hôn nhân lên hàng đầu”. Nỗi khổ của chị Tâm cũng là nỗi khổ của không ít người. Chồng chị  đã khép con chị  vào kỷ luật mà không tính đến tình cảm của chị, cái lõi của vấn đề là hai người không bàn bạc trước với nhau. Các con chị đã làm anh ấy khó chịu và kỷ luật của anh ấy là cách biểu thị sự quấy rầy của chúng. Trong khi đó, chị lại khó chịu với cách cư xử thiếu lễ độ của hai con anh ấy với chị. Điều đó làm cho anh ấy bực bội, trong khi chị  cũng không còn tâm trí đâu để quan tâm tới chồng. Tình trạng này kéo dài, hai gia đình nhỏ không thể hợp thành một gia đình lớn thì nguy cơ đổ vỡ hôn nhân lần nữa là có thể. Để cứu vãn hôn nhân, chỉ còn một cách là hai gia đình nhỏ nên tạm sống tách nhau ra cho đến khi con cái trưởng thành hoặc khi cả hai có thể thống nhất trong cách đối xử với con cái. Tất nhiên, việc tạm tách ra không giống với ly thân vì thực ra hai người vẫn yêu thương nhau, vẫn hòa hợp với nhau, chỉ vì không hòa hợp được với con cái của mỗi người hoặc các con của hai bên không hòa nhập được với nhau nên phải tạm thời cho chúng sống tách nhau ra. Khi tách ra, hai vợ  chồng  nên giữ liên lạc với nhau hàng ngày ít nhất là qua điện thoại. Cả hai cần tận dụng thời cơ gặp nhau đều đặn và đừng quên đáp ứng nhu cầu tình dục của nhau. Sự tách ra có thể không làm suy giảm tình yêu mà trái lại tình cảm nhớ nhung lưu luyến sẽ giúp khôi phục lại trạng thái thân mật ban đầu. Khi bắt đầu cảm thấy quan hệ đã tốt hơn, hai vợ chồng có thể thử sống cùng nhau lần nữa, sau khi đã rút kinh nghiệm của lần trước. Lần này, ngay từ đầu, cả hai phải biết thỏa thuận trước cùng nhau, nhất là trong việc dạy con.                       Trong một số gia đình hỗn hợp, con của người này chống lại người kia gay gắt đến nỗi họ không thể sống chung dưới một mái nhà, lúc ấy mới đành phải sống riêng. Thậm chí, sau khi vợ chồng đã khôi phục lại trạng thái thân mật, họ vẫn cho rằng chung sống cùng với con riêng của mỗi người là cực kỳ khó. Đó là trư­ờng hợp hôn nhân vẫn tồn tại nhưng trẻ con và vợ chồng lại phải tách ra. Đây là giải pháp rất hiệu nghiệm nhưng chỉ nên thực hiện khi không còn giải pháp nào khác. Cuộc sống vợ chồng nói chung đã khó, lại thêm con riêng của mỗi người nên càng khó. Nói như thế không có nghĩa là những gia đình hỗn hợp không thể có hạnh phúc mà vấn đề là có biết cách chung sống khi mang theo những đứa con riêng vào cuộc hôn nhân hay không. Trong thực tế, nhiều người không có kinh nghiệm gì về chuyện này, thậm chí không mấy ai có kinh nghiệm đó để truyền cho họ. Vì thế, mỗi người đều phải cố gắng tìm tòi và tự điều chỉnh dần mới hy vọng xây dựng được gia đình hạnh phúc như mong muốn. 

PNO