Việc đầu tiên mà Trần Thị Khuyên, nhân viên quản trị website của sàn giao dịch bất động sản làm sau khi khởi động máy tính là bật cửa sổ yahoo và đăng nhập vào đó. Trong list friend của cô (đã lọc những nick avaible) có đến 44 người đang online. Lúc đó là 8h sáng, giờ bắt đầu làm việc của các cơ quan.
Không chỉ yahoo, dân văn phòng còn có nhiều mạng xã hội để … buôn chuyện. Cửa sổ skype, facebook, google +, zing hầu như để sáng suốt ngày làm việc. “Có nhiều chuyện để buôn. Không chat qua yahoo thì “chém” qua facebook hoặc google +. Nói chung không lúc nào hết chuyện”, anh Phạm Đức, công ty Adecort, chuyên tư vấn thiết kế và thi công kiến trúc cho biết.
Hầu hết dân văn phòng đều có thói quen: tranh thủ buôn chuyện. Họ tranh thủ trong giờ làm, tranh thủ trong giờ nghỉ trưa và tranh thủ giờ rảnh việc. Thậm chí nói ngày không đủ, đêm về vẫn ôm máy tính để buôn chuyện đến khuya. Minh Tuấn, nhân viên kinh doanh một công ty quảng cáo cho biết: “con lap (laptop) của em hoạt động từ 14 – 18 tiếng một ngày. Chủ yếu tám chuyện vì công việc của em cũng cần nhiệt tình tiếp chuyện mọi người”.
Không hẳn công việc cần nhiệt tình tiếp chuyện như Tuấn nói, mà nhu cầu của tất cả mọi người đối với việc buôn chuyện. Mọi người chơi chăn nuôi, trồng trọt trên zing, trên facebook có nhu cầu buôn chuyện với bạn chơi. Rồi mọi người quan tâm đến những câu blast, những dòng status đầy tâm trạng của nhau và lại… buôn chuyện.
Những mạng xã hội đều có liên kết với nhau để bạn có thể tìm kiếm nhiều thứ.
“Vào mạng xã hội như bị nghiện ấy. Bật máy tính mà không mở yahoo, không mở facebook, không trêu chọc mấy câu bạn bè thì không thể yên tâm làm việc được”, Minh Tuấn nói.
Tính trung bình mỗi ngày, nhân viên văn phòng sẽ buôn chuyện trên mạng xã hội 2h. Đó là chưa kể những lúc vừa làm vừa chat chit, chưa kể thời gian ra ngoài uống café, trà đá.... Vậy mỗi ngày, dân công sở làm thất thoát ít nhất ¼ thời gian làm việc. Còn hiệu quả công việc khó tính.
“Cấm nhân viên vào mạng xã hội, buôn chuyện trên mạng rất khó. Họ có nhiều lý do để chat chit. Đây cũng là chuyện tế nhị. Không biết họ nói chuyện vì công việc hay buôn chuyện. Cài team group thì nhân viên không thỏa mái làm việc”, anh Nguyễn Hùng Sơn, giám đốc công ty cổ phần xây dựng Thăng Long cho biết.
Dân công sở có nhiều phương tiện "hỗ trợ" buôn chuyện
Đi làm phải tôn trọng nguyên tắc của chỗ làm. Hiện mạng xã hội mở ra những mối liên kết rất lớn cho những người sử dụng nó. Nhưng trong giờ làm việc mà chia sẻ sự tập trung vào những việc "chat chit", buôn chuyện, “chém gió” thì hiệu quả công việc sẽ rất thấp. “Trước đây, thời gian làm việc của em luôn bị hút. Giờ em thay đổi. Làm xong việc mới để avaible và buôn chuyện mà không lo ảnh hưởng đến chất lượng cũng như tiến độ công việc”, Minh Tuấn kể.
Hiện tại, các công ty cũng quản lý nhân viên theo hiệu quả công việc. Dân công sở vẫn có rất nhiều điều kiện để buôn chuyện, đó có thể coi như đặc trưng của nghề. Nhưng nghiện buôn chuyện, nhất là buôn chuyện online sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến công việc, thu nhập và mức độ thăng tiến của bạn.