PHIM NHẠC » Bật mí điện ảnh

Đàn ông đi chợ

Thứ ba, 26/04/2011 18:00

Ngày nay, “tiêu chí” chọn chồng của phái nữ không chỉ là những “quý ông" thành đạt ngoài xã hội mà còn có khả năng chia sẻ, gánh vác phụ vợ công việc nhà.

Trai khôn tìm vợ chợ đông… dường như đã trở thành một khái niệm lỗi thời, “kim chỉ nam” ấy ngày nay không chỉ dành riêng cho phái nam mà “chợ đông” cũng là một nơi để các cô chọn lựa “nửa kia” của mình. Ngày nay, “tiêu chí” chọn chồng của phái nữ không chỉ là những “quý ông" thành đạt ngoài xã hội mà còn có khả năng chia sẻ, gánh vác phụ vợ công việc nhà. Họ mới thực sự là những “ứng cử viên sáng giá” có nhiều khả năng lọt vào mắt xanh của chị em. Thời ông bà ngoại tôi còn sống, những gì tôi còn nhớ nhiều nhất về hai người là cách ông chăm bà khi bà bị bệnh nan y phải nằm một chỗ và ăn kiêng đủ thứ. Nhà có người giúp việc và có các dì nhưng bà chỉ ăn thức ăn do ông nấu và do chính ông đi chợ mua. Không hiểu do quá thương bà hay do có khiếu… nội trợ mà ông ngoại rất giỏi đi chợ và nấu ăn. Ông thuộc lòng những món bà kiêng cữ và luôn chọn mua đúng thứ bà thích. Mọi người bảo nhờ ông chăm bà với tất cả tình yêu thương như thế nên bà mới có thể chống chọi với bệnh tật trong một thời gian dài. Ông bà mất đã lâu nhưng các thế hệ sau vẫn chưa có một “ông” nào trong nhà tôi nối gót ông ở khoản… đi chợ! Ở công ty, sếp tôi được các nhân viên vô cùng ngưỡng mộ về khoản “giỏi việc nước, đảm việc nhà” bởi đường đường là một đấng nam nhi đại trượng phu nhưng giá cả hàng hóa ở chợ anh thuộc không sót thứ gì, từ quả trứng đến bó rau, con cá bởi ở nhà anh “kiêm” luôn nhiệm vụ đi chợ để vợ rảnh tay đưa đón con. Dù không trực tiếp nấu ăn (vì đã có người giúp việc lo) nhưng anh luôn biết cách chọn rau sạch, cá tươi hay trả giá sao cho không bị hớ. Khả năng trả giá của anh “uy tín” đến nỗi nhiều chị trong phòng khi muốn mua món gì đó mà chưa biết giá, họ thường hỏi anh trước cho chắc. Mỗi lần cả phòng đi chơi, anh luôn được cử ra… trả giá khi mua đồ. Tuy nhiên, dạng đàn ông giỏi đi chợ như sếp tôi vẫn còn là “của hiếm” bởi nhiều “quý ông” hiện nay dù rất thương vợ nhưng không phải ai cũng giỏi khoản chợ búa, nên dù có nhiều nỗ lực trong việc san sẻ việc nhà với vợ, nhiều ông vẫn lâm vào tình trạng dở khóc dở cười, như... chồng tôi chẳng hạn.

 

Ảnh minh họa

Tuần rồi, tôi bị cảm lạnh sau một đêm dầm mưa khiến tay chân không nhấc lên nổi. Sau khi gọi điện vô công ty xin nghỉ phép, tôi nhờ anh đi chợ mua vài thứ về cho tôi nấu vì tôi chỉ nghỉ làm chứ không thể bắt cả nhà… nghỉ ăn chỉ vì lý do “tôi bệnh”! Sau hơn nửa tiếng đồng hồ, anh trở về với lỉnh kỉnh túi, bịch trên tay, mồ hôi ướt nhẹp trên trán trông đến tội. Anh để hết lên bàn cho tôi xử lý rồi ba chân bốn cẳng phóng xe đi cho kịp giờ làm. Sọan mớ đồ anh vừa mua, tôi vừa bực vừa… buồn cười. Bó cải bó xôi chỉ được mấy cọng xanh tươi ở ngoài, phía trong đã giập, úa hết nửa, có lẽ đó là hàng ế hôm trước sót lại. Mấy con cá chẳng biết chết từ lúc nào, bị ươn đến mức bốc mùi hôi tanh nồng nặc. Còn mấy quả xoài nhìn mướt mắt, mơn mởn nhưng gọt ra ăn chua loét. Buổi tối, tôi chọc: “Lâu lâu có mấy ông đi chợ như anh chắc mấy người bán hàng tồn, hàng ế mừng lắm!” Anh giải thích: cải bó xôi mua của một bà cụ, thấy bà già yếu mà còn phải bươn chải nên anh tội nghiệp mua dùm dù biết không ngon. Còn bịch xoài kia là của chị Nga hàng xóm, thấy chị chào mời dữ quá, nể tình hàng xóm anh mua dùm mấy ký sau khi chị cam đoan là xoài cát Hòa Lộc (?!). Sáng hôm sau, trước khi đi làm, anh thủ thỉ xin vợ ít tiền dằn túi vì số tiền hôm trước vợ đưa đã lỡ… đi chợ hết rồi. Nhìn vẻ mặt “hết tiền” của anh, nhớ tới mớ đồ ăn hôm qua anh mua về mà đồ “ăn chơi” còn nhiều hơn cả đồ ăn cho bữa chính, món nào cũng mua mắc hơn vợ (chắc vì không biết hay không chịu trả giá), vợ thấy tội nghiệp và thương chồng quá! Việc đàn ông đi chợ không chỉ là cách phụ vợ gánh vác việc nhà mà đó cũng là cách để hiểu rõ sự khó khăn của vợ trong việc tính toán, cân đối ngân quỹ gia đình, nhất là giữa thời buổi vật giá leo thang như hiện nay, việc đi chợ sao cho vừa túi tiền mà vẫn đảm bảo nhu cầu dinh dưỡng của cả nhà luôn là một bài toán nan giải. Nhiều ông cho rằng đàn ông đi chợ còn gì “phong độ” huống gì việc phải trả giá chi li từng món, họ ngại mang tiếng “đo lọ nước mắm, đếm củ dưa hành” hay tệ hơn là bị “nữ hóa”. Nhưng thực tế, trong suy nghĩ của nhiều phụ nữ, việc đàn ông đi chợ khiến họ có thấy người chồng luôn quan tâm, chia sẻ những vất vả của họ, từ đó, vợ chồng gần gũi và hiểu nhau hơn. Không ít ông chồng chỉ biết hàng tháng đưa vợ một khoản tiền rồi mặc vợ xoay sở, chi tiêu; đến khi hết tiền lại bảo “làm gì hết nhanh vậy?” mà không cần biết giá cả đang đắt đỏ. Việc đi chợ chẳng những không làm mất đi bản lĩnh đàn ông (thực ra chỉ là sĩ diện… hão) mà trái lại, còn giúp họ ghi điểm, khiến họ đáng yêu hơn trong mắt vợ bởi việc đi chợ tuy không khó nhưng chỉ những người đàn ông thật sự yêu cuộc sống gia đình mới làm được như vậy.  

PNO