PHIM NHẠC » Bật mí điện ảnh

"Đãng trọc" không dám phá nát hình ảnh Hà Tăng

Thứ ba, 10/07/2012 16:56

"Ý đồ xấu xa nhất của tôi là "phá nát" hình ảnh ngoan hiền của Tăng Thanh Hà. Thế nhưng...", Vũ Ngọc Đãng chia sẻ.

Tôi thích được quý hơn là được phục

- Một người đang phơi nắng ngoài trường quay, một người ngồi máy lạnh sửa kịch bản. Vậy là mùa phim Tết năm nay coi như Vũ Ngọc Đãng chậm chân hơn Nguyễn Quang Dũng rồi?

- Năm nay tôi không làm phim nhựa nên không phải "đua" với Dũng "khùng". Tôi đang quay lại với phim truyền hình bằng một kịch bản có tên khá "mùi mẫn": Vừa đi vừa khóc. Và đó chính là cách tôi bù đắp cho… ba mẹ tôi, khi những đồ ăn khó nhằn kiểu như Hot boy nổi loạn vừa qua. Ba mẹ tôi chỉ khoái những bộ phim truyền hình dễ coi như Bỗng dưng muốn khóc. Tôi từ chối 5 phim nhựa liền để quay về phim truyền hình cũng chính vì lẽ đó.

- Làm phim, chỉ vì ba mẹ? Dũng "khùng" chưa dạy anh cách… "chống lại" ba mẹ sao?

- Dũng "chống lại" ba là có cái lý riêng. Theo tôi, đó là một quyết định khôn ngoan, bởi khác với tôi, Dũng vào nghề khó khăn, áp lực hơn nhiều khi cái bóng người cha quá lớn. Còn tôi đi từ số 0 nên sức ép quả thực không nhiều. Trừ những lúc làm phim điện ảnh là còn ưa chứng tỏ, đến giờ, tôi chỉ muốn làm những bộ phim bình dân, cà kê dê ngỗng, chỉ cốt sao cho ba mẹ tôi, những người như ba mẹ tôi có thể xem và hiểu được, thấy thích nó và tự hào vì con mình đã làm ra nó.

- Nghĩa là, khán giả đầu tiên và trước hết, nhất thiết phải là gia đình?

- Đúng vậy! Theo tôi, coi trọng gia đình cũng chính là coi trọng bản thân. Một người con làm được cho ba mẹ vui là một người con hạnh phúc và cái hạnh phúc đó, với tôi, nó là động lực làm nghề lớn nhất.

- Vậy vừa qua anh làm “Hot boy nổi loạn” là để cho ai? Cho… Lương Mạnh Hải à?

- Cho cái bệnh… ưa chứng tỏ đôi khi vẫn còn sót lại ở mình vậy, có thể lắm chứ! Khi phim ra rạp, được khen hay, trí tuệ… không biết sao tôi lại không thấy sướng. Tôi chưa bao giờ thấy sướng, nếu như cái sự “nổi loạn” ấy của tôi không làm cho ba mẹ tôi cảm thấy "đã".

- Vậy ba mẹ anh có thích mấy bộ phim bị chê “Ngôi nhà hạnh phúc”, “Đẹp từng centimet” không?

- Tôi nghĩ ba mẹ thích nhất là Bỗng dưng muốn khóc. Còn Ngôi nhà hạnh phúc hay Đẹp từng centimet ít nhiều là thất bại của tôi. Nó được làm vào lúc tôi tự tin nhất, nhưng cũng là lúc tôi bất an nhất, vì vậy, tôi mới bị kém duyên, chưa kịp đằm và lắng. Lúc đó, nếu tôi điềm tĩnh hơn, chắc tôi sẽ thành công hơn là những gì đã trót.

Dũng khùng và Đãng trọc đối đầu nhau làm phim Tết

- Biết vậy sao khi nghe người ta chê “Đẹp từng centimet”, anh lại “xù lông”?

- Tự tin thái quá thường rất dễ dẫn đến sai lầm. Thực lòng, bước lùi đó là so với Vũ Ngọc Đãng, nếu với người khác biết đâu họ vẫn được khen. Tôi nghĩ một bộ phim vừa công chiếu và làng giải trí có thêm mấy cái tên nổi danh thì không thể nói là nó hoàn toàn thất bại được, đúng không?

- Vậy nếu để chọn giữa "Bỗng dưng muốn khóc" và "Hot boy nổi loạn" làm chiếc vương miện cho mình, anh chọn cái nào?

- Hot boy nổi loạn dễ khiến người ta phục tôi, nhưng để được họ quý lại phải là Bỗng dưng muốn khóc. Tôi nghĩ được quý thích hơn được phục là cái chắc! Ít ra là với tôi!

Nếu chỉ để kiếm tiền thì còn gì thú vị?

- "Đẹp từng centimet", anh nghĩ nó thất bại vì sao?

- Vì nó lộ mục đích kiếm tiền rõ quá, dù thực ra kiếm tiền chưa bao giờ là mục đích đầu tiên của tôi. Kịch bản viết gấp rút trong 2 tháng chỉ để kịp ăn theo Bỗng dưng muốn khóc, nhạt là phải!

- Kiếm tiền thì có gì là xấu?

- Làm nghề này, nếu chỉ để kiếm tiền thì còn gì là thú vị? Đáng kể là sau khi anh chết đi, người ta nhớ đến phim nào của anh.

- Có nghi án rằng sở dĩ "Đẹp từng centimet" thành "Nhạt từng centimet" là bởi anh đã không dám "phá hỏng hoàn toàn" cô Trúc của "Bỗng dưng muốn khóc" như lời tuyên bố trước đó?

- Khi làm Đẹp từng centimet, ý đồ "xấu xa" nhất của tôi là "phá nát" hình ảnh ngoan hiền của Tăng Thanh Hà. Thế nhưng, khổ nỗi là Hà lại muốn giữ hình ảnh ngoan hiền ấy để... lấy quảng cáo. Mà tôi lại quá tôn trọng cô ấy nên cuối cùng, mọi sự mới thành ra nửa vời.

Tăng Thanh Hà và Lương Mạnh Hải trong Đẹp từng centimet

- Có nghĩa rằng, lỗi là của Tăng Thanh Hà?

- Không, sao lại là của cô ấy? Là của tôi, 100%! Tại tôi quá chiều diễn viên của mình, và đó là một trong những sai lầm cần tránh nhất của một đạo diễn. Lẽ ra, khi đó, tôi nên đi kêu một người khác đóng, để giữ được kịch bản ban đầu như mình muốn. Còn tôi thỏa hiệp và cả nể.

Thật ra, nếu tôi đủ tài và đủ bình tĩnh đừng chạy theo phim Tết, tôi sẽ có đủ thời gian để viết ra một kịch bản Tăng Thanh Hà không cần phải cởi gì hết mà phim vẫn hay và mạnh.

- Nhiều người xem đã nghĩ Tăng Thanh Hà dám làm tất cả vì "bác Đãng", hay cao hơn là vì nghệ thuật?

- Chuyện này thực ra cũng dễ hiểu, không trách người ta được. Chẳng hạn như vai của Phương Thanh trong Hot boy nổi loạn tôi mời 10 cô thì có đến 8 người từ chối vì họ sợ ảnh hưởng tới cơ hội nhận hợp đồng quảng cáo. 

- Đó có phải là lý do khiến anh "kết" Lương Mạnh Hải, vì anh ta dám lột xác hoàn toàn như trong "Hot boy nổi loạn"?

- Thời buổi ăn xổi ở thì như lúc này mà tìm được một người trẻ dám hết mình vì nghệ thuật như Hải không dễ! Tăng Thanh Hà còn sợ, nhưng Lương Mạnh Hải đúng là không biết sợ! Không chỉ trong chuyện dám hay không dám lột xác mà còn là chuyện dám chia sẻ, dám chịu trách nhiệm đến cùng với mình, ngay cả khi thất bại.

Phục trang trong phim của tôi đẹp hơn phim của Dũng cũng là nhờ tôi có… Lương Mạnh Hải. Cũng tựa như Thanh Hằng với Dũng "khùng", mối quan hệ giữa tôi và Hải không còn đơn thuần là quan hệ giữa một đạo diễn với một diễn viên mà là cùng một ê-kíp. Và một khi đã "ngồi cùng thuyền", họ sẽ không còn làm nghệ thuật vì hình ảnh của họ nữa mà là vì đam mê nghệ thuật.

Tôi coi Lương Mạnh Hải, Phương Thanh… là những nghệ sĩ đích thực cũng bởi sự hết mình ấy ở họ. Một cơn mê mà xét cho cùng là tỉnh táo, bởi 10 năm sau nhớ lại, điều làm người ta nhớ là những vai diễn của họ, không phải là những thước phim quảng cáo họ đóng.

Đãng Trọc và Dũng khùng - Mỗi người có một cách làm phim khác nhau

- "Ngôi nhà hạnh phúc" là lỗi tại ai? Tại Lương Mạnh Hải hay… Bi (Rain)?

- Vẫn là tại tôi, tại cái bệnh tự tin chết người. Lúc xem bản gốc, không biết sao tôi cứ nghĩ mình có thể làm hay hơn. Làm xong, mới nhận ra phim của người ta hay là bởi diễn viên, không phải do ông đạo diễn quá giỏi, quá ghê gớm. Đây là phim của diễn viên, không phải của đạo diễn để mình có thể làm gì được hơn thế.

- Sau những bài học về sự tự tin, anh có chắc "Vừa đi vừa khóc" sẽ qua mặt được "Bỗng dưng muốn khóc"?

- Lúc này, thực sự, tôi chỉ muốn quên Bỗng dưng muốn khóc, không muốn người ta cứ nhìn vào đó mãi và bảo: "Trời, sự nghiệp của thằng Đãng chỉ có nhiêu đấy thôi sao?". Khi tôi làm được Hot boy nổi loạn, điều tôi mừng nhất là tôi đã có được thành công vào đúng lúc người ta nghĩ tôi "chết chắc", sau 2 cái chết bởi tự tin nói trên.

Giai đoạn này tôi nghĩ mình cần phải bình tĩnh. Vì đơn đặt hàng ngày càng nhiều, tiền cũng có thể có nhiều hơn nếu muốn, vì vậy, mình dễ đánh mất nhất chính là sự điềm tĩnh. Cả điện ảnh và truyền hình Việt Nam lúc này, tôi có cảm giác đều đang không đủ bình tĩnh. Dường như mọi người đều đang quá vội vàng, vội vàng kiếm tiền, vội vàng chứng minh. Điểm yếu nhất của điện ảnh Việt Nam lúc này, theo tôi, chính là thiếu bình tĩnh! Thế nên, khi thấy Dũng dám ngưng làm phim một năm, trong khi đơn đặt hàng rất nhiều, thực sự là tôi rất phục.

- Biết đâu Dũng ngưng phim vì quá ôm đồm các thứ khác, không phải vì dũng cảm thì sao?

- Thực ra, dù tôi hay Dũng làm gì, điều chúng tôi muốn chứng minh chỉ là "Thằng Dũng, thằng Đãng không chỉ có bấy nhiêu, còn nhiều thứ khác để mọi người hy vọng".

Chúng ta ngẫm nghĩ sâu hơn sẽ thấy là văn hóa văn nghệ ở ta có mấy ai chết vì dở, mà thường là chết vì cũ. Dù bản thân "cũ", tự thân nó đã là "dở"!

Ưu điểm của người này là nhược điểm của người kia

- Vũ Ngọc Đãng đã đọc kịch bản "Mỹ nhân kế" của Dũng chưa? Theo anh, liệu nó có làm mới được Dũng khùng không?

- Nếu đúng phim là người, thì Mỹ nhân kế chính xác vẫn là Dũng "khùng", không trộn vào đâu được! Đừng bắt tôi bảo kịch bản của Dũng là hay hay dở vì khi nó không là tạng của mình khó nhận xét lắm.

Đọc kịch bản của Dũng, trước rất nhiều sự phi lý tới mức Vũ Ngọc Đãng chỉ còn nước… há hốc, thường tôi hỏi: "Phim này sao làm được?". Ngược lại, khi Dũng đọc kịch bản của tôi, Dũng cũng lại chỉ có thể nói: "Phim này có gì đâu mà làm!". Cuối cùng, kịch bản nào cũng làm được hết, thế mới lạ!

Thanh Hằng là "dành cho" Dũng khùng

- Nghĩa là cái anh này làm được thì anh kia không làm được?

- Đúng! Hay nói cách khác, ưu điểm của người này lại chính là nhược điểm của người kia. Chẳng hạn với sự tỉnh táo đến từng milimet của mình, ưu điểm thường thấy trong phim của Dũng là Dũng kiểm soát mọi thứ rất tốt, bằng một sự tính toán rất kỹ và chính xác. Dũng hợp với Thanh Hằng, tôi nghĩ cũng là vì gặp nhau ở cái sự "tỉnh" đó. Thế nên, khi giao vai cho Tăng Thanh Hà, Dũng rất lo vì Hà diễn rất bản năng, trong khi Dũng luôn phải chính xác từng ly từng tý. Mặt khác, lý trí quá cũng lại dễ lấn át cảm xúc. Thế nên, mấy cảnh sến, Dũng làm không có ra!

Còn tôi lại thường để cảm xúc lấn át nên có vài cảnh sướt mướt, nhây nhưa quá. Phim của tôi, giả dụ có 2 thằng định đánh nhau, chỉ cần nói chuyện với nhau một hồi là coi như… khỏi đánh. Dữ dội chắc chắn là thứ tôi thua Dũng vì nó cần một thằng giỏi tính toán. Bù lại, cũng nhờ có cảm xúc mà nhiều sự phi lý trong phim của tôi đã dễ dàng được khán giả thể tất, cho qua vì vẫn thấy nó… thật. Không ngoại trừ, sự vô lý đã tạo nên "thương hiệu" của Vũ Ngọc Đãng. Tương tự, ở Dũng "khùng" là sự tỉnh táo.

- Vậy có cái nào cả anh này lẫn anh kia đều cùng làm được, nhưng một trong hai anh lại không muốn làm?

- Xem phim của Dũng, xem cái cách sắp xếp, xử lý mọi việc đâu ra đấy, người ta sẽ thấy rất rõ bàn tay của đạo diễn và phải công nhận đạo diễn giỏi. Cụ thể là nếu như trong phim Dũng, Thanh Hằng đánh võ giỏi, thì người ta chỉ thấy Dũng giỏi, chứ không phải Hằng. Còn phim của Đãng, thường thì không thấy bàn tay đạo diễn, chỉ thấy diễn viên, quay phim, người làm nhạc… 

- Anh nghĩ thay đổi nào là cần thiết lúc này với mỗi người?

- Trong phim của Dũng thường muốn kể một câu chuyện phi lý bằng cái giọng cà giỡn, xem người ta thấy vui nhưng chưa tin lắm. Coi phim Dũng, nhiều lúc người ta có cảm giác như đi coi xiếc, vui thì vui thật nhưng kể ra, nếu gặp được mình trong đó, chắc là khán giả sẽ vui hơn. Thế nên, cái cần thiết cho phim của Dũng theo tôi nên chăng là những khoảng lặng để người ta cảm thấy tin hơn, cảm được chiều sâu của câu chuyện mình muốn kể hơn.

Còn với phim của mình, tôi muốn nó phải mạnh mẽ, khốc liệt hơn. Vì thế, ở Hot boy nổi loạn, tôi mới xui mấy tay kia đánh nhau. Còn Vừa đi vừa khóc sắp tới cũng vậy, nhân vật sẽ đông và mạnh hơn nhiều - cố gắng thế!

- Theo anh, khoảng lặng Dũng cần là chuyên tâm vào việc làm phim hơn, thay vì phân thân cho quá nhiều việc?

- Tôi nghĩ nguyên do có lẽ vì Dũng chơi với rất nhiều người, giúp nhiều người (trong đó có Đãng), và nhiều người cũng giúp Dũng. Vì vậy, nhiều lúc, Dũng rất mệt mỏi vì suốt ngày phải đi "trả nợ". Nếu Dũng là tất cả mối quan hệ của Đãng trong điện ảnh, thì với Dũng, Đãng chỉ là một trong những mối quan hệ. Vì thế, có lần, Dũng bảo Đãng: "Té ra Đãng thế mà khỏe!".

- Anh có nghĩ cô đơn là điều kiện lý tưởng của sáng tạo không?

- Nếu chịu khó đối thoại với mình, sự cô đơn sẽ không tồn tại. Tin không, trong điện thoại của tôi có rất nhiều tin nhắn do tôi tự nhắn cho… tôi, chẳng hạn: "Phải thay đổi", "Cố lên Đãng ơi!", "Đây là thời điểm tạo ra sự khác biệt". Sau tin nhắn sau cùng đó, tôi làm được Hot boy nổi loạn.

- Vậy Vũ Ngọc Đãng nhắn ngay cho bạn anh - Quang Dũng một cái tin đi.

- Ôi không! Nếu tôi làm thế, ngay lập tức Dũng sẽ gọi lại và hỏi: "Mày có bị làm sao không vậy?" Hoặc cậu ấy lăn ra cười. Đã bảo, hắn là chúa lý trí!

- Vậy tin nhắn nào sẽ không gây hốt hoảng?

- "Cà phê không? Đang ở Highland. Ra đi!".

Eva