Tại châu Á, tên tuổi đạo diễn Lý An gắn liền với những bộ phim như "Hỷ yến" (1993), "Ngọa hổ tàng long" (2000) và "Sắc giới" (2007). Với khán giả Âu Mỹ, Lý An nổi tiếng nhờ hai tượng vàng Oscar cho các tác phẩm "Brokeback Mountain" (2002) và "Life of Pi" (2012). Bên cạnh đó bộ phim "Ngọa hổ tàng long" do ông đạo diễn cũng xuất sắc giành 4 giải Oscar và có doanh thu khổng lồ 130 triệu đô la Mỹ.
Đạo diễn Lý An - người từng xuất sắc giành 2 tượng vàng Oscar chê phim Thành Long và Lý Liên Kiệt là phần "bát nháo" nhất của văn hóa
Mới đây, đạo diễn Lý An đã có cuộc phỏng vấn với tạp chí The Guardian chia sẻ về cách ông tiếp cận hai thị trường điện ảnh với nền tảng văn hóa khác biệt: “Bởi sự kỳ vọng của khán giả rất cao, tôi cố gắng chiều lòng họ mà không đánh mất chính mình".
Vị đạo diễn nổi tiếng cho hay: "Ở châu Á, tôi làm phim bom tấn giải trí – như kiểu phim củaThành Long, nhưng cuối cùng tôi phải mang tác phẩm tới thị trường Âu Mỹ phát hành theo hướng phim nghệ thuật vì rào cản ngôn ngữ. Tôi cố gắng làm vừa lòng mọi người. Tôi nhìn cách người Mỹ làm phim, và cố gắng áp dụng những kinh nghiệm tích lũy được vào việc làm phim tại Trung Quốc”.
Bộ phim hiện tượng "Ngọa hổ tàng long" với sự tham gia của Châu Nhuận Phát, Dương Tử Quỳnh, Chương Tử Di...
Theo đánh giá của đạo diễn Lý An, thị trường phim ảnh Trung Quốc đang phát triển nhanh chóng trong những năm qua, và tương lai có thể vượt Hollywood. Tăng trưởng không chỉ đến từ lực lượng đông đảo nhà làm phim và khán giả, mà còn bắt nguồn từ việc văn hóa cổ truyền Trung Quốc thiếu vắng thói quen thưởng thức điện ảnh, do đó mọi thứ với khán giả vẫn còn mới mẻ.
Trong chương tình Talk Asia của CNN, Lý An từng bày tỏ ông muốn trở về Trung Quốc để làm phim: “Sau thời gian lăn lộn tại Hollywood, tôi luôn cảm thấy cần phải trở về với nguồn cội văn hóa của mình, khám phá mọi thứ lại từ đầu bằng những kỹ năng cũng như kinh nghiệm mình đã tích lũy được”.
Ông cũng cho biết với cá nhân mình thấy thực hiện một tác phẩm điện ảnh Trung Quốc khó khăn hơn so với làm phim Mỹ. “Bởi trước tiên, về mặt tâm lý, câu chuyện và chất liệu văn hóa trong phim Trung Quốc với tôi sẽ mang tính cá nhân hơn. Và vì thế, tổn thương nó có thể gây ra cũng sẽ lớn hơn”.
Lựa chọn theo đuổi con đường điện ảnh của Lý An không nhận được sự đồng tình của cha ông. Câu chuyện từng được vị đạo diễn chia sẻ trên tạp chí Interview: “Tôi được nuôi lớn trong một môi trường mà phụ nữ không có tiếng nói. Trung tâm của gia đình chính là người cha. Cha tôi là chủ gia đình, và mọi người đều phải cố làm vừa lòng ông ấy.
Sau khi thực hiện khoảng ba bộ phim về mối quan hệ giữa cha và con trai, tôi nhận ra cây phả hệ trong văn hóa truyền thống Trung Quốc được định danh bởi những người đàn ông. Thậm chí, những người phụ nữ cũng dốc sức bảo tồn cấu trúc xã hội này”.
Sau khi giành tượng vàng Oscar cho Brokeback Moutain, Lý An vẫn không nhận được lời ngợi khen từ đấng sinh thành
South China Morning Post dẫn lại nhận xét của Lý An trên The Guardian về hai gương mặt đại diện cho dòng phim võ thuật Trung Quốc trên trường quốc tế – Thành Long và Lý Liên Kiệt: “Tôi có hai con trai ở Mỹ, chúng chỉ biết về nền văn hóa của ông cha thông qua Thành Long và Lý Liên Kiệt. Những gì thể hiện trong phim của họ có lẽ là phần tồi tệ, bát nháo nhất của văn hóa Trung Quốc. Tôi phải khẳng định như vậy”.
Thành Long là tên tuổi nổi tiếng quốc tế nhưng các phim của Thành Long không được đạo diễn Lý An đánh giá cao
"Ông hoàng Kungfu" Lý Liên Kiệt với nhiều phim để đời như "Thiếu Lâm Tự", "Hoắc Nguyên Giáp", "Phương Thế Ngọc"... cũng bị chê bai
Tuy vậy, trong thực tế, các bộ phim bị đạo diễn Lý An đánh giá là "bát nháo" cũng không nằm ngoài hướng phát triển mà các nhà sản xuất phim Trung Quốc hướng đến. Tượng vàng Oscar không phải cái đích của những nhà làm phim hiện nay, họ cần đến doanh thu phòng vé cao và độ phủ sóng rộng rãi hơn.
Bàn về vấn đề này, Sky Moore, một đối tác tại Stroock & Stroock & Lavan và luật sư hàng đầu cho rằng mục đích của Trung Quốc là phát triển loạt "bom tấn" tiếng Anh để có thể chiếu rộng rãi toàn thế giới, từ đó sử dụng sức mạnh mềm vô song của điện ảnh để quảng bá văn hóa Trung Quốc. Nó cũng giúp các nhà đầu tư Trung Quốc vẫn giữ vững được thị phần khi Bắc Kinh dỡ bỏ hạn ngạch nhập khẩu đối với phim nước ngoài (giới hạn thời gian phim, số lượng phim). Tóm lại, đây là một nước đi an toàn, vừa thu hút được khán giả trong nước, vừa mở rộng ở thị trường quốc tế mà lại không phải chịu những rủi ro như khi làm phim nghệ thuật.
Thị trường phim ảnh Hoa ngữ hiện nay đang thay đổi chóng mặt, liệu những người làm phim tâm huyết như đạo diễn Lý An có thể giúp thị trường ngày càng phát triển hay sẽ phải khuất phục trước vòng xoáy của nó vẫn còn là một câu hỏi đầy thách thức cho những người làm nghệ thuật.