Từ Stamford Bridge, một nguồn tin thừa nhận quyết định bổ nhiệm sẽ được đưa ra trong vài ngày tới. Song đừng nghĩ rằng chỉ có một tương lai màu hồng chờ đón “Mourinho đệ nhị” ở Stamford Bridge. Bởi đời không chắc đã đẹp như mơ.
Lựa chọn bất đắc dĩ?
Có một thực tế ai cũng biết: Hiddink mới là người được Abramovich ưa chuộng nhất. Vậy thì tại sao Villas-Boas lại bất ngờ được chọn?
Hôm qua, tờ Daily Mail đã đưa ra lý giải đầu tiên. Số là Hiddink vì lý do tuổi tác không muốn một mình phải quán xuyến toàn bộ công tác huấn luyện Chelsea. Vì thế “Midas Hà Lan” muốn Abramovich phải tìm cho mình một cộng sự biết việc để chia sẻ gánh nặng. Sau khi không thể thuyết phục cả Marco van Basten lẫn Steve Clarke đảm nhiệm phần việc này, Chelsea chuyển hướng sang Villas-Boas. Và thật bất ngờ, chiến lược gia người Bồ Đào Nha tỏ ra rất hào hứng nhưng không phải để làm cánh tay phải của Hiddink. Điều kiện của Villas-Boas: Tôi chỉ quan tâm tới chiếc ghế HLV.
Mọi thứ vẫn còn là dấu hỏi
Vậy là Abramovich phải lựa chọn giữa Hiddink hay Villas-Boas. Và ông chủ Chelsea đi theo hướng ủng hộ công cuộc trẻ hóa toàn diện đội bóng. Còn Hiddink? HLV người Hà Lan hôm qua đã tiết lộ với người thân rằng ông sẽ ở lại Thổ Nhĩ Kỳ.
Như thế, Villas-Boas bây giờ đã trở thành lựa chọn duy nhất của Chelsea. Song tại sao lại phải đặt câu hỏi: liệu ông có phải một lựa chọn bất đắc dĩ? Đó là vì 2 vấn đề. Thứ nhất: Abramovich lo ngại tuổi tác sẽ khiến Hiddink không thể cống hiến nhiều năm cho Chelsea, trong khi ông lại muốn xây dựng một kế hoạch dài hơi ở Stamford Bridge. Và thứ hai, là một giả thiết: phải chăng Abramovich bất ngờ chọn Villas-Boas vì… Ray Wilkins, nhân vật mà Hiddink cương quyết đòi phải trở lại làm trợ lý cho ông tại Chelsea, trong khi tháng 10 năm ngoái, Abramovich đã thẳng tay sa thải Wilkins. Không chịu mất mặt với Wilkins nên Abramovich đành lỡ hẹn với Hiddink?
Những rào cản
Bổ nhiệm một HLV mới 33 tuổi về dẫn dắt Chelsea là quyết định mạo hiểm. Thế nên dễ hiểu vì sao nhiều người nghi ngờ khả năng thành công của Villas-Boas.
Hôm qua, tờ Guardian đã chỉ ngay ra một khó khăn, đe dọa “Mourinho đệ nhị”. Đó là phải giải quyết được tình trạng “quyền lực đen” nằm trong tay nhóm trụ cột như Terry, Lampard hay Ashley Cole. Họ đều có tầm ảnh hưởng lớn và rất biết cách “tâm sự” với Abramovich. Còn nhớ chính Mourinho cũng từng bị “đâm sau lưng” trong khi Scolari phải bật bãi vì không quản được quân. Thế nên trị đám “ông trời” này sẽ là thách thức cực lớn cho một HLV có tuổi đời cũng chỉ xấp xỉ Lampard.
Không chỉ đối đầu với nạn quyền lực đen, Villas-Boas còn phải thích nghi với một quyền lực chính thống hơn nhiều – Abramovich. Nếu Hiddink tới Chelsea làm GĐTT như dự định của tỷ phú người Nga, thì khả năng lớn là The Blues sẽ vận hành theo cơ chế: Villas-Boas huấn luyện, chỉ đạo thi đấu nhưng với những cầu thủ mua theo quan điểm của Abramovich – Hiddink. Đó sẽ là thực trạng gây khó chịu cho bất cứ HLV nào. Và vì thế, nó cũng sẽ là một rào cản đáng kể mà Villas-Boas không thể không tính tới.
5 lý do Chelsea chọn Villas-Boas
Tờ Guardian đã đưa ra 5 lý do giải thích tại sao Chelsea lại muốn Andre Villas-Boas trở thành HLV của họ.
1. Bậc thầy chiến thuật: Villas-Boas không phải là mẫu HLV thích sự thay đổi trong chiến thuật. Ông là người biết phát huy tính kế thừa và thêm vào đó chút “gia vị” biến nó trở nên nguy hiểm hơn.
2. Nhà quản lý đại tài: Ông là người biết cách tạo động lực và truyền niềm tin vào các cầu thủ. Villas-Boas luôn tiếp thu ý kiến của tất cả thành viên CLB thay vì tư tưởng áp đặt thường thấy.
3. Tận dụng nội lực của đội nhà: Porto có mạng lưới tuyển trạch viên trải rộng từ châu Âu đến Nam Mỹ, nhưng rốt cục các tuyển trạch viên này lại rơi vào cảnh thất nghiệp kể từ khi Villas-Boas lên nắm quyền. Những cầu thủ tưởng chừng đã hết thời như Joao Moutinho, Beto, Fernando Belluschi… lại được hồi sinh dưới bàn tay của Villas-Boas.
4. Thâm thúy: Villas-Boas không “đanh đá” như Jose Mourinho nhưng ông cũng sẵn sàng xù lông nhím nếu có kẻ chủ động gây hấn. Điển hình là vụ Villas-Boas bị HLV Jorge Jesus (Benfica) chê là thiếu kinh nghiệm trên băng ghế huấn luyện. Villas-Boas vẫn im lặng trước khi quyết định phản pháo sau màn đấu tay đôi giữa Jorge Jesus và cầu thủ đối phương 2 tháng sau đó. “Một HLV già đời với hành vi còn tồi hơn thằng ranh mới vào nghề”, Villas-Boas châm chọc.
5. Truyền thông: Villas-Boas luôn giữ được vẻ tự tin trước giới truyền thông và khác với Mourinho, ông này rất ít khi sa đà vào những cuộc cãi vã với báo chí. Mối quan hệ hữu hảo của Villas-Boas và cánh phóng viên sẽ giúp Chelsea tránh được nỗi lo về những hình phạt vì tội “vạ miệng” như thời Mourinho.