Tiqui-taca giờ đây đã không còn là một khái niệm xa lạ đối với những người hâm mộ giới túc cầu. Nhắc đến tiqui-taca là chúng ta lại nghĩ đến một lối chơi thêu hoa, dệt gấm gắn liền với tên tuổi của “đội bóng xuất sắc nhất lịch sử” Barcelona.
Johan Cruyff được ví như là cha đẻ của tiqui-taca.
Tiqui-taca (hay còn gọi là tiki-taka) có nghĩa là “chuyền-chạy” theo tiếng Latin. Nhiều người cho rằng tiqui-taca được phát triển từ lối đá tấn công tổng lực của người Hà Lan và Johan Cruyff được ví như người cha đẻ. Tuy nhiên Sergio Batista, người vừa bị LĐBĐ Argentina sa thải, từng lên tiếng khẳng định tiqui-taca là sản phẩm của những vũ công Tango. Dù sao thì việc ai là “ông tổ” của tiqui-taca không quan trọng, mà tất cả chúng ta đều thừa nhận rằng tiqui-taca là lối đá toàn diện bậc nhất và hội tụ đầy đủ những tinh hoa bóng đá nhân loại.
Lợi thế của Tiqui-taca
Nhìn vào lối đá của Barcelona, chúng ta có thể dễ dàng nhận ra cách thức vận hành của tiqui-taca. Lối đá này đòi hỏi một nhạc trưởng ở trung tâm hàng tiền vệ theo kiểu Xavi Hernandez để phân phối bóng đi khắp mặt sân. Họ không bao giờ thực hiện những đường chuyền từ cánh này sang cánh kia giống như lối đá của Manchester United mà bóng được luân chuyển qua chân những cẩu thủ một cách gọn gàng và hợp lý. Trên sân, mọi cầu thủ luôn cố gắng di chuyển linh hoạt và thông minh để tạo điều kiện cho đồng đội dễ dàng quan sát và đưa bóng đến.
Mọi cầu thủ dù là những trung vệ đều phải có khả năng giữ bóng, cầm bóng và chuyền bóng tốt, tâm lý thật sự vững vàng trước sức ép từ đối phương. Thậm chí khi đối phương đá quá rát, các hậu vệ sẵn sàng đưa bóng về cho thủ môn và bóng sẽ được chuyển sang hướng tấn công khác nhằm kéo dãn đội hình đối thủ. Trong phần lớn thời gian của trận đấu các cầu thủ của Barca có thể chỉ "tiqui" - "chuyền" qua lại cho nhau như vậy, nhưng chỉ cần một giây phút sơ hở từ đội bạn mà họ có thể tung ra những đường chuyền quyết định. Dĩ nhiên trong đội hình của họ cũng phải sở hữu những nhân tố sẵn sàng gây đột biến.
Với thời lượng kiểm soát bóng và số lượng những đường chuyền vượt trội, một đội bóng chơi tiqui-taca sẽ không mất quá nhiều sức lực và sẵn sàng bùng nổ mỗi khi cần thiết. Vì thế đó thực sự là một giải pháp cần được quan tâm cho đội tuyển quốc gia Việt Nam.
Mức độ phổ biến của Tiqui-taca
Chúng ta nói Barca đá tiqui-taca chứ không phải là tiqui-taca là lối chơi chỉ có ở Barca. Đội bóng xứ Catalunya đã gây dựng một tiqui-taca gần như hoàn hảo và nó đang ngày càng phổ biến trên toàn thế giới. Tất cả các đội trẻ của Barcelona hiện giờ đều phải học đá và vận hành chiến thuật theo kiểu tiqui-taca để nối bước cha anh. Vì thế tiqui-taca không phải là khái niệm gì đó quá cao siêu và không thể với tới.
Barca thành công là chủ yếu nhờ vào tiqui-taca.
Nhưng tiqui-taca không chỉ có ở xứ Catalunya. Ngay ở giải U17 thế giới tổ chức tại Mexico vừa qua, một đội bóng không được đánh giá cao như Nhật Bản cũng có thể lọt vào tới vòng tứ kết. Đó là bởi đội bóng trẻ đến từ xứ sở hoa anh đào đã vận dụng rất tốt tiqui-taca. Khi đối đầu với U17 Pháp, các cầu thủ trẻ của Nhật Bản không hề run sợ, thậm chí là ngược lại, những chú "gà trống choai" tỏ ra bất lực trước lối đá của đối thủ. vậy là chỉ trong vài tháng tập trung chuẩn bị cho U17 World Cup, Nhật Bản đã có thể vận hành rất tốt tiqui-taca và làm chủ mọi trận đấu mà họ tham gia.
Cũng chẳng nói đâu xa, ngay ở V-League cũng xuất hiện tiqui-taca nếu xét ở một góc độ nào đó. Đó chính là lối đá xuất hiện ở Hà Nội T&T, nhà đương kim vô địch. Nhìn cách T&T thi đấu, có thể nhận thấy sự cơ động của hàng tiền vệ nhỏ con như Sỹ Cường, Duy Nam, Ngọc Duy, Benicio, Văn Quyết và cả Công Vinh. Đó đều là những cầu thủ có kĩ thuật, cầm bóng tốt. Nhưng quan trọng hơn, HLV Phan Thanh Hùng đang cố gắng xây dựng cho đội bóng Thủ đô một lối chơi linh hoạt, bao quát và yêu cầu các cầu thủ phải tích cực luân chuyển bóng khắp mặt sân. Thành công đã đến với họ ở mùa giải năm ngoái và Hà Nội T&T cũng đang chơi rất tuyệt vời ở V-League 2011. Chắc chắn rằng ở những mùa giải tiếp theo, đây là sẽ một đội bóng rất khó đánh bại. Đúng vậy, đó chính là Tiqui-taca.
Việt Nam có khả năng chơi Tiqui-taca?
Hoàn toàn có thể. Thậm chí đó sẽ là lối chơi hợp lý nhất và duy nhất để đội tuyển của chúng ta vươn tới những thành công. Từ thời HLV Calisto cho đến Goetz, đội tuyển đang vận hành lối đá bật tường nhỏ và ngắn từ hai bên cánh, kết hợp với những đường chọc khe. Có thể nói chúng ta chơi tiqui-taca trong một không gian hẹp. Cần phải phát triển tiqui-taca lên khắp mặt sân để dễ dàng làm chủ cuộc chơi.
Tất nhiên để xây dựng một tiqui-taca thì một đội bóng phải có những cá nhân hội tụ những cầu thủ cầm bóng và chuyền bóng tốt. Ở đội tuyển hiện nay không thiếu những cầu thủ như thế. Có thể kể đến Tài Em hay những cầu thủ trẻ hơn như Văn Quyết, Ngọc Duy, Thành Lương và Công Vinh. Trên sân cỏ V-League cũng không thiếu những cầu thủ trẻ hội tụ những phẩm chất như vậy. Đó là Hoàng Thiên (HAGL), Quang Tình (SLNA), Văn Thắng (Thanh Hóa), Được Em (Navibank Sài Gòn) và một cầu thủ dù không còn trẻ nhưng sở hữu những đường chuyền tuyệt vời, đó là Phan Như Thuật (SLNA).
Việt Nam có khả năng chơi được Tiqui-taca?
Còn về những cá nhân có thể gây đột biến thì đó là Công Vinh, Văn Quyết, Trọng Hoàng và Đình Tùng, những cầu thủ còn khá trẻ và còn nhiều cơ hội tiến bộ hơn. Tất cả những cầu thủ kể trên hoàn toàn có thể giúp đội tuyển Việt Nam xây dựng một tiqui-taca hoàn hảo của riêng chúng ta. Tiqui-taca không những khắc phục nhược điểm về vấn đề thể lực mà còn biến hạn chế về chiều cao thành một lợi thế. Đó là bởi những cầu thủ nhỏ con luôn nhanh nhẹn hơn và dễ dàng xoay sở trong không gian hẹp.
Việt Nam là đội tuyển không có được thể hình lý tưởng, thậm chí còn nằm trong top những đội bóng có chiều cao thấp nhất, nhưng trong đó có cả Tây Ban Nha, nhà đương kim vô địch World Cup. Có vẻ như khá khập khiễng khi nói như vậy nhưng hãy nhìn vào những cầu thủ trẻ của Nhật Bản ở trên, chúng ta hoàn toàn có thể tự tin rằng Việt Nam hoàn toàn có thể đá tiqui-taca một cách nhuần nhuyễn và trở thành một bậc thầy trong tương lai không xa.