PHIM NHẠC » Bật mí điện ảnh

Dung hòa "quan hệ tay ba"

Thứ bảy, 23/04/2011 10:44

Bên cạnh việc thường kêu ca về các bà vợ lắm mồm, mê shopping, các ông chồng còn có một đề tài thường trực là ca thán về mẹ vợ.

Trong mâm nhậu hay trên các diễn đàn về hôn nhân, bên cạnh việc thường xuyên kêu ca về các bà vợ lắm mồm, mê shopping, hay vòi tiền…, các ông chồng còn có một đề tài thường trực là ca thán về mẹ vợ. Nhất là những chàng ở rể hay có mẹ vợ sống cùng thì có đến 1001 chuyện “khó ở, khó nói”. Nhưng, vì điều kiện kinh tế hoặc gia đình đơn chiếc mà các chàng phải “sống chung với lũ”, và tình thế này được chính người trong cuộc ví von như cá mắc cạn.

Đó là câu cửa miệng của anh Hưng Nguyên ở Q.Phú Nhuận (TP.HCM) nhưng “vì con mà tôi cố gắng chịu cảnh “chó chui gầm chạn”, chứ nhục và hèn lắm” - anh nói.   Anh Nguyên là tài xế cho giám đốc một công ty thực phẩm, kết hôn với chị Ngọc Hạnh - thủ quỹ của công ty. Cưới xong, anh chuyển về sống ở nhà vợ, vì chị là con gái một.   Ngay những ngày đầu sống chung, anh đã cảm thấy không thoải mái bởi cha mẹ vợ luôn nhìn anh với ánh mắt dò xét, chẳng mấy thiện cảm vì ông bà vốn phản đối cuộc hôn nhân này. Thêm vào đó, thói quen sinh hoạt của anh buộc phải thay đổi cho phù hợp với khuôn phép, nền nếp nhà vợ.   Anh không được hút thuốc ở nhà, vì mẹ vợ “kị” mùi khói thuốc và “cũng để đảm bảo sức khỏe cho thế hệ mai sau khi vợ anh mang bầu, sinh em bé”; không được về nhà muộn quá 21g; ngày nghỉ, cuối tuần phải ở nhà…     Càng sống chung, sự khó chịu, bất tiện của anh càng tăng. Những lúc nhà có khách, mẹ vợ anh thường oang oang: “Trên đời này có mấy ai sướng như con rể tôi. Cưới vợ xong chẳng phải lo nhà cửa, cơm áo gạo tiền, đúng là chuột sa hũ nếp”.   Hay khi người thân của anh ghé thăm thì mẹ vợ anh thở dài: “Người ta lấy chồng được hưởng phúc chồng, còn con gái tôi kiếp trước tội tình gì mà phải gánh cả nhà chồng”.   Mẹ vợ còn can thiệp vào tất tần tật chuyện của vợ chồng anh. Anh chị tính có con ngay, thì mẹ chị bảo “có con sớm chi cực khổ, chừng nào chồng mày làm có nhiều tiền, không để vợ phải nai lưng làm mới sinh con”.   Tự ái, tủi thân, anh Nguyên chuyển ra ngoài sống nhưng chỉ được vài tháng, chị Hạnh có thai, cần người chăm sóc, thế là anh lại phải theo vợ về. Lần này, nhà vợ anh càng quá quắt hơn. Anh tâm sự: “Dù tôi luôn có ý thức chăm sóc vợ, con; đi làm về là thay tã, tắm rửa cho con, nấu ăn…; tối thì thức canh con mà mẹ vợ tôi vẫn không hài lòng. Bà luôn tìm cách châm chích tôi.   Hôm nào tôi về trễ, không kịp mua sữa cho con như vợ dặn thì bà nói: "Chồng mày vô trách nhiệm, chả thèm ngó ngàng đến vợ con. Làm cha mà không mua nổi cho con hộp sữa - bỏ đi!”. Thế mà khi tôi mua nhiều quần áo, đồ chơi đắt tiền cho con, lại bị nói kháy: “Nó làm như là đại gia, nó có làm ra tiền đâu mà biết xót”.   Tôi cảm thấy cuộc sống rất ngột ngạt, muốn ra ngoài sống nhưng vợ tôi không chịu, sợ mang tiếng bất hiếu với cha mẹ, lại không quen chịu cực khổ, ở nhà thuê chật chội và bảo tội con. Còn đi một mình thì tôi không nỡ vì rất thương con. Tôi bế tắc quá!”.   "Thiên đường" nhà mình   Không chỉ những người điều kiện kinh tế khó khăn, đi ở rể mới đụng độ với mẹ vợ, mà ngay cả các anh sống ở nhà do mình tạo dựng cũng lâm vào tình trạng tương tự khi nhạc mẫu đến sống cùng. Mà tình trạng này hiện nay khá nhiều, vì vợ chồng đơn chiếc, khó tìm người giúp việc tin cậy nên khi sinh nở, nhờ mẹ đến ở trông cháu hộ là giải pháp được nhiều chị lựa chọn. Nhiều gia đình đã dở khóc, dở cười vì chuyện này.   Anh Tấn Thành - bác sĩ của bệnh viện T.A. có cuộc sống gia đình khá đầm ấm, thoải mái. Mỗi chiều sau khi tan sở, vợ anh có thể đi spa thư giãn, còn anh đi chơi tennis, lai rai với bạn bè. Từ khi có em bé, chị Hiền - vợ anh, rước mẹ chị ở quê vô, anh chưa kịp tận hưởng hết niềm vui làm bố đã nếm “quả” mẹ vợ. Anh đi chơi thể thao, mẹ vợ gọi điện nhắc: “Con đi suốt thế này, vợ con buồn lắm đó”.   Hôm nào anh về nhà trong người có hơi men thì mẹ vợ mặt hầm hầm: “Con đã có vợ con rồi, phải sống có trách nhiệm chứ đi nhậu thế này dễ hư người mà hại cho sức khỏe nữa”... Bản tính hiền lành, lại nghĩ mẹ vợ muốn tốt cho gia đình nên anh Thành chỉ vâng dạ, hứa rút kinh nghiệm mỗi khi bị “nắn gân”.   Nhưng, sự bất đồng giữa anh và mẹ vợ ngày càng trầm trọng. Anh chăm con theo khoa học, sách vở; còn mẹ vợ vẫn theo kinh nghiệm dân gian. Bà bắt vợ, con anh nằm than đến tròn một tháng, dù anh nói than có thể gây ngạt, bỏng, nhưng bà bảo đã nuôi bảy đứa con, đứa nào cũng mạnh khỏe, xinh đẹp, thông minh.   Anh khổ tâm nhất là chuyện mẹ vợ mê tín dị đoan: bà bắt cháu ngoại đeo bùa để trừ tà ma, dù sợi dây đã ngả màu vẫn không được cởi ra. Khi cháu bé lỡ bị té hay va đầu vô tường thì bà lấy chiếc dép… gõ vào đầu bé ba cái để bé tối ngủ không giật mình. Anh Thành góp ý thì bị mẹ vợ la “trứng đòi khôn hơn vịt”. Anh bảo vợ nói, nhưng chị Hiền sợ mẹ buồn, giận nên cũng làm thinh. Sống trong tình trạng luôn bị ức chế, anh Thành đâm ra chán về nhà, chỉ muốn la cà ngoài đường để xả stress. Có lần, anh đi karaoke với bạn, thấy điện thoại vợ gọi nên anh bắt máy và nghe tiếng hỏi “Thành hả”. Trong âm thanh ồn ào, anh nghĩ vợ gọi nên ừ thì giật mình vì tiếng mẹ vợ gầm: “Mẹ mày hỏi mà mày dám “ừ” à? Tao ở nhà làm mọi cho mày, còn mày đi ca hát đú đởn. Như vậy có xứng đáng làm chồng, làm cha không?”. Ngay sau đó, nhạc mẫu gọi điện cho mẹ anh ở quê mắng vốn. Mẹ anh chẳng hiểu ất giáp gì, cũng gọi điện mắng con trai một trận.

Dung hòa "quan hệ tay ba"   Vì sao sự căng thẳng, va chạm lại xảy ra thường xuyên khi mẹ vợ - chàng rể chung một mái nhà? Vì những anh ở rể hay mang mặc cảm tự ti, rồi bản chất đàn ông với những tật cố hữu như ham vui: về nhà trễ, nhậu nhẹt; vụng về, không biết dỗ con, chăm sóc con; luộm thuộm… đã làm cho nhà vợ/mẹ vợ “nóng trong người”.   Trong khi đó, nhà vợ lại có tâm lý ban ơn và bề trên nên hay nói và áp đặt làm chàng rể tự ái, khó chịu. Tuy nhiên, mâu thuẫn này không chỉ xuất phát từ mối quan hệ “song phương” mẹ vợ - con rể, mà tác nhân chính là người vợ - con gái. Về mặt khách quan, cha mẹ xót con khi thấy con gái vừa lo việc nước, vừa phải đảm việc nhà. Còn con rể hay la cà, về nhà nằm đọc báo, xem tivi trong lúc mẹ vợ và vợ đang hì hục trong bếp nên sinh ra bực bội.   Về chủ quan: vì con gái ở nhà cha mẹ ruột nên nghĩ có đồng minh là người thân kề bên, hễ giận chồng là các chị khó kiềm chế, thường “tố cáo” tội hay to tiếng, lấn lướt chồng. Thế là chồng cũng nổi nóng, gây gổ nên trong mắt cha mẹ, chồng chỉ toàn điểm xấu. Ngược lại, chồng cũng chẳng ưa nhà vợ khi “hùa” vào đả kích mình.   Vì vậy, để hóa giải mâu thuẫn này là phải dung hòa quan hệ tay ba: nhà vợ/mẹ vợ - con gái - con rể, trong đó vai trò của người vợ là quan trọng nhất. Vì vợ là cầu nối, giữ thăng bằng và điều tiết mối quan hệ giữa chồng và gia đình mình sao cho tốt đẹp.   Chị Thu Thủy - nhân viên kiểm toán chia sẻ kinh nghiệm: “Bố mẹ tôi và chồng từng chiến tranh nóng - lạnh triền miên và suýt chút nữa chúng tôi đã ra tòa. Bố mẹ tôi nghĩ con rể là người vô trách nhiệm nên ghét tới mức tốt cũng thành xấu, xấu thì càng xấu hơn. Trong khi xét toàn diện thì chồng tôi là người tốt, rất yêu thương vợ con. Tôi một mặt nói tốt về chồng và tạo điều kiện để anh thể hiện điều đó với nhà vợ: đi làm về là chăm sóc con, phụ vợ việc nhà…   Mặt khác, tôi động viên chồng, đừng buồn cha mẹ chỉ vì họ quá thương con cháu và muốn tốt cho vợ chồng. Tôi miệt mài làm “sứ giả hòa bình” trong một thời gian dài, giúp cha mẹ tôi và chồng dần xích lại gần nhau, không còn lộ ra sự hằn học, nói xấu, mà đã hiểu, thông cảm nhau hơn”.   Anh Thanh Phong - công tác tại một công ty dầu khí, trở thành “con trai” của nhà vợ sau khi cố gắng vượt qua được “ải” mẹ vợ: “Chúng tôi có nhà riêng trước khi cưới, nhưng khi vợ tôi mang thai thì chuyển về sống cùng nhà vợ để tiện việc chăm sóc.   Thú thực lúc đầu, tôi rất khó chịu khi mọi thói quen phải thay đổi để thích nghi với nếp sống mới và tôi có cảm giác như mình làm gì cũng bị nhà vợ soi, can thiệp vào cuộc sống riêng. Nhưng tôi dần làm quen khi nghĩ đó là nhà vợ quan tâm đến con rể, vì vậy cuộc sống cũng thoải mái. Hơn nữa, tuy chúng tôi sống cùng nhà vợ, nhưng không lệ thuộc về kinh tế, mà đóng góp tiền bạc trong sinh hoạt hàng ngày (đã được trao đổi rõ từ khi mới về ở) nên mọi chuyện tốt đẹp. Giờ đây, tôi thực sự hạnh phúc khi nhận được sự quan tâm và chia sẻ của cha mẹ vợ.   Thế đấy, sống với nhau bằng sự cảm thông, chia sẻ thì mâu thuẫn sẽ qua đi và tình thương sẽ xuất hiện.

PNO