PHIM NHẠC » Bật mí điện ảnh

Gerd Muller - Vua dội bom

Thứ sáu, 29/07/2011 15:08

Mỗi khi nhắc đến Gerd Muller, những người hâm mộ bóng đá thế giới hẳn không thể không nhớ đến những gì mà ông đã làm được.

Đó là những bàn thắng. Những bàn thắng có ý nghĩa vô cùng quan trọng, nhưng điều đặc biệt làm cho ông khác biệt với những "tay săn bàn" khác, đó là số lượng những bàn thắng mà ông ghi được và hiệu suất cực cao. Chính vì lẽ đó, người ta gọi ông là: Der Bomber(Vua dội bom).

Sinh ngày 3/11/1945 tại Nordlingen, Đức, Gerd Muller đã chứng tỏ được tài năng xuất chúng trong khả năng săn bàn của mình bằng 365 bàn thắng trong 427 lần ra sân ở Bundesliga, cộng thêm 62 bàn trong 68 lần ra quân trong màu áo ĐTQG. Một hiệu suất khủng khiếp! Sau này khi tâm sự về bảng thành tích của mình, cũng như những bàn thắng để đời, Muller đã cho biết: "Bàn thắng quan trọng nhất trong sự nghiệp thi đấu của tôi, đó là bàn nâng tỷ số lên 2-1 cho Tây Đức trong trận chung kết World Cup năm 1974 diễn ra ở quê nhà. Đó là bàn thắng quyết định chiến thắng cho đội bóng chủ nhà trước những vị khách đến từ Hà Lan.

Hiếm có ai có được “cái duyên” nghi bàn như Gerd Muller

Chân sút hàng đầu của Bayern Munich

Không chỉ là chân sút hàng đầu trong ĐTQG lúc đó, Muller còn là "sát thủ" trong màu áo CLB Bayern Munich. Chính "Hoàng đế" Beckenbauer đã thừa nhận rằng: "Tất cả những gì Bayern Munich giành được, đều nhờ những bàn thắng của Gerd Muller." Khi còn là một thanh niên, Gerd Muller khá thấp so với những cầu thủ cùng lứa. Chính vì thế, khi anh chuyển đến chơi cho Bayern Munich vào năm 1964, HLV Zlatko Cajkovski đã nói: "Liệu tôi có thể nhận được gì từ một cầu thủ vẫn còn đang... tăng chiều cao?" Tuy nhiên, vị HLV này có lẽ đã rất ân hận với những gì mình đã nói, vì ông không ngờ rằng mình lại được sở hữu trong tay một thiên tài như vậy.

Muller đã bắt đầu mê mẩn với trái bóng từ năm ông mới là cậu nhóc 9 tuổi. Cho đến năm ông 16 tuổi, những người yêu bóng đá trong vùng đã biết đến tài năng của ông trong màu áo của trường cũng như trong đội hình đội trẻ TSV Nordlingen. Trong mùa giải 1962/1963, Muller đã lập nên một kỷ lục không thể tin nổi, đó là ghi đến 180 bàn thắng cho CLB. Ông cho biết, ông có được một thể lực dồi dào để ghi nhiều bàn thắng như vậy là nhờ thường xuyên được ăn món Sa-lát khoai tây của mẹ.

Dưới trướng của HLV Zlatko Cajkovski, Muller không được trọng dụng và phải ngồi ngoài trong 10 trận đấu liên tục. Chỉ sau khi có sự tác động của chủ tịch CLB khi đó là Wilhelm Neudecker, Muller mới được ra sân thi đấu. Và ngay trong trận đấu đầu tiên của mình, Muller đã lập một cú đúp vào lưới FC Freiburg, mở ra một sự nghiệp huy hoàng sau này. Từ đó trở đi, HLV trưởng của Bayern Munich đã bắt đầu tin dùng tiền đạo tài năng này nhiều hơn, ông thường trêu đùa và gọi Muller bằng cái tên: "Muller béo lùn".

Vào năm 1965, Muller, Sepp Maier và Franz Beckenbauer đã đưa Bayern Munich trở thành một "thế lực" ở Bundesliga. Kết thúc mùa giải ở vị trí thứ 3 và mang về chiếc cúp quốc gia Đức. Ở những mùa giải 1967, 1969 và 1971 họ tiếp tục đem về 3 chiếc cúp quốc gia. Cùng với "bộ ba siêu đẳng", Bayern Munich đã có được chiếc cúp vô địch nước Đức vào năm 1969, trước khi lập một cú hat-trick vô địch quốc gia trong 3 mùa giải liên tiếp vào các năm 1972, 1973 và 1974. Cũng vào giai đoạn đó, đội bóng có biệt danh "Hùm xám" đã có được chức vô địch cúp C2 vào năm 1967. Chưa dừng lại ở đó, Gerd Muller và các đồng đội còn đem về 3 chức vô địch C1 vào các năm từ 1974 đến 1976, góp phần rất lớn vào bộ sưu tập đồ sộ của đội bóng xứ Bavaria.

Bàn thắng quan trọng nhất trong sự nghiệp của ông

Người góp công lớn nhất không phải ai khác, ngoài Gerd Muller. Ông là cầu thủ ghi nhiều bàn thắng nhất cho CLB từ mùa giải 1964/65 đến 1977/78, đồng thời là "vua phá lưới" của Bundesliga không dưới 7 mùa giải mà ông thi đấu. Dấu mốc lớn nhất là 40 bàn thắng vào lưới đối phương của Gerd Muller ở mùa giải 1971/72. Cho đến nay đó vẫn là một kỷ lục mà chưa một cầu thủ nào phá được.

Nối bật trong màu áo ĐT Tây Đức

Lần đầu tiên Muller được vinh dự khoác lên mình chiếc áo của ĐTQG Tây Đức là vào năm 1966, trong trận thắng 2-0 trước Thổ Nhĩ Kỳ trên sân khách. 4 năm sau đó, thế giới bóng đá biết đến một Muller có khả năng ghi bàn "siêu việt", sau khi ông sở hữu 10 lần chọc thủng lưới đối phương ở World Cup năm 1970 được tổ chức tại Mexico. Mặc dù năm đó, ĐT Tây Đức chỉ về đích ở vị trí thứ 3, nhưng họ đã cho cả thế giới thấy một đội bóng có khả năng đánh bại mọi đối thủ khác. Chính Muller đã từng nói: "Đối với tôi giải đấu năm 1970 còn quan trọng hơn cả kỳ World Cup 4 năm sau đó tại quê nhà. Chúng tôi đã thể hiện được sức mạnh rất lớn của mình. Mặc dù nhiều người cho rằng ĐT Đức của chức vô địch châu Âu năm 1972 mới là mạnh nhất, nhưng tôi lại nghĩ rằng đội bóng mà tôi được tham gia năm 1970 mới là vô địch."

Muller và các đồng đội trong ĐTQG đã lên ngôi ở đấu trường châu Âu, sau khi vượt qua ĐT Liên Xô ở trận chung kết. Sau đó, ông đã trở thành người hùng của nước Đức bằng màn trình diễn tuyệt vời ở kỳ World Cup diễn ra trên sân nhà, đặc biệt là bàn thắng cực đẹp trong trận chung kết với ĐT Hà Lan. "Rainer Bonhof là người chuyền bóng vào khu cấm địa, tôi chạy trước cùng với hai cầu thủ hậu vệ của Hà Lan. Bóng bật vào chân trái của tôi và nảy lại đằng sau. Tôi chỉ kịp xoay người lại và sút bằng chân phải, sau đó thấy bóng nằm gọn trong lưới." Gerd Muller hồi tưởng lại.

Sau thành công rực rỡ cùng ĐT năm đó, ông tuyên bố từ giã sự nghiệp thi đấu quốc tế khi mới 28 tuổi. Khi đó, mặc dù vợ của các cầu thủ Đức chỉ được ngồi theo dõi trận đấu trên khán đài, và kể cả sau khi ĐT Đức vô địch họ cũng không được xuống sân để tham gia ăn mừng cùng họ, kể cả khi Gerd Muller tuyên bố giã từ sự nghiệp sau khi trận đấu kết thúc, nhưng "Vua dội bom" vẫn rất hạnh phúc với buổi lễ chia tay rất giản dị nhưng vô cùng ý nghĩa của mình. "Tôi đã nói chuyện với HLV Schon cách trận chung kết 3 ngày về việc sẽ chia tay sự nghiệp thi đấu quốc tế trong màu áo ĐTQG. Ông ấy đã nói rằng tôi nên ở lại sau trận chung kết để tuyên bố điều đó với khán giả. Và tôi đã làm như vậy. Chỉ đơn giản như vậy thôi, không cần phô trương đình đám gì cả." Vào năm 1979, giống như Pele, Gerd Muller chia tay đội bóng quê nhà để thi đấu ở Mỹ, mảnh đất không mấy phát triển môn thể thao vua, nhưng bù lại, có thể kiếm được rất nhiều tiền. Tuy nhiên, cũng một phần vì HLV trưởng sau này của Bayern Munich đã không trọng dụng ông như thời HLV trước. Muller thường xuyên phải ngồi trên băng ghế dự bị của đội bóng. Cuối cùng ông đã chấp nhận để ban lãnh đạo đội bóng bán sang cho Fort Lauderdale Strikers, một đội bóng chuyên nghiệp của giải bóng đá Bắc Mỹ (NASL). Đó là ngày 6/3/1979. Từ đó cuộc đời và sự nghiệp của ông ngày càng đi xuống. Sự khác biệt về văn hóa và cách sống của hai đất nước đã tác động rất nhiều đến Muller. Những bữa tiệc triền miên sau mỗi trận đấu đã hủy hoại con người ông. Đến một lúc, ông không còn có thể nhớ là mình thường xuyên ngồi bao lâu trước màn hình TV và uống rượu nữa. "Tôi đã tự hủy hoại cuộc sống của chính mình." Gerd Muller thừa nhận.

Với những gì đã cống hiến cho bóng đá thế giới, “vua dội bom” xứng đáng được tôn vinh

Sau đó, rất may là một người bạn ở Bayern Munich đã cứu Muller thoát khỏi cảnh sống tha hóa đó, bằng cách đưa ông về với CLB cũ trên cương vị là người giám sát và tuyển chọn những tài năng trẻ, cũng như huấn luyện kỹ năng cho các tiền đạo cũng như thủ môn của đội bóng. Vào năm 1992 ông được bổ nhiệm thành HLV trưởng đội trẻ Bayern Munich, tiếp đó là HLV trưởng của đội nghiệp dư Bayern thi đấu trong giải đấu của vùng Bavaria mùa giải 1995/96. Giờ đây ông đã hoàn toàn làm chủ được cuộc sống của mình bằng những hoạt động lành mạnh và đầy ý nghĩa. "Không có gì tốt hơn khi được sống và làm việc ở Bayern." Muller phát biểu một cách đầy tự hào. Người có công lớn trong việc "làm lại cuộc đời" của "Vua dội bom" một thời chính là HLV trưởng của Bayern Munich khi đó, Uli Hoeness.

Vào ngày kỷ niệm 40 năm chơi ở đấu trường Bundesliga của Bayern Munich (tháng 8 năm 2003), Muller đã được tôn vinh với những thành tựu của mình trong lịch sử. Có hơn 1000 khách mời danh dự đã đên chúc mừng và vinh danh ông - một người có đóng góp lớn lao vào nền bóng đá Đức nói chung và Bayern Munich nói riêng. Còn đối với nền bóng đá thế giới, chúng ta đã có được một thiên tài, một tiền đạo xuất chúng. Với 14 bàn thắng sau hai kỳ World Cup, ông đã là cầu thủ ghi bàn vĩ đại nhất ở các kỳ World Cup của thế kỷ trước. Thậm chí, kỷ lục đó của ông chỉ bị phá bởi một thiên tài khác vào năm 2006. Đó là Ronaldo của Brazil. Cầu thủ này đã có 15 bàn thắng tất cho ĐTQG, nhưng anh đã phải mất đến 4 kỳ World Cup mới có thể vượt qua được bậc tiền bối người Đức. Như vậy là dù cho Ronaldo đã vượt qua được kỷ lục về số bàn thắng ghi được, nhưng có thể nói cho đến thời điểm này, chưa ai vượt qua được hiệu suất ghi bàn của Gerd Muller.

Bongda24h