Gần đây người ta hay nói tới bóng đá Thanh Hóa với sự hồi sinh ngạc nhiên. Nguyên nhân giúp cho bóng đá Thanh Hóa (hơi) khởi sắc bên cạnh bàn tay của huấn luyện viên Lê Thụy Hải, đội bóng không còn dựa trên cái xác Thể Công, hay khán giả thấy đội thắng bèn quay trở lại, còn có một nguyên nhân rất chung như bao đội bóng khác đó là tiền. Những khoản tiền thưởng đều đặn và đúng hẹn đôi khi lên tới nửa tỷ đồng cho một chiến thắng thay cho tình trạng nợ lương và thiếu cả tiền tiêu vặt đã giúp họ rất nhiều.
Gần đây người ta cũng nghe nhiều tới Thanh Hóa. Ông Phó chủ tịch tỉnh Thanh Hóa, Vương Văn Việt, vốn là một người cũng sâu sát với bóng đá, đã phải xin Chính phủ cùng với tỉnh mở kho gạo cứu đói cho một bộ phận người dân tỉnh nhà. Thanh Hóa cần hơn 2.000 tấn gạo cho hơn 200.000 người sống trong tình trạng thiếu lương thực trong giai đoạn giáp hạt hiện thời.
Hầu hết các doanh nghiệp tham gia V-League đều có mặt trên sàn chứng khoán, và từng có thời, lợi nhuận từ cổ phiếu của các ông chủ chỉ trong một ngày cũng đủ để nuôi được cả một đội bóng như thời năm 2007.
Thanh Hóa khởi sắc cũng vì có tiền
Nhưng giờ là lúc chỉ số trên các sàn chứng khoán diễn ra theo chiều hướng ngược lại. Cổ phiếu ACB, ngân hàng mà ông bầu Nguyễn Đức Kiên của đội bóng Hà Nội.ACB làm tổng giám đốc và có lượng cổ phiếu khổng lồ ở đó, đã giảm đúng một nửa trong vòng hơn năm qua, giờ chỉ còn xấp xỉ 20.000 đồng. Cổ phiếu HAG của Hoàng Anh Gia Lai cũng giảm mất khoảng 1/4 giá trị chỉ trong vòng chưa đầy 1 tháng qua. Trong khoảng nửa thập niên qua, bóng đá và đất đai là 2 phạm trù khá gắn kết. Hầu hết các ông chủ làm bóng đá đều sử dụng công thức đổi đất lấy ngôi sao và thành tích. Nhưng liệu sự ì ạch và dư cung trên thị trường bất động sản gần đây với cả đất nền và chung cư cao cấp có phải là dấu hiệu cho một quả bóng khổng lồ sắp vỡ và có thể kéo theo sự sụp đổ hàng loạt? Hòa Phát Hà Nội, Hà Nội.T&T, Navibank Sài Gòn, Hoàng Anh Gia Lai... đều tham gia ở các mức độ khác nhau vào phân khúc chung cư cao cấp, và giờ là thời điểm tần suất quảng cáo bán chung cư trên truyền hình cũng nhiều như quảng cáo dầu gội đầu, sữa tắm. V-League, một cỗ máy tiêu tiền và chưa được người ta cài đặt thêm chức năng kiếm tiền, liệu có đứng trước một nguy cơ nào đó hay không khi nền kinh tế hiện thời đang có những thách thức nhất định và các lĩnh vực mà nó dính líu trực tiếp trên kia lung lay? Câu trả lời có lẽ là chưa. Như thách thức năm 2008 với cuộc khủng hoảng nền kinh tế toàn cầu tác động tới Việt Nam mới chỉ khiến một số ông chủ đội bóng băn khoăn trong những khoản đầu tư mua cầu thủ và chi tiền thưởng trong giai đoạn ngắn. Song, chưa không có nghĩa là không. Một giải đấu hàng năm tiêu chừng 500 tỷ mỗi mùa nhưng thu không nổi 50 tỷ tiền bán vé và bản quyền truyền hình sẽ luôn phải hứng chịu mọi nguy cơ, tác động tức thì từ kinh tế. Nó cũng như sự phi lý ở một tỉnh nuôi bóng đá bằng tiền tỷ nhưng lại phải xin gạo cứu đói cũng khó lòng mang lại hạnh phúc lâu bền. Nhất là với một nền bóng đá còn chưa sản xuất ra được nhiều niềm vui!