Sự đố kị, ghen ghét là điều rất phổ biến đối với teen. Đôi khi, bạn ghen tị với một người chỉ vì họ đẹp hơn bạn, có tài hơn bạn, hay thậm chí có bạn ghét người khác vì lý do lãng xẹt: "vì có cảm giác họ... ghét mình!". Khi sự ghen tị đã đi đến đỉnh điểm sẽ dẫn đến những hành động mang tính tiêu cực.
Khanh (19t) là một cô lớp trưởng giỏi giang, khéo léo, nữ tính, lại xinh xắn dễ thương, không ít những vệ tinh bám theo Khanh. Vào những dịp như sinh nhật, 8/3, 20/10, Khanh thường được các chàng đặc biệt “quan tâm” với những món quà rất đáng yêu. Thế là mới có chuyện vào dịp sinh nhật Khanh năm ngoái, Khanh được bạn hot boy của trường đến tận lớp tặng một đóa hồng 19 bông hoa đẹp lung linh. Nhiều teen girl trong lớp nhìn Khanh với ánh mắt ngưỡng mộ, nhưng không ít bạn lại ghen tị ra mặt và nhìn Khanh rất khó chịu. Mỗi khi Khanh đi qua, họ lại châm chọc dè bỉu: “Mẹ thì sáng sáng bán xôi ở rìa đường có gì mà ghê gớm, kênh kiệu, mặt thì lúc nào cũng vênh lên." Khanh ấm ức: “Mình chỉ muốn là một thành viên hòa đồng với tất cả mọi người thôi, nhiều lúc tức đến phát khóc nhưng chẳng làm gì được, đấu khẩu với các bạn lại càng được dịp bảo mình “kiêu”.”
Đôi khi, sự ghen tị còn làm sứt mẻ tình bạn thân. Mạnh và Hải là hai người bạn thân thiết chơi với nhau từ nhỏ. Mạnh là "cây vật lý", Hải là "cây toán" của trường, nhưng Hải luôn cố gắng ganh đua ngầm với Mạnh bởi lúc nào cậu cũng có cảm giác mình thua thiệt, kém cỏi hơn. Hải còn lê la nói với mọi người rằng thực ra Mạnh luôn được thầy cô ưu ái, cho điểm cao vì cậu ta biết nịnh thầy cô: “Tớ là bạn thân tớ biết. Nhiều lúc đi cùng thấy nó nịnh nọt thầy cô mình thấy rất khó chịu.” Thế là tự nhiên Mạnh bị bạn bè nhìn với ánh mắt khác. Sự đố kị đã làm mất đi tình bạn đẹp giữa hai người, đến khi Mạnh biết được chính cậu bạn thân nhất là người nói xấu mình với bạn bè trong lớp, tình bạn của hai người cũng tan vỡ luôn.
Hoàn cảnh gia đình là một trong những yếu tố làm những teen trở nên tự ti hay ghen tị với bạn bè hay cảm thấy tủi thân và muốn có những thứ mà "bạn bè ai cũng có mà mình không có". Huy (sn 1993) là con một trong gia đình không khá giả, nhưng với bản tính đua đòi, thấy bạn bè có gì mới là Huy đòi mua bằng được: xe đẹp, điện thoại đắt tiền, quần áo hàng hiệu... để không phải cảm thấy thua kém bạn bè. Bố mẹ Huy phải chiều theo cậu, vì nếu không có được những gì mình muốn là cậu bạn sẽ “ăn vạ” không chịu đi học. Ghen tị vì hoàn cảnh gia đình, còn có những teen dù bố mẹ phải chắt bóp từng đồng nhưng vẫn ăn chơi đua đòi với những người bạn "cậu ấm cô chiêu" giàu có, thậm chí sa vào tệ nạn hay những hiểm họa không thể lường trước.
Chúng ta hẳn ai cũng đã từng có lúc ghen tị: "Bạn ấy lúc nào cũng thật xinh đẹp", "Tại sao mình cố gắng hết sức rồi mà cũng không học giỏi bằng lớp trưởng?", hay "Nhà bạn ấy giàu có, thích thứ gì là có thứ đó"… Chẳng thể nào tránh được sự ghen tị của mình đối với một ai đó, nhưng bạn hãy nghĩ rằng: không có bất kì người nào hoàn hảo một cách tuyệt đối. Dù bạn không có những thứ như họ, nhưng có thể bạn có những thứ tốt hơn nữa cơ, như tình cảm gia đình bày, bạn bè thân thiết này... Đôi khi, ghen tị không phải là xấu nếu teen biết biến sự ghen tị ấy thành động lực phấn đấu cho mình thì nó sẽ giúp teen ngày càng tiến bộ và hoàn thiện mình hơn.
“Mình cũng có tính hay ghen tị, nhưng để khắc phục nó, mình xem người đó là mục tiêu cho mình phấn đấu và hoàn thiện bản thân. Mình cũng đã từng ghen tị với đứa bạn thân học giỏi hơn mình, nhưng nhờ bạn í mà mình thêm quyết tâm và cố gắng học tập, cứ thế bạn í trở thành mục tiêu của mình, và mình cũng trở thành mục tiêu của bạn í, hai đứa cùng nhìn nhau tiến bước trong học tập và cuối năm cả hai đều đạt được những kết quả xứng đáng với công sức của mình. Thật vui vì ghen tị đã không làm ảnh hưởng xấu đến mình.” – như tâm sự của Yến (17t) đã chia sẻ với chúng tớ.
Đôi khi teen không lường trước được những hậu quả của sự ghen tị gây nên mà đánh mất những điều vô giá. Sự đố kị chẳng mang lại cho bạn lợi ích, trái lại còn làm bạn mệt mỏi, thế tại sao bạn lại phải mang theo "cục nợ" ấy bên mình?