Không phải đến lúc Vietnam Idol 2010 Uyên Linh đăng quang khán giả mới biết đến cụm từ "hiện tượng", nhưng quả thật là từ sau khi cô gái cựu sinh viên Học viện quan hệ quốc tế trở thành người nổi tiếng thì cụm từ ấy mới được sử dụng rộng rãi và thậm chí có phần dễ dãi, bừa bãi. Không cần phải hát hay, ở năm 2011 này chỉ cần một ai đó vô danh có khả năng bắt chước hoặc làm trò "lố" và có độ "trơ trẽn" cao thì chắc chắn sẽ trở thành hiện tượng.
Những hiện tượng thực tài
Lẽ đương nhiên, hiện tượng của Vietnam Idol 2010 không có gì phải bàn cãi. Cô gái nhỏ nhắn với chất giọng mạnh mẽ, nồng nàn gần như đã đánh thức được gu âm nhạc đẹp đẽ tiềm ẩn trong suốt một thời gian dài. Trước khi có cô, người nghe nhạc tưởng như chỉ biết chìm đắm với những thứ âm nhạc dễ nghe, dễ quên, những thể loại âm nhạc nhiều màu sắc mà phần nhìn đã che mất tai nghe. Bởi vậy mà khi tìm ra được cô, những người yêu nhạc đã mừng đến độ không ngần ngại tặng cô hai từ "hiện tượng", chỉ tiếc là không biết những người như thế là bao nhiêu nhưng những người ăn theo lại nhiều.
Uyên Linh - một hiện tượng thực tài đúng nghĩa
Cũng như Ưng Hoàng Phúc từng thổ lộ: "Có những người thích nghe nhạc của tôi nhưng lại không bao giờ nhận điều đó trước mặt người khác", đây lại là trường hợp ngược lại, hẳn không ít người chẳng bao giờ nghe Uyên Linh hát nhưng luôn tự nhận mình là những người hâm mộ bậc nhất. Điều đó vô hình chung khiến Uyên Linh có một lượng fan hâm mộ khổng lồ chỉ trong thời gian vài tháng.
Thế nhưng Vietnam Idol qua đi, khi những dư âm của cuộc thi đã dần phai nhạt thì sức nóng của Uyên Linh cũng không còn nguyên vẹn, thậm chí nhiều người còn bán tín bán nghi rằng chính sức nóng đó đã khiến Uyên Linh trở thành một "bà hoàng" mà những chuyện hét giá catse, kiêu ngạo hay ăn nói thiếu lịch sự là chuyện thường ngày. Những ca khúc thời hậu Idol của Uyên Linh cũng không còn tạo nên được sức bật nữa.
Một hiện tượng gần đây hơn là anh chàng Mai Quốc Việt. Vốn dĩ chàng trai này chẳng có gì khác với những ca sĩ phải gắn đời mình với sân khấu phòng trà cho đến khi anh được biết đến như một người có thể hát giả giọng những ca sĩ khác. Không biết là nên vui hay nên buồn cho Quốc Việt khi có thể chính anh cũng không thích mình được nổi tiếng bằng cách đó vì nói cho cùng những khán giả đến chỉ để xem anh giả giọng người khác thì cũng tương tự như họ đã bỏ tiền để xem một nghệ sĩ xiếc biểu diễn chứ không phải là một ca sĩ. Sau video clip "nhại 13 giọng hát", Quốc Việt cũng đã cố gắng tựa vào đó để giới thiệu giọng hát thực sự của mình nhưng thực tế vẫn là như thế, anh chưa có được một giọng hát để có thể bật lên giữa muôn trùng những giọng hát phòng trà khác.
Khi nào Mai Quốc Việt sẽ trở thành hiện tượng với giọng hát thật của mình?
Những hiện tượng bất tài
Có thể hơi nặng lời khi dùng từ "bất tài" cho họ nhưng trên thực tế rất khó để xác định được nghề nghiệp thực sự của họ là gì để có thể gọi một cách chính xác. Họ không biết hát, họ không có những số đo chuẩn của người mẫu, họ cũng không có năng khiếu diễn xuất, hội họa hay bất kỳ một môn nghệ thuật nào. Họ được chú ý đơn giản bởi vì họ được gán những nhãn hiệu hotgirl, mà nói một cách trần trụi ra là họ nổi tiếng nhờ những bộ ngực với kích thước đáng nể.
Họ tự hào đi đến những buổi party event của các nhãn hiệu, bình thản tham gia vào những dự án phim ảnh với những gương mặt cứng đờ, thiếu biểu cảm do giải phẫu thẩm mỹ và nhất là luôn cư xử như những người nổi tiếng thực thụ. Người ta đi xem họ đóng phim, đọc những bài báo viết về họ chỉ để kháo nhau rằng, hôm nay cô ấy mặc áo khoét sâu đến như thế nào, hay trong bộ phim mới này cô ta có khỏa thân hay không.
Tài năng thật sự của cô nàng Elly Trần này là gì ngoài vòng 1 siêu khủng!
Mặt khác, để biện minh cho cái sự "ngây thơ" của mình, có cô còn tuyên bố sẽ không bao giờ đóng cảnh nóng và chụp ảnh khỏa thân, dĩ nhiên cô cũng không quên gửi cho cánh nhà báo những tấm ảnh "ngây thơ" với đôi tay che bộ ngực trần để những người viết lách có cái minh họa cho bài viết. Sự dễ dãi của cánh báo chí rất có thể sẽ gây ra một cuộc “chạy đua vũ trang” để các cô nàng không có năng khiếu nghệ thuật cũng được góp mặt vào showbiz cùng những sản phẩm đã được tân trang, nâng tầm.
Và những hiện tượng thảm họa
Gần đây nhất, dư luận đã thật sự ngỡ ngàng trước hàng hoạt những tấm gương trơ trẽn trong làng nhạc. Một cô gái đeo kính hồng và những ca từ vô nghĩa, cùng một (hoặc nhiều hơn nữa) những nhóm nhạc với thời trang dị hợm cùng lối cư xử đường phố.
Nếu những thảm họa trước đây khi được đưa ra mổ xẻ đều cố gắng thanh minh, bày tỏ sự yếu kém của mình kèm những lời hứa và những sản phẩm sửa đổi hòng gỡ gạc tên tuổi, thì giờ đây những hiện tượng tai họa đã không ngần ngại thừa nhận rằng mình đã tạo ra những thứ ấy hòng được nổi tiếng. Mà thật, họ đã nổi tiếng, không biết Uyên Linh và Mai Quốc Việt đã phải mất bao nhiêu lâu mới được khán giả chuyền tay nhau từng đường link để trở thành hiện tượng còn những gương mặt tai họa này cũng có thể mất chừng đó thời gian (thậm chí là ngắn hơn) để cập nhật được những thứ sản phẩm rẻ tiền của mình đến phần đông công chúng.
Phương My - một thảm họa mới của giới showbiz Việt
Thậm chí người viết bài còn rất ngạc nhiên khi phát hiện rằng trang blog cá nhân của nhóm nhạc này có rất nhiều những lời bình luận. Dựa trên con số mà tính thì quả thật những người làm truyền thông cho nhóm nhạc này đã quá thành công khi mỗi lời chia sẻ đều nhận về cả nghìn lời bình luận, mà trên thực tế là những lời sỉ vả, chửi bới của cộng đồng. Còn cô ca sỹ thảm họa không thèm đếm xỉa đến những góp ý của cộng đồng mạng mà vẫn tiếp tục cho ra những sản phẩm thảm họa kế tiếp. Chỉ bởi vì “chó cứ sủa và đoàn người vẫn cứ đi”, ai chửi mặc ai, họ vẫn tiếp tục đi trên con đường của họ.
Tạm kết
Có lẽ cánh báo chí cũng nên nhận một phần trách nhiệm về mình trong những cú “hiện tượng” vừa qua trong giới giải trí. Với những trường hợp thực tài, những bài báo vô tình đã đưa người trong cuộc lên những tầm quá cao với thực lực của họ, điều này dẫn đến những ảo tưởng, hụt hẫng, rất có thể chúng ta sẽ mất đi những tài năng vừa chớm nở này như làng bóng đá đã từng mất những “thần đồng” được bơm thổi quá sớm. Còn với những hiện tượng bất tài và tai họa, sự nhiệt tình của báo chí đã vô tình tiếp tay cho những văn hóa nghèo, văn hóa lùn đến gần hơn với công chúng, làm sai đi ý nghĩa cao đẹp của người làm báo. Thậm chí, nếu có ai đó biết rằng những hiện tượng tai họa đó đã cố tình dẫn dắt truyền thông trở thành công cụ của mình thì cũng thật đáng buồn cho ngòi bút của mình.