|
Đồng hồ nợ công của Mỹ đã điểm con số hơn 14.000 tỉ USD - Ảnh: Reuters |
Trong báo cáo ổn định tài chính toàn cầu (GFSR), IMF cho biết các ngân hàng trên thế giới sẽ phải thanh toán “núi nợ” 3.600 tỉ USD đáo hạn trong vòng hai năm tới. Các ngân hàng Đức, Ireland, Ý, Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha phải đối mặt với nguy cơ lớn nhất. IMF dự báo trong hai năm tới, giới ngân hàng sẽ phải cạnh tranh dữ dội với chính quyền các nước để vay vốn. Các ngân hàng châu Âu đang sở hữu một lượng lớn nợ công của các nước trong khu vực, do đó dễ rơi vào khủng hoảng nếu các nước này vỡ nợ.
Theo IMF, các ngân hàng, đặc biệt ở khu vực châu Âu, cần cải tổ để tồn tại. “Cần một hệ thống chính sách toàn diện, từ huy động vốn, tái cơ cấu, loại bỏ các ngân hàng yếu kém, tăng cường sự minh bạch... để xử lý các điểm yếu của hệ thống ngân hàng” - theo GFSR. IMF cũng cho rằng nhiều khả năng các ngân hàng sẽ cần sự hỗ trợ từ “nguồn công”, nghĩa là tiền thuế của dân qua chương trình hỗ trợ của chính phủ.
Trong báo cáo giám sát tài khóa, IMF cũng cảnh báo nợ chính phủ đang tăng cao theo chiều hướng nguy hiểm, đặc biệt đối với các nền kinh tế phát triển như Mỹ và Nhật. Theo Hãng tin Bloomberg, Quốc hội Mỹ đang thảo luận khả năng nâng mức trần nợ công, hiện ở mức 14.294 tỉ USD. Nguyên nhân do Bộ Tài chính Mỹ xác định nợ công Mỹ sẽ chạm trần vào ngày 16-5 (tương đương hơn 90% GDP). Nếu mức nợ trần không được duyệt tăng, Bộ Tài chính Mỹ sẽ không thể vay tiếp và sẽ hết tiền vào ngày 8-7.
Đảng Cộng hòa Mỹ tuyên bố sẽ phản đối việc tăng trần nợ công nếu chính quyền Washington không cải tổ chi tiêu. Nếu Quốc hội Mỹ không nâng mức nợ trần trước tháng 7, chính quyền Mỹ sẽ không thể thanh toán một số khoản nợ (vỡ nợ). Các nhà kinh tế lo ngại việc chính quyền không thể tiếp tục vay tiền sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự hồi phục của nền kinh tế Mỹ. Đối tượng thiệt hại nặng nề nhất sẽ là những người sở hữu trái phiếu chính phủ Mỹ, bởi giá trị trái phiếu sẽ sụt giảm mạnh. Trung Quốc hiện là quốc gia nắm giữ trái phiếu chính phủ Mỹ nhiều nhất, nhưng các tổ chức trong nước Mỹ sẽ thiệt hại đầu tiên.
“Kịch bản đó sẽ biến vụ vỡ nợ của Ngân hàng Lehman Brothers giống như một cuộc đi dạo trong công viên vào một ngày nắng đẹp - Hãng tin CNBC dẫn mô tả của cựu quan chức Bộ Tài chính Mỹ Jim Millstein - Không chỉ người Trung Quốc và người Nhật đang nắm giữ trái phiếu Mỹ bị ảnh hưởng nghiêm trọng, mà còn cả các quỹ hưu trí, công ty bảo hiểm, ngân hàng, thị trường tiền tệ và quỹ đầu tư”. Nếu nước Mỹ vỡ nợ, lãi suất ngân hàng sẽ tăng vọt và người dân Mỹ sẽ rất khó vay tiền trong bối cảnh giá nhà hạ thê thảm, tiết kiệm thấp.
Theo báo Wall Street Journal, mới đây giám đốc tài khóa IMF Carlo Cottarelli nhận định tình hình nợ của châu Âu đang được cải thiện nhanh hơn Mỹ, dù tâm chấn của cuộc khủng hoảng nợ vẫn đang nằm ở lục địa già châu Âu. Cottarelli cho rằng Mỹ và cả Nhật cần nhanh chóng áp dụng các biện pháp cắt giảm ngân sách để giảm thâm hụt và nợ công, trước khi thị trường tài chính đánh mất sự kiên nhẫn và bán tháo trái phiếu của hai nước này.
Theo IMF, thời gian qua phần lớn các nền kinh tế phát triển đều thắt chặt ngân sách nhưng Mỹ và Nhật vẫn tiếp tục trì hoãn để đảm bảo phục hồi kinh tế. Wall Street Journal cho biết mới đây Tổng thống Mỹ Barack Obama đã đề xuất cắt giảm chi tiêu ngân sách 4.000 tỉ USD trong vòng 12 năm tới và tăng thuế đánh vào người giàu để giảm thâm hụt ngân sách và nợ công.
“Chúng ta không thể cho phép giảm thuế 1.000 tỉ USD cho các triệu phú và tỉ phú của đất nước chúng ta” - ông Obama tỏ ra kiên quyết. Tuy nhiên, đề xuất này vẫn thấp hơn con số 6.200 tỉ USD mà Đảng Cộng hòa yêu cầu. Phía Đảng Cộng hòa cũng phản đối đề xuất bãi bỏ các khoản giảm thuế cho giới nhà giàu từ thời tổng thống George Bush.
Dù vậy, cũng chính giám đốc IMF Dominique Strauss-Kahn cảnh báo các nền kinh tế phát triển cần thận trọng với nguy cơ thắt lưng buộc bụng quá mức dẫn đến tình trạng thất nghiệp tăng cao. “Vấn đề là phải điều chỉnh tài chính tương thích với đảm bảo phát triển” - báo Telegraph dẫn lời ông Strauss-Kahn. Giám đốc IMF cũng kêu gọi các nước cần tập trung nỗ lực vào tạo việc làm và giảm khoảng cách giàu nghèo. Theo Tổ chức Lao động quốc tế, hiện trên thế giới có khoảng 250 triệu người đang thất nghiệp.