Lợi thế có bề ngoài nổi bật với dáng người cao, da trắng nõn trở thành nỗi khổ với Ngọc (17t), nhất là khi cô nàng "nghiện" ăn diện quá mức cần thiết. Sinh ra trong gia đình có điều kiện, từ nhỏ Ngọc đã được bố mẹ tạo cho thói quen ăn mặc rất chỉn chu, nổi bật… hơn hẳn so với bạn bè trang lứa. Quần áo, dày dép, đến mọi đồ dùng của Ngọc luôn là hàng có tên tuổi đắt tiền nên cô cũng thường tỏ ra... chê bạn bè quanh mình. Ngày nhỏ đi học, bề ngoài của Ngọc đã khác hẳn bạn bè trong lớp. Và đó cũng là lý do mà Ngọc rất ít bạn, có nhiều nhóm còn được lập nên để tách biệt và cô lập cô gái. Chưa kể, cô học trò này thường xuyên bị nhóm bạn giấu đồ, chọc phá đồ đến giật tóc…
Càng lớn, Ngọc càng xinh, được nhiều bạn trai chú ý, quan tâm bao nhiêu thì lại bị nhóm bạn cùng giới ghét ra mặt bấy nhiêu. Không chỉ bị cô lập, cô gái phải chịu đựng cảnh bị nói xấu, bôi nhọ cho đến những nhiều hành vi dọa dẫm từ chính những bạn học cùng lớp nên việc đến trường với Ngọc như là một cực hình. Mãi sau, gia đình mới hiểu được nguyên nhân con gái mình bị bắt nạt nhưng họ lại cho rằng... vì con mình xinh đẹp quá chứ không nghĩ vì Ngọc trau diện quá mức so với bạn bè, cũng như so với tuổi học sinh. Có thể Ngọc không sai nhưng thay vì giúp con gái thích nghi, hòa đồng với bạn bè hoặc tìm cách để giải quyết thì mẹ Ngọc còn nói: "Chấp gì mấy đứa xấu xí nó ghen tỵ với mình" nên Ngọc cũng... bất cần bạn bè. Thái độ đó càng làm bạn bè ghét, lại không có bạn, tình trạng Ngọc bị bắt nạt càng tăng nên cô gái phải chuyển trường nhưng cách sống không thay đổi nên tình hình cũng không khả quan hơn.
Mai Thanh (16t) bị "ghét" mà nguyên nhân không nằm trong tầm trong khẳ năng kiểm soát của bản thân. Trong khi các bạn nữ cùng tuổi chiều cao đều đều ở mức trung bình thì Thanh đã cao trên 1,7 mét với dáng như người mẫu. Tuy nhiên có một điều mà Thanh không ngờ tới là cô bị cô lập không chỉ vì chiều cao mà vì “cao rồi còn thích chơi trội bằng giày cao gót, nhìn là muốn cho... ăn đòn” trong suy nghĩ của một số bạn.
Với hình thể đó, Thanh ăn mặc đồng phục như bạn bè thì cô vẫn rất nổi bật. Số lượng các bạn gái ghét Thanh áp đảo nên nhóm con trai ở tuổi "theo đám đông" cũng không mấy thân thiện với Thanh. Thậm chí có một vài người bạn trong lớp chơi với Thanh cũng bị số đông kia dằn mặt, bị "vạ lây" nên dần dần họ cũng tách ra khỏi cô để được an toàn. Thế nên cô gái bề ngoài "khủng" nhất nhì lại phải lủi thủi một mình khi đến lớp. Không ít lần, Thanh còn bị nhóm bạn đông nhất trong lớp chặn đường giật tóc, bạt tai và đe: “Cẩn thận có ngày bị xin cái giò. Trường học chứ là chỗ để mày khoe chân à?” làm Thanh tâm trạng lúc nào cũng hoang mang, có hôm còn sợ không dám đến lớp.
Không ít vụ bạo lực học đường giữa học sinh mà nguyên nhân chỉ vì nạn nhân là người có điểm gì đó nổi bật, hoặc cố tình "chơi trội" làm một số bạn khác nhìn vào thấy ghét. Điển hình nhất mới đây, nữ sinh D.T (16t) bị người bạn học đánh đến xỉu giữa lớp với lý do nhìn D.T... chảnh. Không thể bao biện cho hành vi bạo lực của thủ phạm thế nhưng theo thầy cô của trường, chính D.T cũng góp phần làm cho mình bị ghét khi mà đến lớp đi học nhưng D.T luôn "sửa soạn" bề ngoài quá mức cần thiết. Sau vụ việc, D.T cũng được thầy cô nhắc nhở đừng trau diện quá mức khi đến trường. Do độ tuổi này thường có sự so bì, ghen tỵ nên… nhiều nhóm thường “không ưa” những bạn có điểm gì đó nổi bật hơn mình hoặc những người mà họ cho là có thái độ kênh kiệu, tỏ vẻ hơn người. Trong khi đó, các bạn bị rơi vào “tầm ngắm” có những lợi thế nào đó lại không lường được điều này nên lại cố tình hoặc vô tình hay “khoe” các điểm mạnh của mình nên càng bị ghét.
Thạc sĩ tâm lý Phạm Phương Thảo (ĐH Y dược TP.HCM) cho hay ngoài những bạn yếu đuối, nhỏ con hay có khiếm khuyến trên cơ thể khi đến trường dễ bị bạn bè bắt nạt thì những bạn có đặc điểm nổi bật như xinh đẹp, ăn diện, học giỏi… cũng thường bị ghét. Những đối tượng này cần được người lớn hướng dẫn cách tự bảo vệ mình như cách ăn mặc, ứng xử, nói năng, hay đừng cho rằng điểm nổi bật của mình là là hơn hẳn bạn bè. Sau đó, các em cần tìm bạn cho mình, không phải bạn này thì sẽ có những người bạn khác, bởi càng cô lập càng dễ bị… dọa. Khi bị bắt nạt, các bạn trẻ nên mạnh dạn thông báo với người lớn để sớm tìm cách xử lý, giúp đỡ…
Không ai đứng về phía những người lập nên nhóm chuyên đi quấy rối, dọa nạt người khác. Nhưng trong khi các băng nhóm luôn tồn tại ở trường học, nạn bạo lực học đường ngày càng tăng… thì chính các bạn trẻ cần học cách tự bảo vệ mình, hạn chế thấp nhất việc bị rơi vào “điểm ghét” của đám đông xung quanh.