PHIM NHẠC » Bật mí điện ảnh

Khổ vì vợ... lắm điều

Thứ sáu, 27/05/2011 14:34

Mới lấy nhau được mấy tháng nhưng Liên đã kịp cho chồng và gia đình nhà chồng nếm mùi “năng khiếu nói” của mình.

“Tao cần gặp mày gấp”. Nhận được tin nhắn của thằng bạn thân, tôi vội vàng phi xe đến bởi biết tính nó, chỉ khi có chuyện nghiêm trọng mới nhắn thế.   Mà quái, có chuyện gì nhỉ? Nó mới cưới cơ mà, đáng nhẽ giờ này phải say hạnh phúc mà tạm quên bạn bè chứ? Bước chân vào cái quán vẫn thường là điểm hẹn của tụi bạn cấp 3 ngày xưa, tôi xém chút nữa thì ngã ngồi khi nhìn thấy thằng bạn. Nó cứ như vừa ở rừng Amazon về. Kinh hoàng và râu ria!   1. Quên! Trước khi kể về chuyện bạn tôi, xin có đôi dòng trích ngang lý lịch của hắn. Học với nhau từ cấp 2 đến hết cấp 3, hắn được bạn bè đánh giá là lịch lãm và biết nhường nhịn phái đẹp. Duy chỉ có một điều hắn đặc biệt ghét, đó là “bệnh” nói nhiều của mấy cô bạn gái thân. Đã có lần nó tuyên bố: Sau này tao lấy vợ, gặp phải vợ nói nhiều, tao sẽ... dắt về trả nhà ngoại! Cả lũ cười hi hi. Hãy đợi đấy, thời gian sẽ trả lời!

 “Sao thế mày, cãi nhau à, chuyện nhỏ, vợ chồng trẻ mà. Mà mày cũng phải nhường vợ tí chứ...”. Vừa ngồi xuống ghế, tôi đã “chẩn bệnh và kê đơn” luôn. Nào ngờ, hắn ngẩng lên nhìn tôi rồi thả từng từ một: “Cãi nhau được đã tốt. Vợ tao có nhường tao nói câu nào đâu mà cãi. Liên tục cướp “diễn đàn”!”. Thế rồi câu chuyện về một “cái loa di động” - có tên “vợ thằng bạn” từ từ được hắn kể ra. Ngày yêu Liên, là vợ bây giờ, bạn tôi rất hào hứng. Lý do vì ngay từ phút đầu tiên làm quen với gia đình người yêu, Liên đã được lòng mọi người vì mồm miệng nhanh nhẩu, khéo ăn khéo nói.   Chứ đâu như cô người yêu trước, khi bạn tôi dẫn về nhà ra mắt bố mẹ, nàng chỉ ra tiếng chào hai bác rồi ngồi im thin thít. Bố mẹ bạn tôi hỏi thăm câu nào thì trả lời câu đó. - Ba mẹ cháu làm gì? - Dạ, công chức ạ. - Nhà cháu có mấy anh em? - Dạ, hai ạ. Thảng có câu, nàng còn chỉ gật, lắc và cười trừ.   Khi quyết định cưới Liên, bên cạnh tình yêu và những đức tính tốt của vợ tương lai, thằng bạn tôi còn chắc mẩm một niềm tin rằng: Vợ nói nhiều như thế, nhà cửa sẽ luôn vui vẻ chứ không nặng nề, căng thẳng như có vợ kiệm lời. 2. “Tao không ngờ mình lại khổ vì cái vui cửa vui nhà ấy. Hết chịu nổi rồi” - thằng bạn tôi ngán ngẩm.   Mới lấy nhau được mấy tháng nhưng Liên đã kịp cho chồng và gia đình nhà chồng nếm mùi “năng khiếu nói” của mình. Liên nói nhiều đến mức mẹ thằng bạn tôi ngạc nhiên. Bất cứ chuyện gì, việc gì, của mình, của chồng, của nhà chồng, của cậu em trai chồng hay chẳng liên quan gì đến bản thân, Liên đều tham gia, có ý kiến và tranh cướp luôn “diễn đàn”.   Ngồi bữa cơm, Liên nói liên tục từ chuyện cơ quan đến chuyện đường phố, xong lại chuyển sang cằn nhằn chuyện bà hàng xóm hôm qua tưới cây cảnh làm bắn cả nước sang hè nhà... Mẹ chồng Liên phải nghe nhiều quá, có hôm kêu mệt bỏ dở bữa đi nằm!   Nhưng nào đã hết, khi chỉ còn hai vợ chồng với nhau, vừa ôm vợ vào lòng, thằng bạn tôi đã lại được nghe tiếp một tràng ca cẩm. “Sao hôm nay anh đi làm về muộn những 7 phút thế, lại vừa đi vừa ngắm gái ngoài đường hả? Đấy, đàn ông là chúa ích kỉ, chỉ biết tốt, biết sướng cái bản thân mình thôi chứ có bao giờ nghĩ đến vợ con đâu...”.   Nghe đến đây, vòng tay ôm vợ của hắn đã lỏng ra, cảm hứng biến đâu mất sạch. Và thế là hắn lại tiếp tục được nghe một bài trường ca về thói cả thèm chóng chán của đàn ông. “Biết tính Liên như vậy, tao đã cố gắng hạn chế tối đa mọi khuyết điểm để vợ đỡ cằn nhằn. Nhưng tao có phải thánh sống đâu, lắm lúc đi làm chẳng muốn về” - bạn tôi thở dài thườn thượt.   3. Sáng ra, không tìm thấy cái cà vạt, chồng gọi vợ: “Liên ơi, em có thấy cái cà vạt xanh của anh đâu không?”. “Ui giời. Có trời mới biết! Anh đã tìm kỹ ở tủ chưa? Thử tìm lại lần nữa xem nào? Hay anh để trên giá sách? Thử tìm trong phòng mẹ xem? Đấy, làm đâu để đấy. Vợ nói còn bảo nói nhiều. Không có vợ theo sau dọn dẹp thì đến cái quần lót chắc cũng chẳng còn để mà mặc. Người đâu mà cẩu thả thế không biết? Mà cơ quan anh cũng hay thật, chả hiểu nghĩ gì mà chọn màu cà vạt đồng phục xanh lè, nhìn nhức cả mắt...”.   Cứ thế, một cuộc đối thoại đáng ra chỉ cần kết thúc bằng một từ “có” hoặc “không” đã được Liên phát triển thành cả một câu chuyện dài từ “không thấy”, cho đến “không nghe lời vợ” và tới tận “chuyện nội bộ cơ quan chồng”. Câu chuyện vẫn có thể kéo dài tiếp nếu có điều kiện...   “Thôi mà mày, buồn làm gì, phụ nữ mà, vợ ai chả thế. Ra đường sợ nhất công nông, về nhà sợ nhất vợ không nói gì. Nàng mà im lìm là có chuyện đấy” - tôi vỗ vai an ủi bạn. “Mà mày đã thử góp ý nhẹ nhàng với Liên chưa, hay lại dắt về trả nhà ngoại như lời xưa tuyên bố đấy” - tôi khích.   “Tao đã thử hết cách rồi, nhưng vừa nói được vài câu là nàng lại đưa tay ôm tim, mặt xám ngoét, lăn đùng ngất ra làm tao chết khiếp. Mà vợ tao có tiền sử bệnh tim đâu chứ nhỉ, để hôm nào tao hỏi lại mẹ vợ xem...”.   Vừa nói đến đấy, chuông điện thoại reo. “Anh ơi, sao anh hẹn đón em mà muộn 1 phút rồi. Em là em biết ngay mà, đàn ông các anh chỉ cần cưới xong là nó xôi chán chè, hiện nguyên hình ngay. Đúng là ngày xưa em nghe lời con bạn thì đâu đến nỗi...”.

PLXH