Tôi biết đến mục tâm sự của quý báo, nhờ một người bạn chỉ cho. Bạn ấy nói với tôi rằng: Hiền viết bài đi, có thể nó sẽ giúp Hiền vơi bớt nỗi đau mà Hiền đang mang trong lòng. Sau nhiều hôm trăn trở, tôi mạnh dạn viết. Viết để tìm mong một sự sẻ chia, viết cho những ai đã, đang và sẽ rơi vào hoàn cảnh giống như tôi, có được sự đồng cảm, tìm cách vượt qua, viết để lại, như ngày mai, nếu lỡ, tôi ngã gục ở một nơi nào đó, vì kiệt sức, vì uẩn ức, vì chán nản buông xuôi.
Tôi lấy chồng từ năm 18 tuổi. Cái tuổi mà những cô gái khác, nhất là ở thành thị, đã rành lắm rồi chuyện tình yêu đôi lứa. Nhưng với tôi, một cô gái thôn quê chân lấm tay bùn từ Đồng Tháp Mười, độ tuổi ấy vẫn còn ngây ngô lắm. Tôi lấy chồng, theo sự mai mối của gia đình. Chồng tôi là một người Bắc, đến quê tôi mưu sinh. Chắc do ba mẹ tôi cảm thương trước sự chăm chỉ, vươn lên của anh ấy mà quyết định gả chồng cho tôi, dù tôi không hề yêu. Sau ngày cưới, chúng tôi phải tính kế mưu sinh. Tôi nghỉ học sớm, không nghề nghiệp, chồng tôi cũng thế, lâu nay quen lao động chân tay. Ở quê, những người như vợ chồng tôi, chỉ biết làm ruộng. Cám cảnh trước cái nghèo nhiều đời của dòng họ tôi, nên tôi không muốn mình tiếp tục sống nghèo như ông bà, cha mẹ, vì tương lai con cái của chúng tôi sau này. Thôi thì, hi sinh đời ba mẹ, để củng cố đời con. Hai vợ chồng tôi quyết định lên Sài Gòn lập nghiệp. Chúng tôi thuê nhà trọ, chồng tôi đi làm mướn cho người ta. Chồng làm phụ hồ, còn tôi, mở một quán cà phê gần khu trọ để bán. Ông trời cũng thương người hiền lành, chân chất, chẳng bao lâu, cái quán cà phê nhỏ xíu của tôi có đông người ra kẻ vào. Chồng tôi tính tình hiền lành là thế, không hiểu sao, sau khi cưới tôi về, anh ấy đổi tính 180 độ. Anh ấy trở nên cáu gắt, gia trưởng và rất ghen tuông. Anh ấy đang ghen với những người khách nam đến quán uống cà phê. Anh ấy ghen khi nghe vài câu nói chọc ghẹo vô thưởng vô phạt của đám thanh niên choi choi.
Một ngày nọ, chồng tôi tự ý bỏ việc phụ hồ, ở nhà để phụ tôi bán quán. Nhưng tôi hiểu, mục đích là để “canh chừng” tôi, xem tôi có léng phéng với ai không. Nhiều lúc, vì buôn bán, tôi phải nói đùa lại dăm ba câu cho họ vui, thế là chồng tôi la mắng ầm ĩ, khiến khách bẽ mặt, bực bội ra về. Ngày nào cũng thế, chồng tôi ngồi đó, quan sát khách, hễ thấy vị khách đàn ông nào vào quán, anh ta nhìn người ta như công an theo dõi phần tử khả nghi. Chồng tôi sẵn sàng ăn thua đủ, nếu thấy “chướng tai gai mắt” trước một vị khác nào, bất kể già trẻ nếu thấy khách bắt chuyện nhiều với cô chủ quán. Đã không biết bao nhiêu lần chồng tôi đuổi khách, đập bàn đập ghế vì những ghen tuông đâu đâu, mặc tôi giải thích hết lời. Vì miếng cơm manh áo, tôi cố giải thích, cam chịu trước hành động ghen tuông của chồng. Từ ngày không đi làm phụ hồ nữa, chồng tôi ở quán phụ vợ thì ít, mà tụ tập đánh bài đỏ đen càng nhiều, anh ấy còn cá độ bóng đá. Tất nhiên, số tiền mà anh ấy dùng vào những việc đó là tiền lời từ quán cà phê. Lúc đầu, chồng tôi chơi bài, cá độ giải sầu, nhưng càng ngày chồng tôi càng nghiện đỏ đen. Bao nhiêu tiền anh ấy nướng hết vào những lần sát phạt nhau. Càng chơi, càng thua, càng cố gỡ, lại càng thua, chẳng bao lâu, quán cũng nghỉ bán vì vắng khách. Bao nhiêu đồ đạc cái nào cầm được, là lần lượt đội nón ra đi. Tôi van xin có, khóc lóc có, giận dữ có, đòi li dị có, nhưng cũng không hề thức tỉnh thói cờ bạc của chồng. Hai đứa con tôi, đứa gái học lớp 9, đứa trai lớp 6 vì suốt ngày chứng kiến cảnh ba mẹ cãi nhau, chúng chán nản, học hành sa sút. Đứa lớn bỏ học, theo bạn bè xấu, đứa nhỏ thì ngang bướng, nói năng cộc lốc, lại hay chửi thề, đánh nhau với bạn bè trong lớp, vô kỉ luật, học hành kém, cuối cùng bị đuổi học. Hết tiền đánh bài, cá độ bóng đá, chồng tôi quay sang đánh mẹ con tôi, mỗi khi anh ấy thua bạc. Có 1001 lí do để anh ta kiếm cớ đánh, nào là nấu cơm chậm, cái nhà chưa lau, cái áo anh bị rách tôi chưa kịp vá,…. Từ ngày nghỉ bán quán, tôi đi thu gom giấy vụn, ve chai, bán kiếm tiền, chồng tôi không biết thương vợ con, lại kiếm mọi cách để moi tiền. Nếu tôi không có tiền đưa là bị ăn đòn, những trận đòn thừa sống thiếu chết. Nếu không có hàng xóm can ngăn, không biết tôi ra sao. Mọi người khuyên tôi li dị, chứ sao lại cam chịu sống kiếp trâu ngựa như thế. Nhưng có lẽ do bản tính an phận, cam chịu, nhẫn nhụt, tôi cứ lần lữa hi vọng sẽ thay đổi được chồng, tôi cố níu kéo để gia đình không tan vỡ, để hai con tôi không mang tiếng mồ côi, khi cha nó còn sống.
Gian khổ kiếm tiền tôi chịu đựng hết, nhưng rồi chẳng những không được đền đáp mà còn thêm một nỗi đau khác. Chồng tôi ngang nhiên dẫn về nhà một người đàn bà, ngang nhiên sống chung. Mà người đàn bà đó có tốt đẹp gì đâu cơ chứ, người ta nói ả chuyên mồi chài, tầm gửi hết đàn ông này, đến đàn ông nọ. Tôi đau đớn cùng cực, khi nghe chồng tôi tuyên bố: hoặc chấp nhận ngó lơ, hoặc ba mẹ con tôi cuốn gói ra đi. Đi đâu đây, mẹ con tôi biết đi đâu bây giờ? trở về quê ư, để ba mẹ đau lòng thêm, làng xóm dèm pha, có ích gì. Không, tôi phải ở lại. Dù chưa biết thời gian tới, chuyện gì sẽ xảy ra. Một ngày nọ, tôi đi làm về, thấy nhà cửa có vẻ im ắng, không còn bóng dáng của chồng và mụ đàn bà kia đi ra đi như mọi khi, tôi sinh nghi chạy đến mở tủ ra, thì hỡi ơi, bao nhiêu tiền dành dụm, từ mồ hôi nhọc nhằn của những lần tôi lầm lũi với chiếc xe đạp cà tàng đi thu mua ve chai, giấy vụn, giờ không còn nữa. Chồng tôi đã lấy hết tiền, đi theo người đàn bà đó. Tôi ngất lên ngất xuống, thấy cuộc đời sao quá tàn nhẫn với tôi. Hai đứa con tôi nhìn thấy mẹ, chúng lì lợm là thế mà cũng phải ôm mẹ khóc trước sự tệ bạc của người cha. Nỗi đau chồng chất nỗi đau, chỉ vài ngày sau, đứa con gái lớn của tôi cũng bỏ nhà đi bụi. Càng đau hơn, tôi nghe phong phanh mọi người nói con tôi làm gái. Tôi phải đi khắp các quán cà phê đèn mờ, các tiệm massage, quyết tìm con. Còn thằng út, tôi phải gửi nó vào một xưởng chăn nuôi gia súc, nói là đi ở cho người ta, nhưng thật ra, tôi “bán con” mình.
Tôi đã nhận một số tiền từ ông chủ và cam kết khi nào có hoàn lại tiền, tôi mới được đón con về. Con út của tôi cũng chấp nhận ở đợ cho người ta, để có tiền cho mẹ đi tìm chị gái nói về. Cầm số tiền “bán con”, mà tôi đứt từng khúc ruột, nhất là khi nhìn thấy ánh mắt của thằng bé, nó đau đáu nhìn tôi quyến luyến. Đã 4 tháng trôi qua, số tiền “bán thằng em” để tìm con chị, đang cạn dần, mà tin tức của con vẫn biền biệt phương trời nào. Càng nghĩ đến con, tôi càng hận người chồng tệ bạc. Vì đâu mà mẹ con tôi ra nông nỗi này, chồng theo tình, 2 đứa con, đứa thì đi bụi, đứa tự nguyện bán mình đi ở đợ không công, tôi cầu bơ cầu bất mỏi mòi tìm con…