PHIM NHẠC » Bật mí điện ảnh

Không cho mẹ chồng chạm vào con vì sợ bẩn

Thứ tư, 01/06/2011 13:50

Có những ông bố bà mẹ, vì quá cẩn thận đối với “báu vật” vô hình chung lại làm ảnh hưởng đến sự phát triển tự nhiên, tâm lý và tương lai sau này của con mình mà không hay biết.

Sinh ra và lớn lên ở vùng quê Kinh Bắc tuy gia đình không khá giả nhưng bố mẹ Huyền đã cố gắng làm lụng vất vả để Huyền được ăn học bằng bạn bằng bè. Học hết cấp 3 Huyền thi đỗ vào một trường đại học tại thành phố. Những năm tháng chắt chiu ăn học rồi cô cũng tốt nghiệp và được nhận vào làm tại một công ty truyền thông. Đi làm được 3 tháng Huyền gặp Hoàng cũng cùng hoàn cảnh dân ngoại tỉnh về thành phố học tập, cảm xúc gần gũi rồi yêu thương nhau. Kết quả là một đám cưới viên mãn trong niềm vui hồ hởi của cả 2 gia đình.

 

Để con ăn hết bát cháo cả nhà nguyện làm gánh xiếc.

Sau nhiều năm lăn lộn kiếm sống, mong mỏi của 2 vợ chồng và cả 2 bên gia đình nội ngoại  vẫn là được nghe tiếng khóc của trẻ con. Chạy chữa nhiều nơi, mong mỏi có đứa con rồi cũng đến. Ngày chị sinh hạ, mẹ chồng đã tình nguyện lên thành phố để chăm con. Khi lên đến nơi, bà mới thực sự bất ngờ về cách chăm con và những suy nghĩ của con dâu mình. Khi đứa trẻ mới lọt lòng, mặc dù còn trong cơn đau vì sinh mổ, Huyền đã không muốn mẹ chồng động vào đứa bé. Chị luôn tỏ ra không hài lòng mỗi khi bà đến gần hay tiếp xúc với đứa trẻ. Chị luôn chê là mẹ chồng không biết chăm cháu và để cháu bẩn. Trong một lần pha sữa, do vô tình bà lỡ để nước có cặn bẩn, chị nhìn thấy đã nổi đóa lên. Bà mẹ nhà quê ấy đành ngậm ngùi nhận lỗi mong cho gia đình yên ấm. Mỗi khi nhờ chồng mua đồ cho con, chị dặn đi dặn lại anh phải đến đúng địa chỉ đưa để mua.  Mỗi khi trở trời, đứa trẻ bị ho hay bị vài nốt mẩn ngứa trên người, anh chị vội vàng đưa con đến bệnh viện thăm khám. Dù chỉ là ho hắng sơ sài hay quấy khóc là bé được đưa đi viện ngay. Hầu như cứ mỗi tuần, anh chị phải thăm viện một lần.   Mẹ chồng chị chỉ biết lắc đầu vì cách chăm con của lớp trẻ bây giờ. Bà cứ nghĩ ngày xưa các cụ nuôi con đâu có vất vả như vậy. Con cái lăn lóc như củ khoai củ sắn, ấy vậy mà chúng vẫn lớn khôn nên người. Trường hợp của Thu Trang (trình dược viên một hãng thuốc nổi tiếng của Mỹ tại Hà Nội) cùng cảnh lấy chồng ở quê như Huyền. Đứa con như là báu vật đối với cô. Một lần, vào ngày nghỉ, anh chồng đề nghị được đưa con về chơi với ông bà. Cô ngần ngại không muốn vì sợ con về quê sẽ bẩn thỉu lấm lem nhưng không dám cãi lời chồng nên đành chấp thuận. Lo ngại chuyến về quê này con sẽ ăn những thực phẩm nước uống không hợp vệ sinh nên Trang phải thức gần như trắng đêm để khăn gói nào quần áo, sữa, hoa quả, thịt tươi thịt khô chế biến sẵn thậm chí là chở nguyên cả bình nước lọc để mang về cho bà nội nấu mới yên tâm. Việc chăm con ăn của chị Ngân (Linh Đàm) mẹ bé Tít thì lại là cả một công cuộc vật lộn với con, mẹ cu Tít luôn nhồi nhét cho con mỗi bữa ăn một bát tô cháo đầy. Mỗi bữa ăn như một cuộc vật lộn, chạy đua nhong nhong khắp xóm hay biến căn nhà thành gánh xiếc… Khi con không chịu nghe lời thì lấy đủ mọi thứ trên đời để dọa dẫm, nào là “chú công an bắt kìa”, “ông ba bị đến kìa”, “chuột kìa, ma đấy, áo ộp này”, “bố mẹ không yêu đâu”… Khi hỏi chị cho bé Tít ăn một ngày bao nhiêu bữa, chị Ngân đếm nhẩm và bảo cả ăn bột, ăn hoa quả, cháo dinh dưỡng nước ngọt, sữa chua...tính ra là 9 bữa một ngày, cứ 2 tiếng lại ăn một bữa. Trộm vía nhìn bé Tít thì phổng phao thật, có thể được di truyền tầm vóc từ bố mẹ cộng với việc nhồi ăn hàng ngày như trên của chị Ngân thì bé to lớn  cũng là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, khi bé Tít tròn 3 tuổi vẫn chậm nói, không biểu diễn các trò đùa theo lứa tuổi. Lo sợ con bị có vấn đề, chị Ngân vội đưa con đến bác sĩ gia đình để thăm khám. Nhung, cô giáo của một trường mần non chất lượng cao ở quận Hai Bà Trưng - Hà Nội cho hay lớp cô có 15 bé nhưng mỗi bé có một đặc điểm tâm lý và tính cách khác nhau. Các cháu đều được nuôi trong điều kiện gia đình đầy đủ, tuy nhiên hầu như đứa trẻ nào cũng có “vấn đề”. Có cháu thì quá tinh nghịch, cháu thì chậm chạp, cháu thừa cân, đứa thì biếng ăn còi cọc; có cháu chậm phát triển ngôn ngữ, ít nói, “bất hợp tác” với cô giáo và các bạn. Cá biệt, có cháu gần 4 tuổi vẫn chưa biết nói, chưa ăn được cơm mà chỉ ăn cháo, bột... Chị Nhung cho rằng nguyên nhân là do ở gia đình các cháu không được chăm sóc đúng cách. Có những cháu chỉ được ẵm bế trên tay mà không cho xuống đất để tự do chạy nhảy vì sợ bé bẩn hoặc ngã đau.  Vì thế mà bé chậm biết đi hay ngại vận động. Một số bé khác thì do bố mẹ quá bận bịu, từ sáng đến tối, bé chỉ ở với cô giúp việc, cô lại cho cháu xem tivi suốt ngày khiến đứa bé chậm nói, chậm phát triển trí tuệ.   Nhiều bà mẹ lại áp dụng triệt để phương pháp nuôi con theo sách, bữa ăn nào cũng đầy đủ lượng, chất theo hướng dẫn, phải nghiền nhỏ hoặc hầm nhừ để trẻ hấp thụ hết! Ăn nhiều nhưng thiếu vận động khiến trẻ béo phì, hoặc có trẻ tiêu hóa kém thì sinh ra chán ăn, sợ ăn, lâu dần thành suy dinh dưỡng. Chăm sóc không đúng cách còn có thể khiến trẻ mắc các bệnh tâm lý như trầm cảm, ngại tiếp xúc đông người. Chăm con cẩn thận, áp đặt theo ý của riêng mình vô hình chung đã biến con thành một đồ vật vô giá mà không hề hay biết đến cảm giác hay suy nghĩ của đứa trẻ. Chính sự bao bọc không đúng cách này làm cho đứa trẻ ở xa hơn thế giới nó đang sống đã ảnh hưởng đến tâm lý, cách hành xử và suy nghĩ của đứa bé trong tương lai.

Phunutoday