Theo như báo cáo thường niên mang tên Triển vọng phát triển châu Á của ADB, châu Á, ngoại trừ Nhật, dự kiến sẽ tăng trưởng 7,8% trong năm 2011 và 7,7% trong năm 2012, thấp hơn tốc độ 9% của năm 2010 - thời điểm các nền kinh tế ở châu lục này vươn lên mạnh mẽ sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu.
Dự kiến tốc độ lạm phát ở các nước châu Á năm 2011, theo nhận định của ADB - Ảnh: AFP
Hãng truyền thông BBC dẫn lời Changyong Rhee, kinh tế gia trưởng của ADB nhận định rằng, thảm họa động đất, sóng thần vừa xảy ra ở Nhật đã gây ra một số tác động tiêu cực trong giao thương trong thời gian ngắn hạn, nhưng về lâu về dài, biến cố này chỉ có tác động rất nhỏ lên cả khu vực. Theo nhận định của ông này, một số nước còn được hưởng lợi nhờ nhu cầu vật liệu xây dựng tăng cao ở Nhật, khi quá trình tái thiết những khu vực bị động đất, sóng thần tàn phá được bắt đầu. Trung Quốc và Ấn Độ vẫn được đánh giá là hai nền kinh tế dẫn đầu quá trình hồi phục kinh tế toàn cầu và khu vực, dù tốc độ tăng trưởng cũng đã chậm lại. ADB nhận định kinh tế Trung Quốc dự kiến tăng trưởng 9,6% trong năm nay, còn Ấn Độ dự kiến tăng 8,2%. Tuy nhiên, lạm phát là thử thách cam go mà các nước châu Á phải đối phó, có thể dẫn đến những căng thẳng trong xã hội. Theo nhận định của chuyên gia Rhee, lạm phát sẽ khiến cho chính quyền các nước trong khu vực phải đau đầu trong bối cảnh các căng thẳng về địa chính trị ở Trung Đông và cuộc khủng hoảng hạt nhân ở Nhật làm cho giá dầu có thể còn tăng cao nữa. Lạm phát ở 45 nền kinh tế châu Á được nghiên cứu trong báo cáo của ADB dự kiến sẽ tăng 5,3% trong năm 2011 so với con số 4,4% vào năm trước.