“Đôi lông mày điểm màu khói lạt, dường như cau mà lại không cau; đôi con mắt chứa chan tình tứ, dáng như vui mà lại không vui. Má hơi lúm, có vẻ âu sầu; Người hơi mệt trông càng tha thướt. Lệ rớm rưng rưng, hơi ra nhè nhẹ. Vẻ thư nhàn, hoa rọi mặt hồ; dáng đi đứng, liễu nghiêng trước gió. Tim đọ Tỉ Can hơn một trăm khiếu, bệnh so Tây Tử trội vài phân” - Đó chính là nàng Lâm Đại Ngọc của Tào Tuyết Cần. Một trong những tuyệt mỹ giai nhân với tâm hồn đa cảm đa sầu nhất trong thiên hạ.
Tài nữ đa truân sinh chẳng phùng thời Lâm Đại Ngọc lung linh như ánh trăng rằm. Gương mặt mỹ miều phảng phát nét u buồn diễm lệ, nét diễm kều thơ ngây như nụ hoa vừa chớm, cái nhìn u buồn như giọt sương sớm luôn ủ mình trong lá non. Đôi lông mày lá liễu, miệng chúm chím như hoa đào, mắt to tròn long lanh tựa nước hồ thu, ánh nhìn vừa buồn vừa xót xa. Tất cả sự thanh tú ngưng đọng trên gương mặt nàng càng làm tăng thêm sự u buồn tĩnh lặng nhưng lại vô cùng lôi cuốn. Lâm Đại Ngọc ra đời trong một xã hội phong kiến nhức nhối thói dâm dật, lọc lừa giả dối, con người sống phải hùa theo thời, phải hướng đến chuẩn chung của chế độ phong kiến, thế nên, đang độ tuổi xuân, tràn đầy mơ ước, khát vọng yêu đương mãnh liệt, lại tinh thông thơ ca thi phú cầm kỳ thi họa, sâu sắc hơn người nên Đại Ngọc nhanh chóng rơi vào bi kịch của nước mắt. Năm Đại Ngọc lên năm thì mẹ mất, nàng được Giả mẫu đón về kinh để chăm sóc. Vừa gặp Đại Ngọc, Giả Bảo Ngọc đã cảm thấy quyến luyến không rời. Từ ngày về phủ của Giả mẫu, cuộc sống của Đại Ngọc bắt đầu chuyển sang chương mới. Tuy được Giả mẫu yêu chiều, sống trong phủ xa hoa lộng lẫy nhưng với Đại Ngọc, đó chẳng qua cũng chỉ là “ăn nhờ ở đậu”. Đến năm 14 tuổi thì cha nàng là Lâm Như Hải cũng qua đời, Đại Ngọc từ đó thành trẻ mồ côi nương tựa nhà người. Tâm thế của nàng vì thế càng tự ti, hay nghĩ ngợi và u sầu. Có lẽ, mệnh bạc của nàng đã được dự báo từ đây. Vốn ốm yếu bẩm sinh, lại không người thân bên cạnh, Đại Ngọc luôn rơi vào tâm trạng u uẩn, triền miên trong nghĩ ngợi suy tư, thêm vào đó tâm hồn vô cùng nhạy cảm, chuyện gì cũng nghĩ sâu sắc hơn người, dần dà bệnh lại càng thêm bệnh, thân thể lẫn tâm hồn đều yếu đuối như giọt sương mai.
Nàng và Bảo Ngọc cùng lớn lên bên nhau, tình cảm ngày càng khắng khít sáng trong như một đôi ngọc quý. Với nàng, Bảo Ngọc vừa là anh, vừa là tình yêu đầu, vừa là bạn tri kỷ, cùng trải qua những thời khắc đẹp nhất của tuổi hoa niên. Nàng chỉ muốn Bảo Ngọc cứ thế mà sống, mà vui vẻ không sa chân vào chốn thị phi đầy rẫy dối trá, bạc nhược xấu xa của quan lộ. Chính vì điều này làm Bảo Ngọc càng yêu thương gần gũi nàng hơn. Và cũng chính vì thế, trong cái nhìn của nhà họ Giả, Đại Ngọc trở thành bức tường cản trở công danh sự nghiệp của Bảo Ngọc.
Một tâm hồn tinh khiết như sương, buồn như giọt lệ
“Đàn ông được làm từ bùn đất, phụ nữ được làm từ hạt sương và giọt lệ” chính là câu mà Bảo Ngọc đã có lần nói với Đại Ngọc. Và Đại Ngọc chính là giọt sương và giọt lệ đó.
Đại Ngọc sớm cô đơn từ nhỏ, chỉ có Bảo Ngọc bên cạnh sẻ chia, thế nên tâm hồn nàng mẫn cảm như cánh hoa buổi sớm, chỉ cần một đóa hoa rơi cũng dủ làm nàng sầu bi, chỉ nhìn hoa trôi cũng đủ rơi nước mắt.
Đại Ngọc hay ra vườn ngồi nhìn hoa, ngóng gió rồi khóc thương khi thấy hoa rơi như khóc cho chính thân phận lẻ loi cô quạnh. Nàng có lẽ biết mình mệnh bạc, thế nên lá rơi hoa tàn bao nhiêu, nước mắt nàng lại rơi nhiều bấy nhiêu. Nàng mang hoa tàn đi chôn, khóc cho hoa cũng là khóc cho cảnh đời mình, rồi tự hỏi mình những câu đau đớn “Chôn hoa người bảo ngẩn ngơ, mai sau ta chết ai là người chôn?”. Cuộc đời ngắn tựa Thủy Phù Dung Giữa lúc yên ấm thì Tiết Bảo Thoa xuất hiện. Bảo Thoa là khuôn vàng thước ngọc của xã hội phong kiến bấy giờ thế nên vài lần Bảo Ngọc rung động trước nhan sắc hoa nhườn nguyệt thẹn ấy mà “quên khuấy cô em” Lâm Đại Ngọc, nhưng đến cuối, tình yêu dành cho Đại Ngọc vẫn luôn lớn hơn. Để chu toàn mọi việc có lợi cho họ Giả, Phượng Thư – con dâu họ Giả đã âm mưu lừa Bảo Ngọc cưới Bảo Thoa.
Đại Ngọc đặt cả cuộc đời vào tình yêu với Giả Bảo Ngọc nên cũng chính vì lễ cưới đó mà nàng ôm tâm bệnh, u uất và qua đời ngay khi hôn lễ của Bảo Ngọc và Bảo Thoa được cử hành. Cuộc đời của người con gái mong manh như cành liễu, sống vì tình yêu rồi cũng vì tình yêu đó mà mệnh bạc. Đại Ngọc chết khi vừa 24 tuổi, khi tuổi xuân còn chưa kịp phai màu. Chết trong xác pháo mừng Bảo Ngọc tân hôn. Nàng chết, ôm cả mối tình đau đớn khôn nguôi xuống tuyền đài. Có lẽ vì thế mà cuộc đời đoản mệnh vô duyên của Lâm Đại Ngọc luôn làm người đời sau thương cảm và chạnh lòng khi nhớ đến.