Người ta gọi đó là giai đoạn chuyển tiếp trong sự nghiệp. Nền kinh tế khó khăn khiến không ít người phải đối diện với tình trạng thất nghiệp. Tìm một công việc ổn định cho bản thân đã khó, có được việc làm như ý lại càng khó khăn hơn. Vì thế, ngay cả khi bạn có đủ năng lực, trình độ trong lĩnh vực của bạn, bạn vẫn có thể bị loại ra khỏi vòng chiến đấu.
(Ảnh minh họa)
Trước khi quay trở lại công việc ổn định, có thể, bạn sẽ phải mất một thời gian làm nhiều công việc khác nhau, để đủ trang trải cho cuộc sống. Người ta gọi đó là giai đoạn chuyển tiếp trong sự nghiệp. Quá trình chuyển đổi này thường bạn chỉ được trả mức lương thấp hơn nhưng lại đòi hỏi khá nhiều kỹ năng, kinh nghiệm. Một khi rơi vào hoàn cảnh đó, đừng vội nản chí. Bởi công việc chuyển tiếp này cũng giúp bạn nhiều điều bổ ích , đưa bạn quay về với công việc và nắm bắt cơ hội cho mình. Ngoài việc cho bạn một khoản thu nhập đủ để trang trải nhu cầu tối thiểu, công việc chuyển tiếp còn đưa bạn đứng vào hàng ngũ của những người có việc làm - nhóm hấp dẫn nhất đối với những người sử dụng lao động tiềm năng. Theo Nancy DeCrescenzo, GĐ phụ trách dịch vụ tư vấn nghề nghiệp tại trường ĐH Eastern Connecticut State University, công việc chuyển tiếp giúp bạn lấp hết những khoảng trống trong CV, đây là điều quan trọng khi bạn nộp hồ sơ xin việc vào bất kỳ vị trí nào. Bởi thông thường, các nhà tuyển dụng không thích những CV có nhiều "chỗ trống". Còn với chuyên gia nghề nghiệp Deborah Brown-Volkman, "Nhiều người cho rằng việc làm chuyển tiếp chẳng có ý nghĩa gì, thậm chí chỉ làm mất đi uy tín của họ. Nhưng thực tế, làm một công việc tạm thời trong quá trình chuyển tiếp này không có gì khiến bạn phải suy nghĩ cả. Điều đầu tiên mà các nhà tuyển dụng quan tâm là bạn đã làm được gì trong suốt thời gian qua. Họ thích những người đi làm hơn là thất nghiệp, vì vậy, tốt hơn là bạn nên đi làm, dù chỉ đủ thanh toán các khoản phí hằng ngày cũng được".
Công việc chuyển tiếp có thể chỉ là vài giờ một ngày ở quán cà phê, làm part-time cho các công ty khi có sự kiện... nhưng điều đó không có nghĩa là bạn ngừng mọi liên hệ với những người quen trong lĩnh vực bạn mong muốn. Hãy duy trì các mối quan hệ, tham gia các sự kiện để nắm bắt kịp thời những biến động của ngành nghề bạn mong muốn. Nếu bạn đang tìm kiếm một vị trí mới trong một lĩnh vực khác hoàn toàn so với trước đây, hãy bắt đầu từ những công việc thấp hơn rồi tìm kiếm cơ hội phát triển dần. Đừng bắt đầu ngay ở vị trí khó, hãy từ từ đi lên. Bất kỳ loại công việc chuyển tiếp nào cũng cung cấp cho bạn nhiều kỹ năng mới. Nó không chỉ giúp bạn cho những công việc trong tương lai mà còn giúp bạn có hồ sơ hoàn chỉnh mà bất kỳ nhà tuyển dụng tiềm năng nào cũng muốn thấy.