PHIM NHẠC » Bật mí điện ảnh

Lấy con để 'tranh hơn - tranh thua'

Thứ sáu, 13/05/2011 10:17

Thấy cô con gái của chị bạn đồng nghiệp đạt giải múa ở cung thiếu nhi, Xuân cũng muốn bé Chíp (4 tuổi) nhà mình giỏi như thế.

Tháng sau, Xuân tức tốc cho con gái ngừng học piano để chuyển sang lớp múa. Thời gian sau đó, bé Chíp thường tỏ ra chán nản. Nhiều lần, bé khóc lóc ôm chân bà nội vì không muốn theo học múa như mẹ yêu cầu. Mỗi khi về nhà, Xuân hỏi con xem hôm nay ở lớp cô giáo cho bé múa bài nào, múa lại cho mẹ và cả nhà xem nhưng Chíp nhất định không chịu. Cũng sợ con mình thua kém con người khác là Diệp Anh (nhân viên tư vấn du học ở Cầu Giấy, Hà Nội). Có lần, Diệp Anh than với cô bạn: “Thằng Tít nhà mình 18 tháng mà mới được 11kg, lười ăn kinh khủng”. Cô bạn cùng học phổ thông với Diệp Anh (đã chuyển vào Bình Dương) hồ hởi: ‘Thế á, cu Bom nhà này 19 tháng đã được 14kg rồi. Bom còn biết đổ rác, cất chìa khóa nhà vào đúng nơi quy định”. Sau một hồi “tỉ tê”, Diệp Anh quyết định đổi loại sữa hộp cu Tít đang dùng sang loại cu Bom nhà cô bạn với hy vọng con sẽ tăng cân. Chưa hết, ăn giờ nào, ăn những gì từ mẹ cu Bom cũng được Diệp Anh áp dụng triệt để. Tuy nhiên, hơn 1 tháng mà Diệp Anh không thấy cu con có chuyển biến gì về cân nặng. Sữa và nhiều món mới Diệp Anh chuẩn bị đều bị con lắc đầu chê.

 

Còn Nga (Mai Dịch, Hà Nội) nhất định phải mua cho bé nhà mình những món đồ chơi giống như của cu Tôm (lớn hơn 1 tuổi) bên hàng xóm. Một lần, thấy con trai khóc đòi bộ xếp hình của anh Tôm, Nga hỏi mẹ Tôm địa chỉ rồi cũng mua cho con mình một bộ. Nào ngờ lúc đang chơi, mẹ chồng Nga tá hỏa vì phát hiện cháu nhai nhai một mẩu xếp hình nhỏ xíu trong miệng. Cha mẹ nên cẩn trọng khi đem con mình ra bắt chước con nhà người khác. Điều này có thể làm lệch phát triển ở bé. Chẳng hạn, với bé Chíp nếu bị mẹ ép học múa balê thì bé sẽ không phát huy được sở trường và đam mê với piano. Chuyện ăn uống và chữa bệnh cho con hay được các mẹ rỉ tai nhau áp dụng. Cần nhớ rằng mỗi bé có thể chất, sức khỏe, khả năng hấp thu thức ăn, cũng như sở trường ăn uống khác nhau. Nếu lấy một mẫu thực đơn nhất định để ép con mình phải tăng cân, tăng chiều cao thì có khi còn làm hại bé nhiều hơn. Cũng không nên tự ý bắt bệnh cho con, rồi lại tự ý phán đoán là giống bệnh của bé nào đó. Nguy hiểm hơn là tự ý mua thuốc cho con vì nào đó cũng bệnh này nhưng uống thuốc này là khỏi. Cha mẹ chẩn đoán bệnh có thể nhầm, việc dùng sai thuốc hoặc dùng thuốc không đúng liều, không đúng bệnh... có thể khiến bé nguy kịch hơn. Tốt nhất, nên đưa bé đi khám để bác sĩ có những tư vấn kịp thời. Việc mua đồ chơi cho con cũng nên cân nhắc, xem sở thích của con, tài chính của cha mẹ, nhất là độ tuổi của bé có hợp không. Tránh thấy con hàng xóm có đồ chơi đẹp, thương con mình “thèm thuồng” mà quyết mua bằng được. Cha mẹ cần là người hiểu con, có kiến thức nuôi dạy con, biết thế nào là hợp với con mình, định hướng phát triển cho con chứ không phải sao chép theo người khác.  

Mẹ&Bé