PHIM NHẠC » Bật mí điện ảnh

Lưỡng lự

Thứ sáu, 06/05/2011 10:54

Chỉ tốn vài phút để đăng ký kết hôn nhưng phải mất nhiều tháng, thậm chí nhiều năm để làm điều ngược lại.

Thời gian này là cần thiết để những người muốn nộp đơn ly hôn suy nghĩ thật nghiêm túc trước quyết định hệ trọng đó. Thế nhưng, trên thực tế, có nhiều người cứ lưỡng lự mãi, không dám chủ động làm một cuộc thay đổi, dù tình vợ chồng đã “sống thực vật” từ lâu. Mất tất cả vì… sợ mất Dù không được mời chính thức nhưng chị Kim Thy (thợ may, Q.10, TP.HCM) vẫn đến tham dự buổi tọa đàm Bước qua đổ vỡ do Báo Phụ Nữ tổ chức vào tháng 10/2010. Khi được người dẫn chương trình hỏi: “Chị đã ly hôn được bao lâu?” thì  chị khóc như mưa: “Tôi “đổ” lâu rồi nhưng chưa “vỡ”. Tôi đã muốn ly hôn từ bốn năm trước, quyết tâm tuần sau nộp đơn, nhưng cứ lo lo. Tôi đến đây để nghe thêm kinh nghiệm của những người đi trước, để ly hôn sao cho không mất mát”. Chồng có bồ trẻ, có con riêng, chị Thy sẵn sàng tha thứ, bỏ qua, nhưng vấn đề nằm ở chỗ, chồng chị không cần được tha thứ. Anh ta còn tuyên bố thẳng: “Tôi vậy đó, cô không chịu được thì tự cuốn gói đi”. Hơn nửa năm sau buổi tọa đàm, gặp lại chị Thy, thật bất ngờ khi chị vẫn “cảnh cũ người xưa”, có khác chăng là xanh xao, gầy gò, mệt mỏi hơn. Nguyên nhân khiến chị không đủ can đảm bước ra là phụ thuộc vào… “cái mặt bằng” của nhà chồng. Bốn năm qua, đầu óc chị luôn bị bao vây bởi những câu hỏi: rời khỏi đây rồi mình biết mở tiệm may ở đâu, thuê bao nhiêu tiền, mất hết khách mối thì sao, mình chưa ổn định cuộc sống thì tòa có giao con cho mình nuôi không, làm sao mình lo nổi…

 

Minh họa: NOP

Cũng vì lưỡng lự mãi chuyện ly hôn mà chị Ngọc Yến (43 tuổi, bán shop thời trang ở Q.Bình Thạnh) đã trở thành bệnh nhân của Bệnh viện Tâm thần TP.HCM vì bị hoang tưởng và mất ngủ triền miên. Bác sĩ cho biết, việc quan trọng đối với chị không phải là dùng thuốc mà là giữ cho tinh thần bình yên, vui tươi, tránh lo nghĩ nhiều. Chị tâm sự: “Làm sao thảnh thơi được khi chồng không làm ăn mà cứ chôm đồ nhà đi bán. Tôi đã gồng mình sống vì sợ mất danh dự gia đình (gia đình tôi và chồng vốn gia giáo, nền nếp), sợ con mất cha. Giờ tôi mới thấy mình đã sai lầm. Con tôi chưa bao giờ có cha cũng như tôi chưa bao giờ có chồng đúng nghĩa. Tôi lại trầm uất lâu ngày, rước bệnh vào thân. Con tôi mới vào năm nhất đại học nhưng chắc phải nghỉ ngang để đi làm kiếm tiền chữa bệnh cho tôi và trả nợ cho cha nó”. Đã chín năm nay, tờ đơn ly hôn do chị Yến tự soạn cứ như chơi trò “trốn tìm” trong ngăn tủ. Mỗi khi xảy ra chuyện chồng đánh chửi để lấy tiền cờ bạc, nhậu nhẹt, hút xách, chị lại âm thầm lôi tờ đơn ra định đem nộp; nhưng rồi chị lại mềm lòng khi nhìn con trong giấc ngủ, khi nghe chồng năn nỉ, hứa hẹn, thậm chí lạy lục lúc tỉnh cơn say. Đầu óc chị cứ rối tung với những âu lo: mình bỏ chồng, sau này có bị chồng tông xe vào người như đã hăm dọa không, số mình còn mắc nợ đàn ông, mai mốt rủi gặp ông nào tệ hơn nữa thì sao, sau này liệu con mình có trách mẹ ích kỷ, không giữ cha cho con… Lưỡng lự, chùn bước khi muốn ly hôn trước những dấu hỏi ở tương lai là điều xảy ra không riêng với chị Kim Thy hay chị Ngọc Yến. Đứng trước một quyết định quan trọng, lưỡng lự là trạng thái tâm lý hiển nhiên và cần thiết. Thực tế, khi chọn mua một chiếc áo mới, một món ăn, người ta cũng không phải dễ dàng quyết định ngay; huống chi chuyện lớn như “người dưng hóa” chính người đầu ấp tay gối với mình bấy lâu. Dù là nam hay nữ đều phải cân nhắc thận trọng việc nên sống tiếp hay ly hôn, nên làm sao để ít tổn thương nhất cho bản thân và các con... Tuy nhiên, thật tiếc cho những ai lưỡng lự quá lâu, không thể dứt khoát một con đường. Như thế là chôn vùi hạnh phúc của bản thân, vô tình kéo theo bất hạnh cho người khác, nhất là con cái.

 

Ảnh: P.Huy

Tự xác định thời gian cần thiết Sau khi được chị em đồng cảnh ngộ động viên và hứa giúp đỡ, chị Kim Thy đã lấy lại được sự tự tin. Chị nhận ra cuộc sống còn nhiều thứ giá trị hơn cái mặt bằng nhà chồng mà chị đang mở tiệm may. Chị còn sức khỏe, còn trẻ đẹp, ra đường còn có khối anh nhìn ngắm. Nếu ly hôn, dọn đi nơi khác, chị vẫn có thể sống và lo cho con nhờ đôi tay khéo léo, giỏi giang của mình. Chị mạnh dạn nộp đơn thuận tình ly hôn. Bước ra khỏi phiên tòa, chị cảm thấy như vừa được trút gánh nặng vì tình cảm với chồng đã chết từ lâu. Chị tự giễu mình: “Cũng tại mình “tham” cái mặt bằng nên cứ khổ dài. Giờ thì chẳng  sợ gì nữa. Không làm chủ tiệm may được thì đi làm công ăn lương rồi từ từ tính. Miễn mình dám sống thì sẽ sống được. Chôn chân một chỗ là tự sát”. Chị Ngọc Yến cũng đã cương quyết ly hôn khi bệnh vừa thuyên giảm. May mắn, chị được con gái ủng hộ, trở thành chỗ dựa tinh thần để chị bớt hụt hẫng. Từ kinh nghiệm của mình, chuyên viên tư vấn tâm lý Nguyễn Quang Hiển (Trung tâm Tư vấn tình yêu - hôn nhân - gia đình, thuộc Trung ương Hội LHTN VN) nhận định: “Đa phần, người ta lưỡng lự vì sợ mình quyết định nông nổi, sai lầm, sau này sẽ hối hận. Vì thế, giải pháp chung đối với những ai đang đứng ở “ngã ba đường” là hãy cho nhau một thời gian nhìn lại rồi mới định đoạt số phận của cuộc hôn nhân. Sau một thời gian được đánh động nguy cơ chia tay, người bạn đời của bạn sẽ có động lực hồi tâm sửa đổi. Tuy nhiên, bản thân bạn cũng không được thụ động ngồi chờ, mà phải nỗ lực hoàn thiện mình, tự giúp mình có đời sống tốt hơn. Thay vì suốt ngày suy nghĩ luẩn quẩn nên thế này, không nên thế kia, bạn cần có biện pháp nâng cấp mình cả về nội dung lẫn hình thức để bản thân được “nặng đồng cân” hơn trước (nhất là trong trường hợp chồng/vợ đang có quan hệ ngoài luồng). Khi đã cho người bạn đời thời gian, cơ hội, thì hãy cho luôn cả sự chăm sóc, nhiệt tình và lòng chân thành của mình. Nếu đã cố gắng hết mức mà không cứu vãn nổi tình thế thì chỉ còn một con đường…”. Vấn đề quan trọng là “cho thời gian” bao lâu? Tùy mỗi người và hoàn cảnh mà giai đoạn “tiền ly hôn” để thẩm định lại sẽ khác nhau. Bạn phải tự nhận biết thời gian thích hợp để chờ đợi sự thay đổi và can đảm quyết định dứt khoát đúng lúc. Không thể có mốc thời gian chuẩn mà phải do chính bạn tự nhận định. Trong câu chuyện tình “Nếu muốn ly hôn, hãy bế em ra khỏi cuộc đời anh” từng làm lay động biết bao trái tim thì chỉ sau một tháng, người vợ đã đánh thức lại được tình yêu nơi chồng. Biết chồng còn đắn đo trong lòng dù đã lên tiếng đề nghị chia tay để đến với cô gái khác, người vợ xin chồng thêm một tháng, hai người sẽ sống như thuở mới về chung một nhà. Mỗi sáng chuẩn bị đi làm, chồng bế vợ từ phòng ra cổng. Cận cảnh với nhau, chồng nhìn lại vẻ tiều tụy, hao mòn của vợ, gợi nhớ những kỷ niệm lãng mạn đã bị vùi lấp bởi tro bụi thời gian. Ngày thứ nhất, ngày thứ hai… đến phút chót của tháng định mệnh, người chồng đã từ bỏ ý định ly hôn và nguyện “anh sẽ bế em ra vào mỗi sáng, cho đến khi chúng ta già”.

PNO