Bi kịch vì không ly hôn
Đó là bố mẹ một cô bạn của tôi. Hai ông bà rất không hợp nhau. Nếu tách riêng mỗi người mỗi nơi thì có lẽ cũng là 2 người tốt. Nhưng ở cạnh nhau thì ngày nối tiếp ngày là bi kịch. Từ nhỏ cô bạn đã thường chứng kiến bố mẹ mình cãi nhau đánh nhau ầm ỹ làng trên xóm dưới. Hàng xóm láng giềng tới xem vòng trong vòng ngoài. Ông giữ tiền lương của ông, bà giữ tiền của bà, có hai đứa con, mỗi người xí một đứa. Ở cùng nhà nhưng suốt mấy chục năm toàn ăn riêng, ngủ riêng.
Hai đứa con được biến thành hai họng súng để ông bà chĩa vào nhau. Ông nói xấu bà với con, bà gièm pha, lôi đủ chuyện thâm cung bí sử của ông ra chứng minh cho con thấy rằng ông là hạng xấu xa, vô trách nhiệm. Ông bày cho con viết đơn tố cáo lên tận chi bộ Đảng Ủy rằng bà ngoại tình. Bà bày cho con cách mắng chửi cha, lên tận phòng giám đốc công ty của ông để khóc lóc mách chuyện cha đánh mẹ đánh con.
Nhưng hai ông bà không ly dị. Dứt khoát là không ly dị. Vì lý do, cả dòng họ nhà mình chưa từng có ai phải ly dị cả.
Và bạn tôi lớn lên trong bãi chiến trường đó. Suốt thời tuổi thơ chẳng được ngày nào yên ổn. Lớn lên cô bạn đi lấy chồng. Hoang mang trong cuộc sống gia đình, bất cứ một mâu thuẫn nhỏ nào với chồng, cô cũng khủng hoảng, nghĩ tới thảm cảnh ngày sau hai vợ chồng sống với nhau mà như trên hai bờ chiến tuyến. Nghĩ tới cảnh hai đứa con mà chia làm hai phe, rình rập nhau 24/7, nghĩ tới cảnh bà ốm ông không thèm nhìn, ông ốm ông tự nấu mì gói ăn, mà sợ hãi. Cô nhanh nhẹn đề xuất ly dị. Chỉ cần cãi nhau một câu là cô đã có thể nghĩ tới chuyện ly dị.
Còn anh trai cô, họng súng thứ hai trong nhà thì cũng có những tư tưởng rất choáng “Lấy vợ không phải chọn. Chỉ cần vợ tuân phục mình. Vợ không dám coi thường mình là được!”. Rồi anh ấy rước về một cô nàng ngốc nghếch, đểnh đoảng nhất trong đám bạn gái, vì chắc vợ thế này thì không thể chửi mình được. Giờ nhìn anh vừa đầu tắt mặt tối làm việc để lo mua nhà, đi chợ, vừa nai lưng dọn dẹp những hậu quả vợ bày ra trong dạy con, trong đối nội, đối ngoại mà thương.
Nhà thứ hai, cũng là bạn tôi. Hai người cũng yêu nhau khá lâu rồi mới cưới. Anh là mối tình đầu của chị. Rồi một (hay vài lần gì đó) chồng đi massage và chị đoán ra. Từ đó gia đình rơi vào bi kịch. Chị dằn vặt, cắn đắn mỗi đêm, hầu như ngày nào đêm nào cũng cãi nhau. Anh em, bạn bè căn ngăn, hòa giải hoài mà không được. Thậm chí cón người còn nói: “Nó tệ bạc thế, hay bỏ quách nó đi!” Nhưng chị kiên quyết không. “Sao mà giải thoát đơn giản thế được? Tao không ly hôn.”
Rồi đêm này tiếp nối đêm kia, nước mắt, ly chén vỡ… tới 2-3h sáng. Bốn năm liên tiếp như thế, kết thúc bằng việc chị tự tử sau cuộc cãi nhau cuối cùng lúc 3h30 sáng.
Có mặt bên cạnh hai gia đình đó, tôi chỉ ước ao, giá chi họ ly dị sớm hơn! Giá chi họ đừng ngại, đừng sợ ly dị, có thể đã cứu được con mình, được vợ mình, được chính mình…
Có những cuộc hôn nhân mà tất cả mọi người trong cuộc đều không hài lòng, đều bất mãn. Vậy thì thay vì mòn mỏi chịu đựng và hủy hoại bản thân, chúng ta nên có một lối thoát.
Bạn hãy tới những khu nhà cao tầng cao cấp, bên cạnh thang máy tiện nghi, thì khu nhà nào cũng có lối thoát hiểm. Và hôn nhân cũng nên chừa cho mình một lối thoát hiểm, đó là ly hôn.
Đừng lôi con ra làm khiên chắn
Nhiều người vợ sống khổ sở cả đời, nhưng cứ suốt ngày kêu vì con cái, vì danh dự, vì không muốn làm cha mẹ buồn. Đó chỉ là ngụy biện khi bạn quá yếu đuối. Bạn phải biết yêu chính mình trước mới có thể yêu con mình, bố mẹ mình… Chẳng phải trên máy bay, bạn luôn luôn được hướng dẫn việc ứng xử khi xảy ra sự cố: “Nếu đi cùng em bé, khi có sự cố, bạn phải đeo mặt nạ cho mình trước, rồi mới đeo cho em bé”. Phụ nữ cũng chỉ có một lần được sống ở trên đời và cũng có quyền được hạnh phúc.
Dám bước qua định kiến dư luận để sống cuộc sống của chính mình, chính là cách một phụ nữ tìm đến hạnh phúc. Một cuộc hôn nhân đổ vỡ, cũng đau như bị ung thư, cắt thì đau, rồi sau đó mang tiếng què cụt, thì buồn, nhưng cứ để vậy, mang tiếng đủ đầy lành lặn mà đau đớn khôn nguôi, di căn ảnh hưởng cả tới những bộ phận đang lành lặn khác.
Chính mình chứ không ai khác, phải tự thiết kế cuộc đời mình. Đừng lôi con cái hay cha mẹ hay dư luận ra để biện hộ cho việc không dám ly dị hay phải sống chung để chịu đựng mụ vợ/gã chồng. Cuộc đời là bài toán có rất nhiều đáp số, mỗi đáp số tương ứng với cách giải bài toán của mình.
Ly hôn là một lối thoát
Tôi nghĩ ly hôn là biểu hiện quyết tâm dứt bỏ cái không phù hợp với mình, dù có rủi ro và hệ lụy, là không buông xuôi trong cuộc đấu tranh tìm hạnh phúc cho mình, là khát vọng sống cho đúng nghĩa, không cam chịu, cho nên ly hôn là hành động văn minh. Ly hôn vì người ta mong sau khi ly hôn, cuộc sống sẽ tốt đẹp hơn.
Ly hôn nhiều như hiện nay là một động thái "quá độ" để xã hội hướng đến sự văn minh hơn, có trách nhiệm với hôn nhân hơn. Phương Tây cũng có tỷ lệ ly hôn cao, nhưng chỉ số hạnh phúc của người dân vẫn rất cao, và hơn hết, người ta rất trân trọng ý nghĩa của đôi nhẫn cưới.
Xem Sex and the City, rồi Up in the air sẽ thấy trước khi kết hôn người đàn ông khá lo lắng, lo tới mức muốn lùi bước, bởi đàn ông phương Tây một khi đã quyết lấy vợ, họ hiểu họ phải thay đổi nhiều như thế nào.
Kết
Có một đoàn đi du lịch nước ngoài, ở một khách sạn cao tới 65 tầng, mọi hướng dẫn bằng tiếng Anh, và xung quanh toàn người ngoại quốc. Có hai cụ già bị tách đoàn, cụ không biết cà thẻ từ để bấm thang máy, thế là hai cụ phải lọc cọc đi bộ ở cầu thang thoát hiểm, leo 35 tầng để xuống mặt đất. Xuống tới nơi, hai cụ gần như nằm bẹp, không đi chơi và cũng không ăn uống được gì, rất thương.
Ly hôn là thế. Nếu thang máy còn xài được, tất nhiên là chọn exit này làm gì cho mệt!