Nút thắt của vở kịch tưởng chừng đã bị Marseille cởi bỏ, thì bất ngờ lại được định đoạt trong tay thầy trò Rudi Garcia.
Niềm vui của các cầu thủ Lille
Một tháng trước, Marseille đã thực hiện điều ngược lại. Lille là nhân vật chính trong trận chung kết Cúp QG cho đến tận phút 85 (họ dẫn Marseille 3-1), nhưng rồi nút thắt kịch tính nhất lại nằm trong tay Marseille. Đội bóng của HLV Didier Deschamps ghi liền 3 bàn trong 5 phút chính thức ngắn ngủi còn lại, để Lille gỡ thêm một bàn vào phút bù giờ thứ hai, trước khi ấn định tỉ số không tưởng 5-4 vào phút bù giờ thứ… 5.
Một tháng sau, Marseille suýt chút nữa đã đánh cắp chiến thắng trong tay Lille với một kịch bản tương tự, dù không gây “đau tim” bằng. Đội bóng của Deschamps bị thủng lưới trước, chơi khá buồn ngủ trong cả hiệp một, trước khi bất ngờ lội ngược dòng với một cú đúp chỉ trong vòng 6 phút (từ 56` đến 72`) của Valbuena. Ở bàn thắng thứ nhất, Valbuena đã thoải mái dẫn bóng và dứt điểm chính diện ở cự ly chừng 25 mét (bóng đập chân hậu vệ Lille trước khi đi vào lưới). Bàn thắng thứ hai đến sau một quả đá phạt sát mép vòng cấm. Các cầu thủ phòng ngự của Lille đã mất tập trung, trong khi ông Deschamps có lẽ đã chỉ đạo các cầu thủ của mình tăng cường công kích trung lộ.
Trận đấu có lẽ đã được định đoạt bởi một chi tiết nhỏ (nhưng “đắt”) như thế, nhưng Lille đã không cho phép điều ấy xảy ra. Nếu như trước đây, những bàn thua kiểu khoảnh khắc như thế tác động rất nhiều đến tâm lý thi đấu của họ, thì bây giờ lại trở thành điều quá đỗi bình thường. Lille vẫn vận hành lối chơi đan bóng nhỏ ít chạm, một cách khoan thai và bình tĩnh, trước khi phát hiện và khoét sâu vào sơ hở của đối thủ, như một thói quen. Bàn gỡ hòa là một tình huống cho thấy sự ăn ý và tinh tế khi phối hợp của Lille: Payet đưa bóng vào trung lộ, Hazard nhấc chân, và Chedjou sửa bóng vào góc xa.
Sự trưởng thành của Lille
Đội ĐKVĐ đã vận hành rất nhuần nhuyễn lối chơi đang dần trở thành thương hiệu của họ từ mùa trước, ngay cả khi sự nhuần nhuyễn ấy được thử thách bằng cú sốc giữa hiệp hai, khi Valbuena đưa Marseille vượt lên. Và trước đó, lối chơi mà Rudi Garcia xây dựng đã bị thử thách, khi họ chấp nhận bán đi 3 cầu thủ quan trọng ở 3 tuyến là trung vệ Adil Rami, tiền vệ Yohan Cabaye và tiền đạo cánh Gervinho.
Những người thay thế họ hiện nay lần lượt là Marko Basa, Benoit Pedretti và Dimitri Payet. Những xáo trộn ấy đã khiến Lille không thể vận hành lối chơi một cách bình thường trong hai vòng đầu tiên, nhưng đến vòng đấu thứ ba, thì Pedretti, với bàn thắng mở tỉ số vào lưới Caen, chứng tỏ rằng anh đã quen với vai trò mà Cabaye từng đảm nhiệm trước đây. Đến trận gặp Marseille, thì Payet lên tiếng. Ở phía sau, Basa không quá nổi bật trong những tình huống dâng lên tấn công như Rami trước đây, nhưng sự chắc chắn và điềm tĩnh của anh thực sự là chỗ dựa cho hàng thủ. Moussa Sow, với những bàn thắng đầu tiên mùa bóng này, cũng chứng tỏ rằng trong một lối chơi đã ổn định như thế, thì anh hoàn toàn có thể tái lập thành tích mùa trước (25 bàn thắng ở Ligue 1).
Lille đã vừa đi vừa nắn lại con đường dưới chân, với sức mạnh được tạo nền tảng từ lối chơi đã được nâng lên thành bản sắc sau 3 mùa bóng nhào nặn chi tiết của HLV Rudi Garcia. Ngược lại, ông Deschamps có thể rất giỏi trong việc khai thác chi tiết vào từng thời điểm của trận đấu, nhưng trong cả mùa giải, thì sự ứng biến của ông có lẽ sẽ phải bất lực trước lối chơi đã ổn định của Lille.
Con số
1 Moussa Sow có thói quen khởi đầu chậm chạp: Mùa trước, sau 4 vòng đấu đầu tiên, anh chỉ ghi được một bàn, nhưng kể từ vòng 6 (thời điểm anh ghi bàn thứ hai) cho đến vòng cuối cùng, anh đã nổ súng thêm 24 lần sau 30 lần ra sân cho Lille
2 Đây là trận thắng thứ 2 trong tháng Tám của Lille, tính từ mùa 2008-2009. Trước mùa giải này, họ chưa từng thắng trong tháng đen tối này, đá 10 trận thì hòa tới 6 và thua 4
5 Alain Traore của Auxerre đang gây bất ngờ lớn, khi dẫn đầu danh sách ghi bàn ở Ligue 1 thời điểm này với 5 lần lập công trong cả 4 trận đã qua (vòng vừa rồi là một cú đúp vào lưới Ajaccio). Điều đáng nói là cầu thủ người Burkina Faso này chỉ là một tiền vệ