PHIM NHẠC » Bật mí điện ảnh

Mẹ vợ - con rể không hợp nhau

Thứ bảy, 14/05/2011 10:32

Ngay từ trước khi cưới, bố mẹ Vân đã không thích cậu con rể tương lai. Mẹ Vân cho rằng Long (chồng Vân) tai chuột, mặt dơi không có tướng làm quan, không khéo léo, không có chí tiến thủ...

Lúc Vân đồng ý cưới Long, mẹ Vân quát lớn: ‘Mày điên rồi’. Sau nhiều lần ngăn cản không thành, Vân chẳng muốn về thăm bố mẹ vì hễ lần nào gặp là bà lại lôi con rể ra nói xấu. Hôm Vân về bố mẹ đẻ chơi, đến chiều thì xin phép ra bến xe đón chồng đi ăn cưới bạn ở Hải Phòng, mẹ Vân giằng ngay lấy điện thoại, nói lớn: “Anh không có chân à? Sao bắt nó bụng mang dạ chửa đi đón?”... khiến Vân tức điên người. Long biết mẹ vợ không ưa mình nên hay tự ái hoặc lảng tránh gặp bố mẹ vợ. Còn Nhàn (Đống Đa, Hà Nội) khi cưới chồng còn bị mẹ đẻ “ném” tức giận: “Rồi mày sẽ phải ân hận. Lúc ấy thì đừng có khóc lóc bảo mẹ không nói trước. “Nguyên nhân là vì bố chồng mình có vợ bé, anh trai chồng cũng không hạnh phúc và mới tái giá. Mẹ mình lo chồng mình cũng thế vì ‘nhà như thế thì chẳng ra gì’”- Nhàn sụt sịt kể. Mẹ Nhàn còn nghĩ con gái bà hơn chàng rể kia mọi mặt, nhà mình có giá hơn vì gia cảnh nhà con rể khá bần hàn. Biết bị nhà vợ coi thường, chồng Nhàn hầu như không bao giờ tới nhà bố mẹ vợ, trừ ngày Tết trong năm. Có đến, anh cũng chỉ chào hỏi qua loa mà không trò chuyện gì thêm. Mẹ Nhàn càng có lý do chê con rể khiến cô đau đầu. Nhàn băn khoăn không biết làm sao để mối quan hệ nhà vợ - con rể tốt đẹp lên.

 

Chuyện của Liên (Mỹ Đình, Hà Nội) cũng căng thẳng không kém. Vợ chồng Liên đang tá túc nhờ bên ngoại để tích cóp tiền mua nhà chung cư, sau này ra riêng. “Chồng mình đang tự ái quá. Cứ thế này chắc phải ra ngoài thuê nhà sống thôi” – Liên chán nản nói. Số là chồng Liên rất mê bóng đá. Một lần thấy con rể xem bóng đá, nhảy cẫng lên vô ý làm vỡ cái cốc, mẹ vợ “lườm nguýt”: “Anh cũng máu mê kinh quá nhỉ? Máu nữa khéo nhà sập mất”. Thế là chàng rể dỗi. Hôm nào có bóng đá, anh tìm chỗ khác để xem chứ nhất định không xem tivi dưới phòng khách nhà vợ. “Mẹ mình suốt ngày càu nhàu chồng mình lười, không giúp mẹ làm gì cả, lại còn ở bẩn nữa. Mình thì biết chồng mình muốn giúp mẹ nhưng lại ngại. Vì mẹ mình khó tính, hay cằn nhằn đến mình là con đẻ còn chẳng chịu nổi nữa là...” – Liên chia sẻ. Liên thấy mệt mỏi vì mẹ đẻ thích “bới” lỗi của con rể để than trách. Hai vợ chồng Liên muốn “bứt” ra ngoài nhưng vì đang bụng mang dạ chửa nên Liên còn ngần ngại. Làm ‘đại sứ hòa bình’ Trong trường hợp mẹ chồng – nàng dâu xung đột, vai trò trung gian của người chồng vô cùng quan trọng, có thể giúp xoa dịu tình hình. Tương tự, khi mẹ vợ - con rể có hiềm khích thì người vợ cũng nên trở thành “chiếc cầu nối tế nhị”. Con gái có thể dễ dàng thủ thỉ với mẹ đẻ để bà không còn ác cảm với con rể. Nhiều trường hợp sau một thời gian thấy con gái sống hạnh phúc, mẹ đẻ không còn bắt lỗi hay kể tội con rể nữa. Tuy nhiên, con rể cũng cần biết tâm lý, không để bụng chuyện cũ, không thù hận hay oán trách nhà vợ thì mối quan hệ giữa con rể với nhà vợ mới từng bước tốt đẹp được. Ngược lại nếu không bên nào chịu nhìn bên nào thì càng khiến con rể không còn muốn đặt chân đến nhà vợ, còn nhà vợ thì càng ghét con rể hơn. Người vợ cũng cần “nịnh nọt”, vỗ về chồng một chút vì đàn ông không dễ biểu lộ cảm xúc, lại hay có xu hướng hành xử tiêu cực (không sang nhà vợ, dỗi vợ hoặc tự ái vì bị nhà vợ coi thường). Cũng không nên hờn trách, ép chồng phải thế này – thế khác với nhà vợ bởi vì điều đó càng khiến tình cảm giữa con rể và nhà vợ rạn nứt. Nếu đang ở rể thì vợ chồng cần xem xét giải pháp ra riêng để được “độc lập, tự do”. Bởi vì những va chạm nhỏ nhặt trong cuộc sống chung hàng ngày có thể gây xung đột và mâu thuẫn không hề nhỏ.  

Mẹ&Bé