Trong tay HLV Capello là những cầu thủ trẻ đầy tài năng
“Chúng tôi có những cầu thủ trẻ rất chất lượng. Đó sẽ là một tiền đề tốt cho tương lai. ĐT Anh đang trên đường chuẩn bị cho các giải đấu lớn sắp tới. Chúng tôi muốn tương lai gần, người ta sẽ nói về ĐT Anh như từng nói về ĐT Đức”. HLV Capello hồ hởi phát biểu một cách tự tin sau hai trận đấu gần nhất của ĐT Anh. Ông có lý bởi so về nhiều mặt, Tam sư đúng là có thiên hướng giống với chính đội bóng đã từng loại họ ở vòng 1/8 World Cup 2010.
Yếu tố căn bản để ĐT Anh có thể hy vọng đi theo mô hình của Đức thành công phải nằm ở nguồn lực con người. Ở 2 trận đấu vừa qua, nhất là trận hòa 1-1 với Ghana, HLV Capello đã cho trình làng những gương mặt trẻ triển vọng. Phần lớn trong số Wilshere, Hart, Cahill, Jarvis, Carroll, Welbeck đã để lại ấn tượng. Họ chính là kích thích tố cho nỗ lực trẻ hóa của Tam sư.
Nên nhớ, phải từ World Cup 2006, sau các thất bại liên tiếp ở World Cup 1998 và EURO 2000, cuộc cách mạng trẻ của ĐT Đức mới bắt đầu nổ ra và ngay lập tức họ thành công ngoài mong đợi để từ đó, kiên trì tư tưởng đưa những tài năng trẻ giàu khát khao đến với sân khấu lớn.
Có nguồn lực trẻ dồi dào là một lợi thế. Nhưng trong dòng sản phẩm ấy, vẫn phải có những sản phẩm ưu tú để có thể tạo ra đột biến trong lối chơi. Thời điểm này, trong tay Capello có ai? Hình ảnh của Wilshere gợi nhớ đến Mesut Oezil, Hart chính là Neuer… Và thậm chí, A.Young, Carroll, Rooney cho thấy công cuộc trẻ hóa của ĐT Anh sẽ còn thuận lợi hơn so với Mannschaft. Với những cá nhân dù trẻ tuổi nhưng đã có đủ sự tự tin nhờ tài năng trời phú ấy, Fabio Capello hoàn toàn có thể kỳ vọng trong mỗi trận đấu của ĐTQG, sẽ luôn có sự đột biến hay một cá nhân tạo ra điểm khác biệt.
Vả lại, so sánh về tư duy bóng đá, trước nay, bóng đá Anh có sự gần gũi với bóng đá Đức hơn rất nhiều so với bóng đá Tây Ban Nha hay bóng đá Hà Lan. Lịch sử đã chứng minh, lối chơi truyền thống của cả ĐT Anh lẫn ĐT Đức đều là 4-4-2, chứ không phải 4-3-3 như ĐT Hà Lan hay CLB Barcelona. Chỉ những năm gần đây, với cuộc cách mạng trẻ và phong cách chơi bóng (điểm nhấn là EURO 2008), người Đức mới chuyển sang 4-3-3 và nhờ thành công, họ mới tiếp tục duy trì sơ đồ xa lạ ấy. Tức là, trên con đường đổi mới của mình, nếu phải học, Tam sư sẽ đúng khi học ĐT Đức.
Từ nay đến lúc VCK EURO 2012 khởi tranh, vẫn còn hơn 1 năm nữa để những khám phá, những thử nghiệm của HLV Fabio Capello với ĐT Anh cho kết quả cuối cùng. Chưa thể biết Tam sư có trở thành một ĐT Đức hừng hực khí thế ở các giải đấu lớn hay không. Nhưng ít ra, ý tưởng theo đuổi mô hình ĐT Đức của Capello cũng đáng nhận được sự tuyên dương, ủng hộ.