Ngoài ra, ông Obama cho rằng, Mỹ cần phải đánh giá lại tình hình của những người sẽ bị giam suốt đời mà không có cơ hội ra tòa trong vòng một năm tới và sau đó cứ 3 năm đánh giá lại một lần.
Một quan chức cao cấp trong chính quyền Obama giấu tên khẳng định: “Chúng tôi cố gắng theo đuổi mục đích đóng cửa nhà tù Guantanamo mà Tổng thống đưa ra, bằng cách thiết lập một khuôn khổ pháp lý liên quan chặt chẽ tới sự an toàn và giá trị của chúng tôi”.
|
Tổng thống Mỹ Barack Obama tại Miami. |
Hồi tháng 5/2009, Tổng thống Obama đã nhắc tới việc không đi ngược lại nguyên tắc của các Tòa án đặc biệt để xét xử các nghi phạm khủng bố, nhưng bác bỏ cách mà người tiền nhiệm của ông đã làm. Theo vị quan chức cao cấp nói trên, ông Obama “luôn xác định đóng cửa Guantanamo”, ngay cả khi chính quyền của ông mới đây thừa nhận việc đó có thể sẽ không được thực hiện trước năm 2012.
Kể từ khi Tổng thống Obama lên nắm quyền, ông đã mong muốn tạo dựng một dấu ấn rõ ràng trong vấn đề Guantanamo và khác biệt với cách giải quyết của chính quyền tiền nhiệm.
Tuy nhiên, Quốc hội Mỹ kể từ đó đã gây trở ngại đối với chính quyền Obama, chẳng hạn như cấm chuyển tù nhân lên đất Mỹ, thậm chí cấm cả việc xét xử họ tại đây. Trên thực tế, ngay cả những đối thủ chính trị “đáng gờm” nhất của Tổng thống, như Hạ nghị sĩ Đảng Cộng hòa Peter King, cũng hoan nghênh các biện pháp vừa được thông qua khi cho rằng “các biện pháp này khẳng định học thuyết của Bush, theo đó Chính phủ Mỹ có quyền giam giữ những kẻ khủng bố nguy hiểm cho tới cuối cuộc chiến”.
Cụ thể, Nhà Trắng sẽ đề nghị Bộ trưởng Quốc phòng Robert Gates đưa những bị can mới ra trước các tòa án ở Guantanamo vốn được tái thiết lập năm 2009 để tăng quyền bào chữa của các bị cáo và ngăn chặn các tuyên bố được đưa ra dựa trên sự ép buộc.
Theo một quan chức cấp cao khác trong chính quyền Obama, việc đưa ra tòa các tù nhân này có lẽ sẽ được tiến hành “rất sớm, chỉ vài tuần hoặc vài ngày nữa”.
Trong số những tù nhân “được” đưa ra tòa trong đợt này, đặc biệt có Abd-Al-Rahim Al-Nachiri - nghi phạm chính trong vụ tấn công tàu quân sự USS Cole năm 2000 tại Yemen. Ngoài ra, hồ sơ tư pháp của 5 người khác bị cáo buộc tham gia tổ chức các vụ tấn công khủng bố ngày 11/9/2001 hiện vẫn đang bị “treo”. Năm 2010, 3 phiên tòa đã được tổ chức tại Guantamano, tuy nhiên sau đó đã bị hoãn lại.
Chính quyền Mỹ đương nhiệm cho rằng, biện pháp trên là một “công cụ quan trọng để đấu tranh chống chủ nghĩa khủng bố quốc tế, đồng thời khẳng định Nhà nước pháp quyền”. Tuy nhiên, chính quyền Mỹ cũng vẫn tuyên bố muốn tổ chức một số phiên Tòa tại các tòa án chung.
Trước một Hội đồng gồm cả quan chức dân sự và quân sự, bị cáo được phép bào chữa cho mình. Bản cáo trạng sẽ cung cấp cho họ tất cả những yếu tố cần thiết để chuẩn bị cho hồ sơ bào chữa. Sau phiên tòa này, việc xem xét lại hồ sơ sẽ được thực hiện 6 tháng một lần trong vòng 3 năm trước khi tổ chức một phiên tòa mới.
Cũng theo chính quyền Mỹ, việc xét lại những cố gắng của chính quyền để cho hồi hương hoặc gửi các tù nhân sang các nước thứ 3 cũng sẽ được tiến hành trong vòng một năm kể từ thời điểm hiện nay và “ít nhất 4 năm sau đó”. Việc này là nhằm “tiếp tục giam giữ các tù nhân chiến tranh còn dính líu tới các quyền lợi của Mỹ”.
Song song với việc đưa ra biện pháp trên, Tổng thống Mỹ cũng ra một sắc lệnh mới, trong đó “chốt” việc giam giữ vô thời hạn hơn 40 người khác trong số 171 tù nhân ở Guantanamo, bởi theo chính quyền Mỹ, việc xét xử để trả tự do cho các tù nhân này được cho là quá nguy hiểm, trong khi bằng chứng không đủ và không thể chấp nhận được.