NSND Trần Phương sinh năm 1930 tại Thái Nguyên là một thế hệ nghệ sĩ trưởng thành đã trải qua hai cuộc kháng chiến: chống Pháp và chống Mỹ. Ông là một trong những học viên đầu tiên tại Trường Văn nghệ Nhân dân ở chiến khu Việt Bắc.
Trần Phương trở thành diễn viên của Xưởng phim truyện Việt Nam vào năm 1955. Ông đóng bộ phim đầu tiên của mình, Vợ chồng A Phủ, năm 1959, do Mai Lộc đạo diễn và kịch bản do Tô Hoài viết. Vai diễn này đã để lại dấu ấn đáng kể cho diễn viên Trần Phương. Với vai diễn này, Trần Phương được mệnh danh là "Người đàn ông đẹp nhất của màn ảnh Việt".
"Người đàn ông đẹp nhất của màn ảnh Việt" một thời Trần Phương.
Biết Trần Phương đóng vai A Phủ, Nguyễn Tuân hỏi: "Cậu biết thế nào về thằng A Phủ?". Trần Phương trả lời như đọc văn mẫu: "A Phủ là thanh niên người Mông bị áp bức rồi vùng lên đấu tranh".
A Phủ là vai diễn đầu tiên và cũng là vai diễn kinh điển của diễn viên Trần Phương.
Nguyễn Tuân cười bảo: "Cậu đếch hiểu gì về A Phủ cả. Cái thằng A Phủ, trước tiên nó cưỡi ngựa rất giỏi, cậu phải biết cưỡi ngựa. Thứ hai là phải biết ghẹo gái. Dân Mông quen nhau là rủ nhau đi suốt cả đêm. Cậu làm được như thế mới có thể đóng được vai này".
Trần Phương nghe vậy thì ngẫm nghĩ một lúc lâu. Sau đó, ông quyết định khăn gói đến sống cùng gia đình anh hùng Sùng Phai Sình. Ngày ngày Trần Phương làm nương rẫy, chăn bò, tập cưỡi ngựa, ăn ngô sắn, gùi nước đi bộ hàng mấy cây số và học nói tiếng Mông.
Ông chia sẻ: "Họ cưỡi ngựa quanh năm mà không cần cương. Mình không quen với cách đó nên mình mẩy cứ xây xước hết, mấy lần suýt bị què chân. Nhưng khi bộ phim hoàn thành, mình cũng kịp trở thành một tay chăn bò, cưỡi ngựa cừ khôi không kém một chàng trai Mông nào".
Khi phim đóng máy, dân bản níu kéo muốn Trần Phương trở lại. Họ luôn miệng nói "pí lù, pí lù", nghĩa là “trở lại, trở lại”. Ngày đoàn làm phim quay lại trình chiếu Vợ Chồng A Phủ cho người Mông xem, những người từng ở cùng Trần Phương thậm chí còn nói: "Nó là người của bản tao đấy". Trần Phương rất vui khi nghe vậy, vì nó cho thấy ông đã hóa thân xuất sắc vào vai A Phủ – một thanh niên người Mông.
Sau vai A Phủ, nghệ sĩ Trần Phương vào vai các nhân vật khác như: Nam nghệ sĩ đóng cùng các ngôi sao nữ nổi tiếng của điện ảnh Việt Nam thời đó như: NSND Trà Giang, Tuệ Minh...
Trần Phương tiếp tục tham gia những bộ phim quan trọng như Chị Tư Hậu (1962), Tiền tuyến gọi (1969), Biển gọi (1967), Ngày lễ Thánh, Vợ chồng anh Lực...
NSND Trần Phương cũng rất thành công với vai trò đạo diễn.
Đóng góp nhiều vai diễn, NSND Trần Phương quyết định chuyển sang làm đạo diễn phim. Các phim của ông đã để lại dấu ấn sâu sắc trong lịch sử điện ảnh nước nhà như: Dưới chân núi trắng; Tội lỗi cuối cùng; Đứng trước biển; Dòng sông hoa trắng; Hy vọng cuối cùng; Vụ án hồ Con Rùa; Dòng thác;...
Đạo diễn Trần Phương được trao danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân vào năm 2001. Phim Hy vọng cuối cùng, Tội lỗi cuối cùng và Dòng sông hoa trắng đã giành được Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật năm 2007. Ngày 26/8/2020, NSND Trần Phương qua đời ở tuổi 91.
Đạo diễn Trần Phương qua đời vào năm 2020.
Chị Trần Phương Thủy, con gái NSND Trần Phương, chia sẻ: "Cha tôi ra đi thanh thản. Suốt 2 năm qua, ông từ viện dưỡng lão về nhà ở với con cháu. Trong quãng thời gian đó, ông sống rất vui vẻ. Ông từng đùa: Bây giờ cha đi, người tiễn thì không có mà người đón thì rất nhiều. Ý ông nói ở nơi chín suối có nhiều bạn bè ở đó, mọi người đều đã đi trước ông".