PHIM NHẠC » Bật mí điện ảnh

Người khuyết tật làm 'thủ lĩnh' của 300 lao động

Thứ bảy, 23/07/2011 09:37

Là Giám đốc của công ty may dệt HT Song Long, dưới “trướng” hơn 300 lao động, ít ai ngờ Hoàng lại là người khuyết tật và cuộc sống của anh đang thay đổi từng cùng với việc trợ giúp những người cùng cảnh ngộ.

Nguyễn Trọng Hoàng sinh năm 1976, ở vùng quê Thái Thụy, Thái Bình. Anh sinh ra lành lặn, bình thường như bao đứa trẻ khác. Tuy nhiên, trong một lần đi học về, Hoàng bị một chiếc ô tô đụng phải, làm nát một chân. Từ đó, anh trở thành người khuyết tật.

Không muốn mình là một người tàn phế, Hoàng quyết tâm đứng vững bằng chân trái còn lại. Vậy là ngày tháng của anh trôi qua trong khổ luyện, đôi tay Hoàng trở nên rắn chắc hơn bởi phải gồng mình hết cỡ để nâng đỡ cơ thể.

Nụ cười mãn nguyện của giám đốc khi công nhân vui vẻ làm việc.

Cha mẹ ngày càng già yếu mà tuổi tác của Hoàng ngày càng lớn dần. Không cam chịu kiếp sống phụ thuộc quá nhiều vào gia đình, Hoàng xin đi học nghề sửa chữa điện dân dụng. Ở đây, Hoàng được tiếp xúc nhiều với người cùng cảnh ngộ, được giao lưu, lắng nghe tâm sự của những người “khuyết” đi một phần cơ thể. Cũng từ sự đồng cảm đó, tình người trong trái tim Hoàng trỗi dậy thôi thúc anh phải làm một điều gì đó thật lớn lao để cứu người và cũng là tự cứu mình. Không chỉ học điện, Hoàng còn dành nhiều thời gian tìm hiểu nghề may dệt.

Sau 3 năm tìm tòi nghiên cứu, bằng sư đam mê công việc, Hoàng trở thành thợ chính và bắt đầu thử sức mình ở nhiều công ty dệt may khác nhau trong tỉnh. Năm 2002, khi đã bước sang tuổi 26, với số vốn tích luỹ được, Hoàng mở một xưởng may dệt nhỏ.

Thời gian đầu mới thành lập, xưởng gặp vô vàn khó khăn, nhất là về công nhân và quản lý. Lúc đó, xưởng chỉ vẻn vẹn có 6 công nhân. Nhưng với phương châm, “thất bại là mẹ của thành công”, không lùi bước trước khó khăn, Hoàng tiếp tục tìm hiểu về thị trường dệt may trong và ngoài nước và học hỏi kinh nghiệm quản lý, tổ chức công việc từ các doanh nhân thành đạt, những thế hệ đi trước…

Khi đã trang bị đủ cho mình kiến thức, Hoàng mạnh dạn vay vốn, đầu tư kinh phí gần 3 tỉ đồng thuê đất và mở  Công ty may dệt Song Long với diện tích 3.800m2. Với cái tâm và tài thao lược, công ty ngày càng thu hút nhiều nhân công lao động đến làm việc, nhất là người khuyết tật, trong đó có cả người tàn phế hai chân hay người câm, điếc…

Công ty may dệt HT Song Long thu hút hơn 300 lao động tật nguyền làm việc.

Sau khi công ty hoạt động ổn định, Hoàng mở nhiều lớp dạy nghề cho người khuyết tật trong tỉnh. Đến nay, công ty đã có hơn 300 lao động, trong đó hơn nửa là người khuyết tật. Sản phẩm dệt may của công ty chủ yếu là quần áo, giầy dép… Nguồn tiêu thụ hàng mở rộng cả trong và ngoài nước, trong đó thị trường tiêu thụ lớn nhất là Đài Loan và Đức.

Mỗi tháng trừ mọi chi phí, doanh thu của công ty đạt tới 600 triệu đồng. Không những thế, ngoài công ty dệt may, anh còn là chủ của hai tiệm kim hoàn lớn với nguồn lợi khá cao. Tuy vậy, anh vẫn chưa thỏa mãn với những gì làm được. Thời gian tới, Giám đốc Hoàng sẽ mở thêm nhiều xưởng may ở tại các địa phương kể cả vùng sâu, vùng xa trong tỉnh. Qua đó, rất nhiều người khuyết tật trong xã hội sẽ tiếp tục có cơ hội được học nghề, làm việc để trở thành người có ích trong xã hội.

Từ những đóng góp không ngừng nghỉ, trong thời gian qua, anh Hoàng đã nhận được nhiều bằng khen của UBND cả 3 cấp xã, huyện, tỉnh Thái Bình.

Đất Việt