PHIM NHẠC » Bật mí điện ảnh

“Nhà quê”

Thứ năm, 19/05/2011 09:00

Ra Hà Nội học tôi háo hức muốn nhập vào "hàng ngũ" bạn bè mới để được học hỏi, mở rộng các mối quan hệ. Nhưng mọi thứ cứ như có rào cản ngăn cách dù không thể hiện rõ nét.

Học được một thời gian, trong lớp đã hình thành các nhóm, trong trường lập hội đồng hương gọi vui là "những người có mùi giống nhau".   Nổi bật là nhóm người thành phố, có vẻ toàn con nhà khá giả, ăn mặc trau chuốt, điệu đàng và ở đâu nhìn họ cũng có vẻ "trội" hơn so với nhóm "nhà quê". Họ ít khi nói "nhà quê" với bạn cùng lớp, nhưng khi bình phẩm về thời trang, hay nhìn ai cu cũ là họ bảo "trông cái này nhà quê chết đi được", hay "sao đứa kia trông quê thế"… Cái tính thân thiện, ra ngoài gặp ai cũng chào của các bạn quê ra phố cũng dễ gặp ánh nhìn khinh khỉnh... Tôi đem chuyện "nhà quê" ra than thở với mẹ. Mẹ bảo hồi mới ra Hà Nội cũng hay chạnh lòng vì hai chữ "nhà quê", sau quen dần và thấy đó là câu tương tự kiểu "đồ hâm, đồ dở hơi, đồ điên…". Khối người từ quê ra sống ở thành phố một thời gian giờ cũng hay nói "nhà quê", có khi người quê còn hay chê "nhà quê" hơn cả người thành phố. Mẹ thấy người thành thị xịn giờ cũng chọc nhau là "nhà quê" và cười đùa vui vẻ, coi đó như từ ngữ thông dụng chỉ thứ gì có vẻ cũ kỹ, buồn cười chứ chẳng có ý xấu. Mẹ còn thấy khối cô cậu ở quê ra thành phố ít năm, ăn diện vào đã cong cớn mắng người khác là "nhà quê" với vẻ miệt thị rõ rệt. Có lần một phụ nữ vào cửa hàng mua áo, xem hết cái nọ tới cái kia mà không chọn được. Mẹ bèn giới thiệu một số mẫu áo chất mát, co giãn, rất hợp với vóc dáng khách, nhưng bà ta thản nhiên buông: "Trông nhà quê chết đi được, cái đồ này chỉ để ở quê mặc thôi". Lúc ấy mẹ rất chạnh lòng, nhưng trao đổi vài câu nữa thì phát hiện trong chất giọng "phố" vẫn rơi rớt chút âm thổ vùng Trung bộ. Mẹ bảo "nhà quê" giờ là khẩu ngữ quen thuộc, đừng tự ái, tổn thương bởi cái mác nhà quê, cái từ "nhà quê" cũng không phải là sự miệt thị, chê bai. Khối người quê đã và đang trở thành những tấm gương sáng, luôn vươn lên, hòa nhập, làm chủ mọi hoàn cảnh sống... Dù hoàn cảnh nào cũng cần giữ gìn giá trị tốt đẹp nguồn gốc nơi mình sinh ra... Chỉ có cái nhìn thiển cận, vốn sống nghèo nàn thì mới "dành" sự khắc nghiệt, thiếu hòa nhã với "nhà quê" - nơi "gốc rễ" của họ đang sinh sống.

Giadinh.net.vn