Nhưng sự đã rồi, đội hưởng lợi lớn từ các "vua" ấy đã trụ hạng nhờ hơn đối phương... chỉ số phụ; còn Đồng Tâm Long An dù đã rớt hạng, oan cũng chẳng thể kêu ai!
"Bóng ma" vẫn còn đấy...
Xin được trở lại với "cơn bão tiêu cực" đã huỷ hoại bóng đá Việt Nam bị phanh phui vào năm 2005-2006. Từ việc tiến hành điều tra một vài trận đấu liên quan tới trọng tài Lương Trung Việt, cả đường dây "trọng tài đen" nhận hối lộ từ các đội bóng do ông "vua sân cỏ" người Trà Vinh này cầm đầu đã lần lượt bị bóc gỡ. Danh sách các trọng tài tiêu cực được nối dài thêm: Lương Trung Việt, Thái Thượng Triết, Trần Đại, Nguyễn Quang Huy, Nguyễn Tiến Dũng, Phạm Công Đức, Lê Văn Tú, Nguyễn Hữu Thành, Phạm Hữu Lộc, Trương Thế Toàn, Vũ Trọng Chiến, Nguyễn Đức Vũ, Hoàng Thế Dũng, Vũ bá Lâm... Trong số này, Trương Thế Toàn, Lê Văn Tú, Vũ Trọng Chiến từng mang danh hiệu trọng tài FIFA. Cá biệt, trợ lý trọng tài Trương Thế Toàn còn được xem như một nhân tố đặc biệt, là niềm vinh dự của giới trọng tài Việt Nam khi được tham gia làm nhiệm vụ tại Olympic Athens 2004 và VCK bóng đá châu Á...
Công tác trọng tài vẫn còn có nhiều điều đáng bàn đến .
Điều khiến người ta ngỡ ngàng và đau đớn ở chỗ, trong một số vụ việc, số tiền mà các trọng tài nhận từ các đội bóng (tất nhiên là trái quy định) như Ngân hàng Đông Á Thép Pomina, Cần Thơ... chỉ từ vài triệu đồng tới hai, ba chục triệu đồng. Có vụ trong khi điều tra, các trọng tài nhất nhất chỉ nhận đã cầm tiền để các đội bóng yên tâm rằng, họ sẽ "thổi đúng" chứ không phải thiên vị cho đối phương. Theo cách hiểu này thì cả trọng tài lẫn đội bóng cùng chỉ muốn trận đấu diễn ra... bình thường và đúng luật, còn món tiền kia chỉ mang tính quà biếu thông thường? Nhưng, ai cũng biết đấy chỉ là một kiểu cố cãi "cùn". Chẳng thể có chuyện, trọng tài nhận tiền của đội bóng nào đó mà không nảy sinh... thiện cảm với đội bóng ấy để rồi có những tác động nhất định trong cách điều hành, làm thiên lệch cán cân trận đấu. Nên nhớ rằng trong bóng đá, chỉ cần trọng tài vô tình bỏ qua 1 quả penalty là tình thế có thể đảo ngược 180 độ!
Sau scandal vô cùng nghiêm trọng ấy, uy tín của bóng đá Việt Nam đã bị ảnh hưởng hết sức nặng nề. Liên đoàn bóng đá châu Á (AFC) quyết định tạm đình chỉ mọi hoạt động quốc tế của các trọng tài, giám sát, điều phối viên bóng đá VN cho tới khi có quyết định mới. Vậy là cả năm 2006, một số trọng tài FIFA không "nhúng chàm" của chúng ta vẫn đành làm khán giả của các sự kiện bóng đá quốc tế. Ngay cả tại sân chơi quốc nội, niềm tin vào giới trọng tài bị sứt mẻ nghiêm trọng. Thật may là án kỷ luật của AFC chỉ kéo dài trong 1 năm.
Giới bóng đá trong nước dĩ nhiên đành chấp nhận với lời kêu gọi "cảm thông" với lực lượng trọng tài trẻ hoặc những người tuy không có chuyên môn cao nhưng bất đắc dĩ phải đưa vào các trận đấu quan trọng. Nhưng đã 5-6 năm trôi qua...
Tâm sự với người viết, nguyên Phó Chủ tịch thường trực của VFF, ông Trần Duy Ly, khẳng định một trong những "vết chàm" khiến diện mạo của V.League mùa này không thật sáng sủa chính là công tác trọng tài. Trở lại với việc 2 trọng tài Trần Công Trọng và Nguyễn Văn Quyết bị đình chỉ làm nhiệm vụ 1 năm sau khi nối nhau tạo thuận lợi cho Vicem Hải Phòng, có lẽ bây giờ không quan chức nào của VFF thanh thản đứng ra tuyên bố "các trọng tài không có vấn đề tư tưởng" được nữa. Chớ quên rằng, cách điều hành bất thường với những "sơ suất" nghiêm trọng của họ liên tiếp xảy ra sau khi CLB này đưa ra "gói tài chính" trụ hạng lên tới hàng chục tỷ đồng (?). Có gì bất thường không khi trọng tài Quyết đã được phân công tiếp tục làm nhiệm vụ ở một trận đấu có đội V.HP ở 2 vòng liên tục? Phải chăng đấy cũng chỉ là một sự trùng hợp ngẫu nhiên của các quan chức làm nhiệm vụ phân công trọng tài?
Trọng tài Quyết bị treo còi một năm vì tiếng còi bất thường
Bạo lực, hay chỉ là "quyết liệt quá" mà thôi?
Trả lời phỏng vấn sau giải, ông Nguyễn Hải Hường, Trưởng Ban kỷ luật của VFF nhận định rằng "Nói các trận đấu bạo lực thì hơi quá lời. Tôi cho rằng bởi tính chất quá quyết liệt của giải nên các pha tranh bóng trở nên gay gắt, đôi khi quá giới hạn...". Vâng! Đúng là bởi tính chất của giải, nhiều trận đấu đã diễn ra hết sức quyết liệt và gay cấn. Nhưng không thể bác bỏ sự thật là có rất nhiều pha bóng diễn ra với ác ý hẳn hoi, nhan nhản trên màn hình tivi mà không phải Ban kỷ luật đều luôn có hình thức xử "nguội" (khi các trọng tài không "xử nóng" được trong quá trình trận đấu) tương xứng. Đỉnh điểm của bầu không khí "hiếu chiến" xảy ra trong các trận Vissai Ninh Bình - Sông Lam Nghệ An, Hoàng Anh Gia Lai - Khatoco Khánh Hòa... Trong đó, đã có trường hợp gãy xương ống quyển (phải nghỉ thi đấu ít nhất 1 năm, thậm chí có cả nguy cơ mất nghiệp) của Thái Học (HA.GL), có trường hợp đổ máu phải nhập viện (như Đình Đồng của SLNA, Tăng Tuấn của HA.GL)... Xem lại các pha chiếu chậm trên truyền hình, không khó để nhận ra "ý đồ xấu" trong các tình huống tranh chấp. Vậy mà, những thủ phạm lại chỉ bị cho là vô tình gây tai nạn mà thôi (?).
Theo thống kê, mùa giải này, số thẻ vàng có giảm đi: còn 4,36 thẻ/trận (so với 4,5 thẻ ở mùa trước), nhưng số thẻ đỏ lại tăng đáng kể: từ 0,24 thẻ/trận lên 0,34 thẻ (gần gấp rưỡi), đấy chẳng phải là một điều đáng bận tâm? Còn nữa, có phải tự nhiên không khi ngay mùa đầu tiên V.League mang danh nghĩa chuyên nghiệp chính thức, số khán giả lại... giảm đột biến: từ trung bình 8.297 người/trận năm 2010 còn 7.395 người/trận năm 2011 (giảm tới gần 10%)?
Chuyên nghiệp, hay "nghiệp dư lĩnh lương cao"?
Cách đây vài năm, trong giới bóng đá truyền tai nhau câu ví von của các chuyên gia lão làng: Bóng đá Việt Nam chưa phải chuyên nghiệp mà chẳng qua mới chỉ là "nghiệp dư lĩnh lương cao" mà thôi! Nhận định này xuất phát từ việc chất lượng của các trận đấu chưa cao như mong đợi, trong khi ý thức của các HLV, cầu thủ thì vẫn chưa xứng với 2 từ "chuyên nghiệp"...
Bạo lực sân cỏ và phản ứng trọng tài
Kết thúc giải, trò chuyện với người viết, đích thân chủ tịch VFF Nguyễn Trọng Hỷ khẳng định "bóng đá Việt Nam đang phát triển quá nóng". Ông thừa nhận, đã có sự mất cân đối giữa những khoản đầu tư, lương - thưởng tăng vọt khi có sự tham gia của các ông bầu lắm tiền nhiều của với chất lượng của cầu thủ, HLV, thậm chí cả cơ cấu tổ chức và điều hành của các CLB.
Ông chủ tịch VFF thẳng thắn như vậy, mong rằng các giới chức dưới quyền sẽ theo tinh thần ấy, nhìn thẳng và nói thẳng để V.League mùa sau đậm chất chuyên nghiệp, khoả lấp những khiếm khuyết còn bộc lộ ở mùa này!