Đã 6 mùa giải trôi qua, căn phòng truyền thống của Arsenal vẫn không có thêm một chiếc cúp nào. Niềm tự hào 49 trận bất bại năm xưa cũng chỉ còn là một quá khứ đẹp. Arsenal giờ mong manh và vô hại đến kì lạ. Mùa trước, “Pháo thủ” chỉ thắng 3 trong loạt 15 trận nước rút để rơi xuống tột cùng thất vọng khi vỡ mộng “ăn 4” và mất luôn suất dự thẳng C1 vào tay Man City. Mùa này, trong khi các kình địch MU, Liverpool, Man City đang “chạy đua vũ trang” ồ ạt thì Arsenal mới chỉ đón thêm 1 tân binh có đẳng cấp tạm được là Gervinho. Nhiều khả năng đội bóng vùng Bắc London sẽ phải chịu thêm một mùa giải “đen tối” nữa nếu không có những toan tính thực tế và những nước đi sáng suốt hơn. Vậy “Giáo sư” A.Wenger sẽ lựa chọn binh pháp nào cho trận chiến đầy chông gai này?
Gia cố hàng thủ
Hàng thủ chưa bao giờ là vấn đề nhức nhối với A.Wenger như lúc này. Mùa giải 2003 – 2004, khi Arsenal thẳng tiến đến ngôi vô địch với thành tích “vô tiền khoáng hậu” bất bại cả mùa, bên cạnh hàng tấn công hủy diệt với Freddy Ljungberg, Robert Pires, Thierry Henry, Dennis Bergkamp… thì hàng thủ chính là điểm tựa vững chãi, an toàn, là một nửa sức mạnh với những cái tên: Sol Campbell, Kolo Toure, Gilberto Silva hay Patrick Vieira.
Giải pháp nào cho hàng thủ...Ảnh: Internet
Những năm sau này, do nhiều lí do khác nhau, “quân đoàn bất bại” của A.Wenger đã trước sau, lần lượt chia tay đội bóng. Cho đến khi Kolo Toure chuyển sang Man City năm 2009, trong đội hình của Arsenal đã không còn bất cứ thành viên nào của “Dream Team” mùa 2003 – 2004. Những mùa bóng gần đây, Arsenal vẫn chơi thứ bóng đá tấn công, sáng tạo ở một đẳng cấp cao, nhận được sự thán phục của giới mộ điệu cũng như từ chính những địch thủ. Hàng công của đội bóng vẫn không ngừng trình làng những ngôi sao đẳng cấp như: Van Persie, Cecs Fabregas, Samir Nasri, Theo Walcott, Andrei Arshavin... nhưng hàng thủ thì ngày càng xuống cấp rõ rệt.
Vị trí thủ môn và bộ đôi trung vệ là tử huyệt của Arsenal trong mùa 2010 – 2011, mùa giải mà chính A.Wenger cũng đã phải thừa nhận là “đáng thất vọng”. Việc để thủng lưới tới 43 bàn ở mùa vừa rồi cộng với phong độ tồi của hàng thủ trong giải đấu giao hữu thường niên Emirates Cup khiến nỗi lo hàng phòng ngự của “Pháo thủ” trở nên ám ảnh hơn bao giờ hết. Tính đến giờ phút này, đội bóng mới chỉ bổ sung thêm được một vị trí ở hàng phòng ngự là hậu vệ trẻ 19 tuổi Carl Jenkinson với giá… 1 triệu bảng. Trong trận đấu ra mắt tiếp Cologne ở Emirates Cup, tân binh này gây ấn tượng với pha rót dầu đẹp như mơ vào… lưới nhà!
Những mục tiêu đình đám mà Arsenal theo đuổi suốt mùa hè như Gary Cahill, Phil Jagielka hay Christophe Samba đều mới chỉ là những tin đồn trên giấy mực của báo giới. Trong khi đó, A.Wenger đã bán hậu vệ trái số 1 Gael Clichy cho Man City với giá 7 triệu bảng và mở cửa để Eboue sang Galatasaray. Những cái tên còn lại trong hàng phòng ngự chỉ còn thủ thành Szczesny và trung vệ Koscielny là có thể tin cậy bên cạnh những Squilaci liên tục gây thất vọng mỗi lần được trao cơ hội hay Vermaelen cần tìm lại cảm giác chơi bóng sau gần một mùa bóng “ngồi chơi xơi nước” vì chấn thương, trong khi Djourou vẫn phải tích lũy thêm kinh nghiệm.
Mặc dù BLĐ cũng như chính chiến lược gia người Pháp A.Wenger đều hiểu rất rõ rằng gia cố hàng thủ là vấn đề sống còn nhất lúc này, song những động thái trên thị trường chuyển nhượng gần đây cho thấy Arsenal vẫn đang phung phí quá nhiều thì giờ vào việc loanh quanh níu giữ những trụ cột đã không còn tha thiết với đội bóng như Fabregas hay Nasri. Khi mà điểm yếu cố hữu ở hàng phòng ngự không được khắc phục, “Pháo thủ” và người hâm mộ khó có thể mơ về một cái kết đẹp cho mùa giải 2011 – 2012 đang đến rất gần.
Làm mới hàng công
Đội bóng Bắc London trước nay luôn được đánh giá là câu lạc bộ sở hữu một hàng tấn công chất lượng vào bậc nhất thế giới. Ngay cả trong “6 năm đen tối” vừa qua, hàng công của Arsenal vẫn luôn chói sáng và không một đối thủ nào ở Châu Âu dám coi thường sức mạnh tấn công của họ. Mùa giải 2010 – 2011, Arsenal là một trong số rất hiếm hoi những đội bóng chơi đôi công sòng phẳng với Barcelona và thắng thuyết phục. Ở Premier League, dù liên tục sa sút trong chặng nước rút song Arsenal cũng đã chọc thủng lưới đối phương tới 72 lần, tức chỉ chịu xếp sau nhà vô địch Manchester United (78 bàn). Trong kì chuyển nhượng mùa hè năm nay, Arsenal lại tiếp tục đưa về một cầu thủ tấn công chất lượng của Ligue I là Gervinho cũng như đang ráo riết chiêu mộ tiền vệ ngôi sao Mata của Valencia.
... khi hàng công còn dở dang. Ảnh: Internet
Tuy nhiên, bài toán thực sự ở hàng công của Arsenal chính là sự khủng hoảng niềm tin. Sau những mùa giải thất vọng nối dài, hiện các trụ cột đang tỏ ra hoài nghi về thành công của đội bóng và công khai ý định rời khỏi câu lạc bộ. Fabregas tìm mọi cách để hồi hương đầu quân cho Barcelona, Nasri nhùng nhằng không gia hạn hợp đồng, Bendtner và Eboue thậm chí còn đòi ra đi từ mùa giải trước, Walcott cũng tỏ ra nghi ngại… Tất cả những diễn biến đó có thể đẩy “Pháo thủ” vào một cuộc khủng hoảng toàn diện trên hàng công và tất nhiên lối chơi tấn công rực lửa mà Wenger xây dựng nhiều năm qua có thể biến thành một đống đổ nát.
Với việc hai ngôi sao quan trọng nhất trong sơ đồ tấn công của Arsenal là Fabregas và Nasri nổi loạn, đòi ra đi, đội bóng cần phải có những hành động dứt khoát. Thay vì nài nỉ, níu chân bằng những hứa hẹn danh hiệu xa vời như Wenger vẫn đang làm, hãy bán họ lúc còn được giá. Nếu để bộ đôi này ra đi, Fabregas sang Barcelona và Nasri sang Man City, thì ít nhất Arsenal cũng thu về được khoảng 60 triệu bảng, một số tiền đủ để Wenger theo đuổi những Mata, Jagielka hay Gary Cahill…
Sau khi đã ổn định nội bộ, nhiệm vụ lớn của “Pháo thủ” là phải đánh thức được những tài năng thực sự trên hàng công còn đang ngủ quên. Đó là Chamakh, Walcott và Arshavin, ba cái tên được đánh giá cao trong mùa giải vừa rồi nhưng lại ít nhiều gây thất vọng. Trước mắt, sự hòa nhập nhanh chóng của Gervinho chính là một tín hiệu mừng cho công cuộc làm mới hàng công ở sân Emirates mùa này. Tuy vây nếu không tỉnh táo và vẫn còn dùng dằng, thiếu quyết đoán, rất có thể bộ mặt của Arsenal trong mùa giải mới sẽ không phải là “công làm thủ phá” nữa mà trở thành “công chẳng được mà thủ cũng không xong”!