Quả tim máu
Không quá lời khi nói Quả tim máu là một “tượng đài” của dòng phim kinh dị Việt. Chỉ sau ba ngày công chiếu, phim đã tạo nên chấn động lớn khi phá vỡ rất nhiều kỷ lục điện ảnh Việt, với doanh thu 24 tỷ đồng, tương đương 300 ngàn lượt khán giả xem phim. Đó là con số mà từ trước đến nay, chưa một bộ phim nào đạt đến, ngay cả những bộ phim bom tấn lớn nhất của nước ngoài.
Chuyện phim kể về Sơn, chàng rể "chui gầm chạn" hộ tống Linh, cô vợ mới cưới đi nghỉ sau khi thay tim. Sau ca phẫu thuật, Linh liên tục gặp nhiều chuyện lạ và luôn nằm mơ về một ngôi nhà trên vùng quê Đà Lạt. Một linh hồn ma nữ đã đưa Linh, Sơn đến vùng đất lạ. Ở đây, nhiều chi tiết kinh hoàng và những bí mật động trời được từ từ hé lộ.
Quả tim máu hấp dẫn người xem ở những góc máy quay “đắt”, dễ khiến cho bạn trẻ yếu tim phải giật mình. Kỹ thuật ánh sáng trong phim tạo nên những khuôn hình đẹp với bối cảnh khi là khu nghĩa trang âm u, khi là căn biệt thự cũ kỹ, những gian phòng mờ mờ bóng người, căn hầm tối tăm gợi cảm giác ẩm mốc, chiếc tủ gỗ với hai cánh cửa va lạch cạch ẩn chứa một điều gì đó ghê rợn... Đây là những thủ pháp điện ảnh cũ trong nhiều bộ phim ma, kinh dị của thế giới nhưng khi được đưa vào một bộ phim Việt, với bối cảnh Việt, chúng vẫn gợi cảm giác thích thú cho khán giả.
Âm thanh cũng góp phần tạo nên nét thu hút cho phim. Tiếng nhịp tim đập thình thịch, tiếng lách cách của những âm thanh lạ, hay tiếng gió ngoài rừng thông, tiếng củi gỗ thông nổ lép bép trong lò sưởi... tăng thêm nét kịch tính và ma mị.
Đoạt hồn
Sau khi gây được tiếng vang tại thị trường Việt Nam với bộ phim tình cảm – hài Âm mưu giày gót nhọn, đạo diễn Hàm Trần bỗng “chuyển tông” 180 độ và cho ra đời Đoạt hồn, một tác phẩm phim kinh dị vốn được cộng đồng mê phim Việt Nam đón chờ từ khi mới tung ra những hình ảnh đầu tiên.
Phim là câu chuyện về bé Ái 8 tuổi bị trượt chân xuống sông và mất tích. Một tuần sau đó, cậu của Ái là một cảnh sát, tìm được xác cháu gái ở một vùng quê và chứng kiến cô bé ngồi bật dậy từ nhà xác. Anh ta mang Ái về nhà, nhưng không nói với bố mẹ Ái rằng lúc anh ta tìm thấy thì cô bé đã chết. Nhiều sự việc kỳ lạ đã diễn ra ở gia đình họ Vương đến khi họ khám phá ra Ái đã bị đoạt hồn.
Không phụ lòng mong đợi của khán giả, Đoạt hồn thật sự trở thành điểm sáng nổi bật giữa nhiều tác phẩm ấn tượng của điện ảnh Việt năm 2014. Bộ phim nhận được nhiều lời khen cho nội dung chặt chẽ, phần xử lí âm thanh, hình ảnh hiệu quả và đặc biệt là lối diễn xuất thần của ngôi sao nhí Lâm Thanh Mỹ. Đoạt hồn thành công rực rỡ với doanh thu 12 tỷ đồng chỉ sau 4 ngày công chiếu.
Ngôi nhà trong hẻm
Ngôi nhà trong hẻm là một trong những phim Việt gây ấn tượng mạnh với cả khán giả trong và ngoài nước. Sau khi công chiếu rộng rãi ở Việt Nam, bộ phim được mang sang Mỹ phục vụ bà con kiều bào ở đây và bất ngờ nhận được sự ủng hộ của cả khán giả lẫn báo chí, truyền thông nước bạn.
Ngôi nhà trong hẻm thuộc thể loại tâm lý đầy kịch tính, nói về bi kịch xảy đến với một cặp vợ chồng trẻ khi người vợ bị sẩy thai và mất đi đứa con đầu lòng. Trở về ngôi nhà của mình sau một thời gian dài nằm viện, người vợ bị dằn vặt vì sự mất mát lớn lao đó, cô bắt đầu có những hành động kỳ quặc.
Cũng trong thời gian này, ngôi nhà họ sinh sống cũng bắt đầu có những thay đổi lạ thường. Đến khi mọi thứ trở nên vượt ngoài tầm kiểm soát, đôi vợ chồng đã buộc phải chiến đấu tới cùng để cứu vãn hạnh phúc của họ và hoá giải những bí ẩn tại “ngôi nhà trong hẻm” trước khi quá muộn.
Cuối tháng 10/2013, tờ New York Times đăng bài giới thiệu ngắn về phim, đưa ra nhiều nhận xét khá tích cực. "Đạo diễn Lê Văn Kiệt tài giỏi tạo ra nhịp điệu và kết cấu cho bộ phim (nhất là bối cảnh ngôi nhà của đôi vợ chồng trẻ đầy ám ảnh. Căn nhà xuống cấp, ẩm thấp với những vết tường sơn tróc lở, vôi gạch vương vãi sau một mùa mưa). Diễn viên Ngô Thanh Vân rất thuyết phục khi vào vai một người vợ với nỗi đau không thể xoa dịu được. Trong khi đó, Trần Bảo Sơn thể hiện được nhân vật người chồng xoay xở giữa các sắc thái cảm xúc - sự yếu đuối của bản thân và tình cảm dành cho vợ”. Trước đó, khi ra mắt tại Việt Nam, Ngôi nhà trong hẻm dễ dàng thu về 2,4 tỉ đồng trong ngày đầu tiên công chiếu.
Mười
Mười: Truyền thuyết về bức chân dung, hay còn gọi là Mười, là bộ phim kinh dị do Việt Nam và Hàn Quốc đồng sản xuất năm 2007 và được xem là bộ phim kinh dị đầu tiên của Việt Nam tái ngộ khán giả sau năm 1975. Phim được công chiếu dịp Giáng sinh cùng năm và cấm trẻ em dưới 16 tuổi.
Bộ phim xoay quanh một nhà báo người Hàn Quốc đến Việt Nam để tìm hiểu bí mật về Mười (Anh Thư đóng), một cô gái nết na, thuỳ mị, đoan trang và vô cùng xinh đẹp nhưng phải sống cô độc một mình mà không hiểu lý do. Cô phải lòng một hoạ sĩ tài hoa tên Nguyễn (Bình Minh đóng). Sau những giây phút tốt đẹp và hạnh phúc, Nguyễn đã phản bội cô để đến với người con gái khác (do Hồng Ánh thủ vai) vì tiền.
Vì ghen tuông, người yêu sau của Nguyễn không những khiến Mười tàn phế mà còn huỷ hoại cả dung nhan xinh đẹp của cô. Quá đau khổ, Mười treo cổ tự vẫn và bị các nhà sư phong ấn vào bức tranh của chính cô mà Nguyễn vẽ.
Tuy có để lại những nuối tiếc (thời gian xuất hiện quá ít của các diễn viên Việt Nam), hoặc không ít băn khoăn (một hồn ma Việt "du hý" tận xứ Hàn), nhưng không thể phủ nhận việc phim Mười đã thành công trong thể loại phim kinh dị. Với kết thúc không có hậu, khác xa môtip "cái thiện luôn chiến thắng", linh hồn không được siêu thoát của cô gái trẻ đau khổ vì tình yêu khiến người xem phải xót xa và suy ngẫm.
Lời nguyền huyết ngải
Lời nguyền huyết ngải là bộ phim kinh dị Việt Nam do đạo diễn Bùi Thạc Chuyên thực hiện ra mắt tháng 1/2012, lấy cảm hứng từ truyện ngắn Huyết đằng của Phạm Hải Anh. Phim kể về cuộc phiêu lưu đầy sợ hãi, đầy ám ảnh của ba sinh viên trường Đại học Y tình cờ khám phá ra một loài ngải được luyện bằng máu người đựng trong một chiếc hộp gỗ cổ chứa một mẩu cây khô héo và bùa chú đặt sâu trong ngăn sách lộn xộn trong nhà giáo sư Hoàn Sinh. Đó chính là huyết ngải, một vị thuốc bí truyền của dân tộc Sắng La.
Ba cậu sinh viên tới một ngôi nhà lớn âm u, nơi có một cái cây kỳ dị thích hút máu người và rủ nhau cắt trộm một cành cây mang về phòng thí nghiệm. Từ đây, họ bị ám bởi những ảo giác ma quỷ và dần khám phá câu chuyện về loài ngải khát máu, khả năng chữa bách bệnh cũng như những ma lực vô song của nó. Huyết ngải không còn là truyền thuyết. Những nạn nhân tội nghiệp ước gì họ đã không mắc sai lầm, tiếc là, đã quá muộn…
Nếu như khán giả tìm tới Lời nguyền huyết ngải với mong muốn được hù dọa bằng những chiêu trò, những hình ảnh gây sốc như trong các phim kinh dị phổ cập của Hollywood thì hoàn toàn không có.
Không gây sự thót tim, giật mình hay sợ hãi nhưng có thể nói Lời nguyền huyết ngải vẫn là một dòng phim kinh dị mang phong cách phương Đông đặc trưng với những yếu tố tâm linh, kỳ bí. Khán giả trải nghiệm một không khí căng thẳng tột độ với câu chuyện có nhiều bí ẩn, bất ngờ kích thích trí tò mò và một cảm giác rờn rợn, ám ảnh khi xem Lời nguyền huyết ngải. Kịch bản với những chi tiết, cấu trúc mang phong cách Hollywood nhưng vẫn rất rõ chất của Bùi Thạc Chuyên.
Ngôi nhà bí ẩn và Suối oan hồn
Ngôi nhà bí ẩn và Suối oan hồn là hai bộ phim có độ dài 45 phút thuộc đề tài kinh dị do hãng Chánh Phương phim sản xuất với sự tham gia của Nguyễn Chánh Tín và Ngô Thanh Vân. Ngôi nhà bí ẩn là chuỗi những câu chuyện kỳ quái trong một căn nhà hoang nằm heo hút trên Đà Lạt. Suối oan hồn lại khai thác về những cái chết bí ẩn ở một khía cạnh khác.
Phim không lấy "ma" ra "dọa" người xem mà chính tình huống phim tạo nên sự hồi hộp, kích thích cho khán giả. Phim có cốt truyện, nội dung dẫn dắt người xem đến một thế giới tâm linh cần suy ngẫm chứ không phải là chuyện mê tín dị đoan. Ma có thật hay là do sự tưởng tượng của con người? Chính tình yêu ích kỷ và mù quáng sẽ dẫn đến một kết cục bi thảm.