Chỗ dựa của… phái yếu Diệu Thảo là một nữ doanh nhân trẻ, mới bước vào con đường kinh doanh. Sau những thành công ban đầu, cô bắt đầu cảm thấy mỏi mệt khi hàng ngày phải đối diện với nhiều thách thức từ mọi phía. Một lần, do sơ suất nên cô nhập phải lô hàng lớn kém chất lượng, nếu không kịp thời xử lý thì doanh nghiệp có nguy cơ sụp đổ. Biết sức mình không kham nổi, cô chủ động đề nghị chồng tạm nghỉ việc để trực tiếp giải quyết “sự cố” giúp cô. Với tài ngoại giao, cộng với độ “lỳ” của thần kinh, người chồng đã giải quyết vụ việc một cách êm đẹp. Nhưng đổi lại, anh bị mất việc do thời gian nghỉ quá lâu. Trong khi Thảo vui mừng tiếp quản “thành quả”, thì chồng cô phải lầm lũi vác đơn đi xin việc ở nơi khác... Khi phải đối mặt với những áp lực của cuộc sống, phụ nữ có lý do để “thoái lui trong danh dự” với tư cách là “phái yếu”. Nhưng đàn ông thì không thể. Bởi họ là “phái mạnh”. Theo phân tích của các nhà xã hội học, áp lực với đàn ông thời nào cũng tập trung ở 3 phương diện: Kinh tế, chính trị và cuộc sống. Về kinh tế, họ phải kiếm được nhiều tiền để đảm bảo cuộc sống cho gia đình. Về chính trị, họ luôn phải phấn đấu để có một vị trí nhất định trong xã hội. Về cuộc sống, họ phải là chỗ dựa vững chắc cho vợ con. Trong cuộc sống hiện đại, áp lực dành cho người đàn ông càng lớn hơn, bởi nhu cầu, đòi hỏi của gia đình và xã hội luôn ở xu hướng tăng cao không ngừng. Họ không chỉ đảm bảo đủ ăn từng bữa, đủ sức mạnh để che chở cho vợ con, đủ kiến thức để tạo dựng sự nghiệp, mà còn phải chăm lo mọi phương diện của cuộc sống để gia đình hạnh phúc, đồng thời phải điều hòa các mối quan hệ với xã hội... Và hơn hết, họ phải trở thành niềm tự hào cho vợ con bằng chính bản lĩnh, nhân cách và tài năng của mình. Họ luôn phải hướng tới phía trước để tiến lên, không bao giờ được chùn bước! Sống cùng áp lực “Điều quan trọng nhất mà tôi mong muốn ở người đàn ông của mình, đó phải là người biết chia sẻ với tôi những mối quan tâm trong cuộc sống; sống có trách nhiệm với bản thân, gia đình”, không ít người phụ nữ bày tỏ như vậy. Vô hình trung, họ đã tạo ra không ít áp lực cho người đàn ông của mình. Bởi chẳng dễ đáp ứng được những yêu cầu tưởng như đơn giản ấy, nếu người đàn ông không luôn nỗ lực hết mình. Nhưng chưa dừng lại ở đó. Người phụ nữ còn mong muốn một người đàn ông có những phẩm chất “đặc biệt” khác. Chẳng hạn như khiếu hài hước, để khi ở bên họ, người phụ nữ luôn cảm thấy thú vị. Hay một tâm hồn phong phú, nhạy cảm để thấu hiểu họ. Rồi phải biết giao tiếp, biết lãng mạn, v.v... Thật khó có thể kể hết những yêu cầu mà người phụ nữ hiện đại đặt ra cho người đàn ông của mình. Với bình diện rộng mở trong thời hiện đại, vai trò của người đàn ông trong gia đình và ngoài xã hội là 50/50. Vì vậy mà họ luôn phải “phân thân” để đảm bảo cả hai vai trò, trong hai môi trường nhiều khi ở vào thế đối kháng ấy. Để làm được điều này, người đàn ông không chỉ cần có tài năng, sức lực, mà còn cần phải đủ bản lĩnh. Tính quyết đoán, dám nghĩ dám làm, dám chịu trách nhiệm là những phẩm chất cực kỳ quan trọng trong một thế giới năng động, không ngừng phát triển và đầy tính cạnh tranh như hiện nay. Bên cạnh đó, cũng không thể bỏ qua áp lực về mặt sức khỏe. Áp lực cuộc sống dẫu đè nặng đến mấy, thì người đàn ông cũng không thể vin vào đó để bào chữa cho sự yếu kém về “khả năng đàn ông” của mình. Trong cuộc sống muôn hình vạn trạng, bên cạnh thành công thì còn tồn tại một xác suất thất bại không nhỏ. Nếu người đàn ông gặp thất bại thì áp lực sẽ lớn hơn gấp bội phần. Chính vì vậy, người đàn ông càng cần một người phụ nữ có đôi bàn tay mềm mại để chăm sóc, yêu thương, một trí tuệ đủ thông minh và tinh tế để thấu hiểu họ, một trái tim rộng mở luôn sẵn sàng đón họ với tất cả sự ấm áp, yên bình...